15/11/2013 06:30 GMT+7

"Tháo chạy" khỏi xăng sinh học?

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Tham gia khá sớm vào ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học VN, nắm giữ 49% cổ phần tại nhà máy ethanol Bình Phước, nhưng Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã rao bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp, dù nhà máy chưa kịp vận hành thương mại.

tlytRpEM.jpgPhóng to
Nhà máy ethanol Bình Phước - Ảnh: h.B.

Lộ trình đưa nhiên liệu sinh học ra thị trường thay thế dần xăng dầu truyền thống bị chậm trễ và phải tới cuối năm 2014 mới bắt đầu sử dụng ở bảy tỉnh thành lớn, thậm chí có đầu mối kinh doanh xăng dầu còn tiếp tục muốn trì hoãn thêm, đã đẩy nhiều nhà máy sản xuất cồn ethanol rơi vào cảnh sống dở chết dở, thua lỗ trầm trọng.

Bán rẻ vẫn không có người mua!

Nhận được giấy chứng nhận đầu tư từ tỉnh Bình Phước vào ngày 14-5-2009, Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (đơn vị đầu tư nhà máy sản xuất cồn ethanol Bình Phước) được thành lập với sự tham gia góp 49% vốn điều lệ của Itochu, 22% vốn của Công ty CP Licogi 16 (tham gia năm 2010) và 29% của Tổng công ty Dầu VN (PV Oil). Nhà máy ethanol Bình Phước có vốn đầu tư khoảng 84 triệu USD, công suất 100 triệu lít/năm, được khởi công xây dựng vào tháng 3-2010, vận hành thử vào đầu năm 2012 chờ bàn giao.

Cần có quỹ hỗ trợ chương trình nhiên liệu sinh học

Trong báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây, Petrolimex cho rằng cần có quỹ xăng dầu hỗ trợ chương trình nhiên liệu sinh học, nếu không thì khó có thể đưa nhiên liệu sinh học ra thị trường. Theo Petrolimex, để có thể đưa xăng sinh học ra thị trường, đầu tư (hệ thống phối trộn, nâng cấp bồn chứa, xe vận chuyển) của doanh nghiệp đầu mối rất lớn, riêng Petrolimex ước khoảng 500 tỉ đồng. Cùng với chi phí vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, giá thành của E5 sẽ cao hơn xăng truyền thống.

Ông Nguyễn Hữu Khoa, giám đốc Công ty Phương Đông, cho biết dù đã nhận bàn giao nhưng hiện nay nhà máy vẫn chưa chính thức chạy thương mại vì thị trường tiêu thụ không có, nguồn tiêu thụ trong nước hạn hẹp trong khi xuất khẩu lỗ. Theo ước tính, hiện mỗi năm Công ty Phương Đông chịu lỗ gần 270 tỉ đồng, gồm các chi phí duy trì máy móc hoạt động ở chế độ bảo trì, chi phí hoạt động công ty, lãi suất ngân hàng và khấu hao máy móc đầu tư...

Trong khi đó, Itochu đã tỏ ý muốn bán toàn bộ vốn cổ phần đã đầu tư vào nhà máy ethanol Bình Phước ngay từ năm 2012, khi nhà đầu tư này nắm được lộ trình phải đến tháng 12-2014 mới chính thức bán xăng sinh học E5 (loại xăng pha 5% cồn ethanol với xăng không chì truyền thống) ở bảy tỉnh, thành phố lớn. Lộ trình này được các nhà đầu tư đánh giá là quá chậm, so với ban đầu dự kiến vào năm 2013. Tuy nhiên, lộ trình có thể tiếp tục bị lùi lại đến tháng 12-2015 bởi doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vẫn chưa đồng thuận.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Itochu đã chào bán với PV Oil nhưng PV Oil không mua vì đang phải gánh lỗ và còn “ôm” một số nhà máy ethanol khác. Mới đây, Itochu chào bán với Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) nhưng vẫn chưa bán được, mặc dù nguồn tin tại Itochu xác nhận chỉ chào bán với giá bằng 35% tổng giá trị đầu tư của Itochu vào nhà máy. Tương tự, Licogi 16 (đến hết quý 2-2013 đã đầu tư hơn 90 tỉ đồng vào Công ty Phương Đông) cho biết cũng đã tính đến chuyện thoái vốn nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Sống thoi thóp

Các nhà đầu tư vào lĩnh vực cồn ethanol hiện nay đang đứng ngồi không yên vì chỉ còn một năm nữa để chính thức bắt đầu thực hiện lộ trình tiêu thụ xăng sinh học bắt buộc. Nắm thị phần lớn nhất với hơn 50%, sự chuẩn bị của Petrolimex đến nay mới chỉ dừng lại ở thành lập ban nghiên cứu để đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, đánh giá nhu cầu xăng E5 để có kế hoạch nhập khẩu xăng truyền thống, tổng hợp các phí liên quan để phân tích giá thành xăng sinh học... Riêng các doanh nghiệp đầu mối khác như Saigon Petro, PV Oil đã đầu tư hệ thống phối trộn, cải tạo bồn chứa...

Trong khi đó, các nhà máy sản xuất ethanol đang phải sống thoi thóp, thua lỗ một thời gian dài vừa qua để chờ đợi. Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học do Bộ Công thương thực hiện cho thấy hầu hết các nhà máy lớn đều cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhưng lại gặp chung khó khăn về đầu ra, dẫn đến bị đình trệ. Cụ thể, nhà máy sản xuất ethanol tại huyện Tam Nông, Phú Thọ (vốn đầu tư 2.484,93 tỉ đồng) với phần lớn khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng hiện nay lại phải tạm dừng thi công vì tình hình tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học trên thực tế rất chậm. Điều này cũng ảnh hưởng đến các hộ nông dân trồng sắn, do không tiêu thụ được nguyên liệu.

Nhà máy bio-ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) được đầu tư 2.258,6 tỉ đồng cũng rơi vào khó khăn tương tự. Do ethanol dùng cho việc pha chế với xăng truyền thống để sản xuất xăng E5 nên thị trường tiêu thụ trong nước bị hạn chế, chỉ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu mới có thể thực hiện. Thực tế trong hai năm qua chỉ có PV Oil mua ethanol của nhà máy này. Vì vậy, phần lớn sản lượng ethanol của nhà máy sản xuất ra phải xuất khẩu với giá thấp, không đủ bù chi phí sản xuất. Tương tự, nhà máy ethanol Tùng Lâm (Đồng Nai) hiện nay phải hoạt động cầm chừng, chủ yếu sản xuất ethanol 96% (cồn công nghiệp). Do không có đầu mối tiêu thụ nên nhà máy đã dừng sản xuất ethanol 99,8% (dùng để pha xăng sinh học).

Phải đưa xăng sinh học ra thị trường đúng lộ trình

Theo Bộ Công thương, tính đến cuối tháng 9-2013, tổng năng lực sản xuất ethanol của các nhà máy đạt khoảng 239.000 tấn, đủ để pha chế 4,78 triệu lít xăng E5. Trường hợp các nhà máy chỉ hoạt động 65% công suất thiết kế vẫn có sản lượng đủ để pha chế 3,1 triệu lít xăng. Cùng với các nhà máy đang xây dựng và hoạt động trong năm 2014, khả năng cung cấp ethanol để pha E5 theo lộ trình vào tháng 12-2014 sử dụng bắt buộc là hoàn toàn khả thi. Các doanh nghiệp đều có chung kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện đúng lộ trình như đã phê duyệt để đảm bảo hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp.

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên