Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố 20 kỷ lục bất biến mới của Việt Nam - Ảnh: VietKings cung cấp
Trong năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã triển khai thực hiện Hành trình tìm kiếm và công bố top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam lần thứ nhất.
Hoạt động này nhằm quảng bá các kỷ lục không thể thay thế và không (hoặc ít khi) bị phá vỡ, từ đó góp phần tôn vinh các giá trị độc đáo của Việt Nam đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Ban tổ chức cho biết các kỷ lục bất biến được xác lập dưới góc nhìn của kỷ lục, được ghi nhận để giúp người dân hiểu thêm và tự hào về những giá trị đặc biệt hiện có của đất nước.
Trước đó, vào tháng 7-2022, VietKings đã công bố 20 kỷ lục bất biến. Dự kiến VietKings sẽ công bố và trao tặng top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam lần thứ nhất tại Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 55 vào đầu năm 2023.
20 kỷ lục bất biến được công bố lần này gồm có:
Mỏ than Kế Bào thành lập ngày 1-9-1888, có 2.750 công nhân. Sản lượng than khai thác năm 1890 là 30.242 tấn. Mỏ than Kế Bào là sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của ngành than Việt Nam.
Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp (của tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Vườn quốc gia này được thành lập năm 1992 với diện tích 115.54 ha, được xếp hạng A trong các khu bảo vệ có tầm quốc tế.
Biển Trà Cổ có hơn 15km đường bờ biển, diện tích khoảng 170 ha cong hình vành khuyên. Biển Trà Cổ có làn cát mịn, nước trong xanh, tạo nên vẻ đẹp sông núi hiền hòa, trữ tình và nên thơ.
Rừng ngập mặn Cần Giờ rộng hơn 75.000 ha, trong đó vùng lõi rộng 4.721 ha, vùng đệm 41.000 ha và vùng chuyển tiếp 29.000 ha. Nơi đây có hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, tạo nên nét đặc trưng. Rừng ngập mặn Cần Giờ được xem là địa điểm lý tưởng cho việc nghiên cứu khoa học và là một khu du lịch trọng điểm quốc gia của Việt Nam.
Đài khí tượng Phù Liễn đi vào hoạt động quan trắc lấy số liệu về nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, lượng mưa và tốc độ gió từ năm 1906. Nơi này gồm 12 trạm khí tượng và 29 trạm khí hậu.
Hang động Thiên Đường có niên đại từ 350 - 400 năm về trước. Hang có chiều dài hơn 31,4km và rộng dao động từ 30 - 100m, đoạn rộng nhất lên tới 150m. Động Thiên Đường trở thành hang động khô dài nhất Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung do Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá.
Vườn thú được Pháp xây dựng từ năm 1864, ban đầu có tên Vườn bách thảo. Từ năm 1956, Vườn bách thảo được tu sửa, đổi tên là Thảo cầm viên Sài Gòn cho đến nay. Thảo cầm viên hiện có khoảng 1.000 cá thể động vật gồm hàng chục loài có vú, hàng chục giống chim, nhiều giống bò sát và bộ sưu tập khoảng 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài…
Công trình này xây dựng tháng 4-1961, hoàn thành tháng 12-1962, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế. Mục tiêu xây dựng lò phản ứng hạt nhân là sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ để nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế…
Cầu quay Sông Hàn đưa vào hoạt động ngày 29-3-2000. Cầu dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7m. Thời gian cầu quay mất khoảng 15 đến 20 phút. Đến khoảng 3h30, cầu Sông Hàn sẽ được quay về vị trí cũ.
Rạp hát do thầy Năm Tú tên thật là Châu Văn Tú say mê nghệ thuật cải lương xây dựng. Rạp hát xây dựng vào đầu năm 1918 ở gần chợ Mỹ Tho. Năm 2012, rạp hát Thầy Năm Tú được UBND tỉnh Tiền Giang ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hang Chư Bluk hay còn gọi là hang Dơi, có chiều dài khoảng 25km. Bên trong hang chia thành hơn 100 hang động lớn nhỏ. Theo các nhà nghiên cứu dự đoán, quá trình hình thành các hang lớn nhỏ bên trong diễn ra cách đây 3.700 năm trước.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có tổng diện tích 106.646,45ha, trong đó vùng lõi là Vườn quốc gia Núi Chúa hơn 15.752 ha, vùng đệm chiếm hơn 48.762 ha. Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất ở Việt Nam cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới.
Lụa Vạn Phúc nổi tiếng tại Việt Nam được nhiều người biết đến. Năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và đến nay được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Hang Sơng được phát hiện cuối năm 2017, là hang động thạch nhũ san hô duy nhất tại Việt Nam. Hang Sơng có chiều dài 639m nằm trên đỉnh một ngọn núi cao khoảng 200m.
Bảo tàng Thế giới cà phê được lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê và mái nhà rông Tây Nguyên. Nơi đây có các không gian dành cho trưng bày, triển lãm, thư viện, hội thảo, nơi thưởng lãm cà phê…
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172 ha với ba khu vực liền kề nhau là: di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Quần thể này được ghi vào danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014.
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500ha, là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước (trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới). Năm 1986, loài sếu đầu đỏ (chim hạc, sếu cổ trụi) được tái phát hiện ở Tràm Chim. Đây là loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Nhã nhạc là một phần thiết yếu của nghi lễ cung đình Việt Nam với hàng trăm nghi lễ khác nhau hằng năm. Nhã nhạc có thể sử dụng ở các hình thức diễn xướng khác nhau trong các dịp như Festival Huế, lễ hội dân gian…
Bàu Trúc là một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) được biết đến với các sản phẩm gốm truyền thống. Nghề làm gốm có hàng trăm năm qua nhiều thế hệ của người dân địa phương.
Vườn quốc gia U Minh Thượng nằm trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Năm 2012, Vườn quốc gia U Minh Thượng được công nhận là Vườn di sản ASEAN đầu tiên trên vùng đất than bùn của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là vườn quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận