26/02/2014 07:59 GMT+7

Tháo dỡ đèn lồng ngoại

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tháo dỡ các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, in bằng chữ nước ngoài, không phù hợp với bản sắc văn hóa VN trang trí tại các di tích, lễ hội, khu dân cư.

z1YeISVE.jpgPhóng to
Những chiếc đèn lồng Hội An được làm bằng tre, gỗ và dán bằng lụa đã mang lại nét đẹp riêng cho không gian phố cổ - Ảnh: Kim Em

Một văn bản dù được coi là chậm trễ nhưng vẫn vô cùng cần thiết khi sự có mặt của những chiếc đèn lồng xanh đỏ sặc sỡ trong di tích, trên đường phố ngày một phổ biến.

Ngỡ ngàng có, tức giận có, phê phán có, nhưng đến hẹn lại lên, những chiếc đèn lồng đỏ cứ tràn ngập khắp mọi nơi. Thậm chí ở nhiều địa phương, chính quyền còn khuyến khích người dân treo vào dịp lễ tết.

Thế mới có chuyện khi những chiếc đèn giăng đầy, những người biết chút ít tiếng nước ngoài ngỡ ngàng khi những dòng chữ được in, dán trên đèn lồng không phù hợp.

Vậy nhưng, nó nghiễm nhiên ngự trước cổng mọi nhà cho đến khi dư luận và chính quyền tá hỏa về nội dung của những dòng chữ đó.

Nhiều năm nay, thuật ngữ “phố Tàu” được dùng phổ biến để gọi tên những con phố tràn ngập đèn lồng đỏ Trung Quốc. Đã có “phố Tàu” ở Hải Phòng, Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định... Từ Nam ra Bắc và cho đến biên giới Hà Giang, Lào Cai..., những con phố sặc sỡ đèn vẫn liên tục xuất hiện.

Ở Hà Nội, phố Hàng Mã từng là con phố của những đồ thủ công trang trí truyền thống giờ cũng tràn ngập những chiếc đèn lồng được nhập về từ Trung Quốc.

Lý do đơn giản là lâu lắm chẳng còn ai làm đèn lồng truyền thống nữa. Những chiếc đèn lồng thủ công hiếm hoi của người Việt xuất hiện lẻ tẻ trong các gian hàng bán đồ chơi mỗi dịp Trung thu cũng không còn là niềm háo hức.

Dần dần những chiếc đèn lồng Việt vắng bóng, người mua không đến, người làm cũng đã chuyển sang nghề khác mất rồi.

Người viết có những người bạn, già có, trẻ có, cứ mỗi rằm tháng giêng lại xách balô về Hội An. Đối với họ, những chiếc đèn lồng truyền thống trong các con phố nhỏ, giăng giăng dọc bờ sông Hoài luôn là lời hẹn mà không một ai muốn bỏ lỡ.

Những chiếc đèn lồng truyền thống của Hội An từng đến Đức, đến Pháp, theo chân du khách đến nhiều nơi trên thế giới nhưng lại rất khó ra Bắc vào Nam.

“Cái khó nhất chính là giá thành một chiếc đèn lồng truyền thống làm từ tre, gỗ cao hơn rất nhiều so với đèn lồng Trung Quốc. Nếu bán theo giá của đèn lồng Trung Quốc thì không đủ tiền công. Cũng có một số đơn hàng mua về trang trí nhà cửa, đền chùa nhưng không nhiều” - chị Lan (một người bán đèn lồng ở phố cổ Hội An) cho biết.

Do vậy, những người làm đèn lồng Hội An giữ nghề, yêu nghề gia truyền của mình chỉ đủ để giữ cho Hội An trở thành một “ốc đảo” đèn lồng thuần Việt giữa những tỉnh, thành phố tràn ngập đèn lồng ngoại nhập.

8bEtDAGW.jpgPhóng to
Đèn lồng VN có in truyền thuyết Thánh Gióng được bày bán tại Q.5, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

“Diêm dúa hóa” không gian di tích, lễ hội và cả khu dân cư dường như đang là trào lưu thịnh hành. Bên cạnh những cửa hàng, cửa hiệu cỡ to, cỡ nhỏ đua nhau đèn nhấp nháy, bát nháo đủ màu xanh đỏ tím vàng là những chiếc đèn lồng cỡ lớn cũng sặc sỡ không kém.

Ngoài phố là vậy, còn Văn Miếu - Quốc Tử Giám xưa nay vẫn không thoát khỏi cảnh trang trí kiểu tô màu. Và đèn lồng đỏ cũng được kết chùm một cách không cần thiết “bao vây” Khuê Văn Các.

Nhưng đèn lồng chỉ là một ví dụ trong vô số kiểu trang trí di tích hay đô thị theo kiểu “diêm dúa hóa” này. Thực tế, nếu không có một quy định chung có tính thẩm mỹ cho không gian đô thị thì sau đèn lồng sẽ còn những đồ trang trí khác thay thế. Và chuyện đâu lại vào đó. Văn bản nhà nước lại tiếp tục đuổi theo hàng loạt hiện tượng khác.

Cách đây vài ngày, trong câu chuyện ký ức về Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc có kể rằng: những chiếc màn chống nóng của người dân phố cổ Hà Nội những năm trước 1954 từng được làm rất nghiêm túc, bởi đó là bộ mặt của một gia đình chứ không xanh đỏ tím vàng tùy hứng như bây giờ!

Nhưng thời đó đã cách đây hơn nửa thế kỷ, thời này còn bao người quan tâm đến bộ mặt của gia đình mình, của di tích hay lễ hội?

Đèn lồng Hội An - linh hồn của đêm phố cổ

Ông Võ Phùng, giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TP Hội An (Quảng Nam), cho hay sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An là đêm phố cổ vào tối 14 âm lịch hằng tháng và phố đêm vào tối thứ bảy hằng tuần với ánh sáng lung linh tỏa ra từ các ngọn đèn lồng treo trước các ngôi nhà cổ, dọc trục đường chính của phố cổ Hội An. Những đêm phố cổ đó đã làm say lòng hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Nói không ngoa thì đèn lồng chính là linh hồn của đêm phố cổ và cũng chính đêm phố cổ đã làm chiếc đèn lồng của Hội An thăng hoa.

Trước đây người dân Hội An chỉ làm lồng đèn dự cuộc thi lồng đèn do chính quyền thành phố phát động vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hằng năm hoặc làm lồng đèn treo trước ngôi nhà của mình vào những đêm phố cổ, nhưng nay đã khác. Những chiếc đèn lồng Hội An được làm bằng tre, gỗ và dán bằng lụa đã trở thành sản phẩm có thương hiệu, được xuất khẩu đi các nước trên thế giới với sản lượng mỗi năm hơn 1 triệu chiếc. Nghề làm đèn lồng Hội An phát triển đã giải quyết cho thành phố hơn 3.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Ba, hơn 70 tuổi - người sáng chế chiếc đèn lồng truyền thống của Hội An thành đèn lồng xếp phổ biến hiện nay ở phố cổ và được sản xuất đại trà tại nhiều cơ sở đèn lồng Hội An đã được phong danh hiệu nghệ nhân. Đèn lồng Hội An - cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ tập thể từ năm 2.000.

Chỉ nhắc nhở, thuyết phục

Theo Thanh tra Bộ VH-TT&DL, bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương gỡ bỏ những đèn lồng không rõ xuất xứ, có tiếng nước ngoài, không phù hợp với văn hóa VN. Tuy nhiên, không thể cấm người dân mua bán và treo được vì đèn lồng không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm. Do vậy chỉ có thể thuyết phục, nhắc nhở người dân không sử dụng. Theo ông Vũ Xuân Thành (chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL), những địa phương treo nhiều đèn lồng như Ứng Hòa (Hà Nội), Bắc Ninh, Nam Định... đều là do người dân tự trích quỹ của khu phố mua về trang trí.

Chiều 25-2 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tô Văn Động (giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội) cho biết đã chỉ đạo các quận huyện, BQL di tích rà soát và gỡ bỏ các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc. Theo ông Động, riêng Văn Miếu sở đã chỉ đạo gỡ bỏ các loại đèn lồng không phù hợp trước khi có văn bản của Bộ VH-TT&DL.

Tại Lào Cai với điểm nóng là những phố đèn lồng ở Sa Pa, lực lượng thanh tra văn hóa cũng đã vào cuộc. Ông Trần Hữu Sơn (giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai) cho biết: ban đầu người dân không chấp hành nhưng sau đó đã tự hạ các đèn lồng xuống khi được thuyết phục. Về lý do người dân thích treo đèn lồng nhập từ nước ngoài hơn đèn lồng VN, ông Sơn cho rằng giá đèn lồng của VN khá đắt nên không thu hút người dân.

Đèn lồng Việt nhiều mẫu mã

Ông Huỳnh Văn Khánh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật mới, đơn vị chuyên sản xuất đèn lồng - cho biết thời điểm này không phải là cao điểm của sản xuất đèn lồng nên lượng hàng phân phối ra thị trường chỉ 2.000-3.000 sản phẩm/mẫu mỗi ngày. Mặt hàng đèn lồng chủ yếu sản xuất theo thời vụ như lễ tết, Trung thu, lễ Phật đản hay Noel. Hiện đơn vị này bắt đầu bước vào sản xuất các loại đèn Phật đản, đèn Quốc tử giám... phục vụ lễ hội.

Theo ông Khánh, đèn lồng Trung Quốc bán chạy và ổn định nhất là loại đèn lồng xếp dạng tổ ong. Trong khi đèn lồng VN lại đa dạng về mẫu mã, hình thù từ con thú đến trái cây, đèn ông sao, đồ chơi trẻ em... Các loại đèn lồng trong nước được sản xuất khéo léo, mẫu mã thân thiện, chất liệu cũng đảm bảo sức khỏe nên dần được người dân ưa chuộng hơn.

Tại TP.HCM, hiện mặt hàng này được bày bán nhiều nhất tại khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), chợ Bình Tây (Q.6)... Nhiều chủ cửa hàng cho biết đèn lồng hiện chỉ bán lai rai chứ không chạy. Bên cạnh đó, lượng hàng đi tỉnh phục vụ lễ hội thời điểm này cũng tăng nhiều hơn trước.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên