Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang gấp rút thi công - Ảnh: NGỌC MINH
Sẽ thu hút nguồn vốn ngoài xã hội, đặc biệt từ các doanh nghiệp để đưa vào xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng
Song với những thách thức và điểm nghẽn lớn của ngành giao thông, đặt ra yêu cầu cho tư lệnh ngành dám nghĩ dám làm cùng cơ chế để khơi thông dòng vốn, tháo gỡ những rào cản để giao thông là động lực cho tăng trưởng.
Quyết liệt triển khai hàng loạt dự án lớn
Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng
Chiều 21-10, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn để bầu ông Nguyễn Văn Thắng, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, làm tân bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Thắng thay cho ông Nguyễn Văn Thể đã được điều động bổ nhiệm chức vụ bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương.
Trả lời báo chí ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng bày tỏ lời cảm ơn trân trọng tới Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã tin tưởng, tín nhiệm ông với cương vị mới.
Cho rằng đây là vinh dự nhưng cũng là thách thức, trách nhiệm rất lớn lao, Bộ trưởng Thắng khẳng định sẽ cùng với cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải cố gắng, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành được các nhiệm vụ, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho cá nhân ông và ngành.
Theo tân bộ trưởng, giao thông vận tải là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò hết sức quan trọng, với khối lượng công việc, trách nhiệm rất nặng nề. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực và cố gắng hết sức, kế thừa các thành tựu, kinh nghiệm trong nhiều nhiệm kỳ, ngành sẽ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất, hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ.
"Chúng tôi sẽ tập trung quyết liệt vào các nhiệm vụ của ngành nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt là đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cùng các dự án, công trình trọng điểm nằm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", ông Thắng khẳng định.
Một trọng tâm ưu tiên nữa theo tân bộ trưởng, đó là sẽ tiếp tục rà soát lại các dự án BOT để từ đó một mặt vừa xây dựng các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, đưa ra giải pháp. Từ đó tiếp tục thu hút các nguồn vốn xã hội, thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước có hạn.
Là lãnh đạo quản lý đã trải qua quá trình công tác hơn 22 năm trong ngành ngân hàng, Bộ trưởng Thắng cho rằng hiện nay nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế thì cùng với việc "lấy vốn nhà nước làm vốn mồi", ông Thắng cho hay sẽ nghiên cứu để đưa ra những biện pháp, giải pháp nhằm thu hút được nguồn vốn ngoài xã hội, đặc biệt từ các doanh nghiệp, để đưa vào xây dựng kết cấu hạ tầng.
"Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) trước đây là chủ trương rất đúng, trúng của Đảng, Nhà nước. Thực tế đã có rất nhiều công trình, dự án lớn theo hình thức này rất hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội" - tân bộ trưởng khẳng định.
Và theo ông Thắng, đây sẽ là cơ sở để bộ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp làm thế nào để tập trung thu hút được nguồn lực ngoài xã hội, đưa vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Bày tỏ kỳ vọng vào tân bộ trưởng, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng giao thông là một trong những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, sử dụng nguồn vốn đầu tư lớn nhất, đặc biệt cho giai đoạn tới. Do đó, ông Cường cho rằng áp lực đối với tư lệnh ngành giao thông rất lớn, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực lớn cũng như năng lực trong triển khai thực hiện.
"Chúng tôi mong muốn bộ trưởng mới có tầm và đủ năng lực, khả năng đảm bảo trọng trách trong nhiệm kỳ đang đặt gánh nặng rất lớn lên ngành giao thông" - đại biểu Cường nói.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu việc Bộ Giao thông vận tải đang triển khai rất nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, các dự án đường cao tốc phía Nam, các sân bay. Bà nói rất kỳ vọng tân bộ trưởng có chỉ đạo quyết liệt, dứt khoát để trong thời gian tới có thể hoàn thành các dự án này. Nếu không hoàn thành kịp thời sẽ dẫn tới nhiều hậu quả, trong đó có sự lãng phí rất lớn.
"Khi vốn đầu tư công trong ngành giao thông không được giải ngân kịp thời sẽ gây nhiều hệ lụy, nhất là trong lúc tình hình kinh tế thế giới khó khăn, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng theo từng ngày, từng tháng. Khi chậm trễ sẽ khiến vốn dự án bị đội lên rất lớn. Do đó chúng tôi kỳ vọng vào sự quyết liệt hơn của tân bộ trưởng" - bà Nga nêu.
Huyện Long Thành và chủ đầu tư ACV xác định vị trí đất để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án sân bay Long Thành - Ảnh: H.M.
Mạnh dạn phân cấp, phân quyền
Tuy vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng để tháo gỡ những nút thắt lớn trong ngành giao thông hiện nay, cần phải huy động được sự tham gia rộng rãi của các lực lượng, nguồn lực trong quá trình đầu tư, tức huy động nhiều bên tham gia.
Bởi theo ông Cường, khối lượng dự án công trình giao thông cần thực hiện trong nhiệm kỳ này rất lớn, nên nếu Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm hết sẽ là gánh nặng rất lớn, khó có thể thực hiện được vai trò vừa quản lý vừa triển khai thực hiện dự án.
Trong khi đó, Chính phủ có chủ trương phân cấp trong đầu tư các dự án giao thông, nên đại biểu Cường cho rằng tư lệnh ngành giao thông cần mạnh dạn thực hiện chủ trương này, tăng phân cấp phân quyền, mạnh dạn giao dự án cho các địa phương có đủ năng lực làm chủ đầu tư.
"Khi giao như vậy sẽ giúp phân chia người thực thi, người quản lý và Bộ Giao thông vận tải sẽ là cơ quan vừa kiểm tra, giám sát và quản lý chứ không phải chỉ chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý. Vì vậy việc phân cấp phải mạnh mẽ hơn, là hướng để giảm áp lực quá nhiều với một cơ quan và phân vai trách nhiệm" - đại biểu Cường khuyến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Cường cho rằng cần phải tháo gỡ những vướng mắc về thể chế hiện nay cho ngành giao thông trong triển khai thực hiện dự án. Đơn cử như các cơ chế đặc thù liên quan tới chỉ định thầu để người trực tiếp thực hiện không bị áp lực và ràng buộc về những quy định bất cập, gắn với đảm bảo tính công khai, minh bạch để bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng chỉ rõ từ nay đến cuối năm số vốn đầu tư công của ngành giao thông cần giải ngân rất lớn. Do đó, việc đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là rất quan trọng. Cạnh đó cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh được những rủi ro đáng tiếc về thất thoát, lãng phí.
"Khi đẩy nhanh giải ngân nếu không cẩn thận sẽ rất dễ vấp phải các rủi ro đáng tiếc. Do vậy cần có các giải pháp kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực quản lý để tránh sai sót" - bà Nga nêu thêm.
* Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình:
Chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và chủ dự án
Tân bộ trưởng nêu việc tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để tập trung thu hút được nguồn lực ngoài xã hội đưa vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới là điều rất đúng. Thực tế các dự án đầu tư công tư trong ngành giao thông thời gian qua phát huy hiệu quả rất tốt.
Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh, nhất là với nhiều dự án BOT khi xảy ra trục trặc thì "nhà đầu tư lãnh toàn bộ rủi ro". Để khắc phục việc này, tôi đề nghị tân bộ trưởng cần có giải pháp để làm sao có sự chia sẻ rủi ro và bình đẳng giữa Nhà nước với tư nhân trong khi thực hiện các dự án. Khi làm được tốt việc này chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm, đóng góp nguồn lực vào các dự án giao thông.
* Ông KHÚC HỮU THANH HẢI (giám đốc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Đất Cảng):
Có giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp vận tải
Hiện các doanh nghiệp vận tải đã có thị trường, sự phục hồi để phát triển, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, quản lý nhà nước về vận tải chưa đồng bộ nên khó áp dụng vào hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
Ngoài ra, giá xăng dầu hiện nay có xu hướng tăng trở lại. Việc này có thể sẽ đẩy giá cước vận tải tăng lên… Do đó, chúng tôi rất mong tân bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quan tâm, có giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp vận tải giải quyết các khó khăn trên.
THÀNH CHUNG
Ông Ngô Văn Tuấn làm tổng Kiểm toán Nhà nước
Chiều 21-10, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu ông Ngô Văn Tuấn làm tổng Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu ông Ngô Văn Tuấn làm tổng Kiểm toán Nhà nước với 459/461 đại biểu có mặt (chiếm 92,17%) đồng ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận