12/05/2021 11:34 GMT+7

Thành viên tổ bầu cử tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 phải làm sao?

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Trường hợp các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có thành viên tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (là F1, F2), các địa phương phải chủ động rà soát, bổ sung, thay thế thành viên.

Thành viên tổ bầu cử tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 phải làm sao? - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - Ảnh: CTV

Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia vừa có văn bản gửi ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hướng dẫn tổ chức bỏ phiếu ở cơ sở cách ly tập trung và kiện toàn, bổ sung thành viên tham gia tổ chức phụ trách bầu cử.

Theo đó, văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho hay hiện tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương diễn biến phúc tạp, lan ra nhiều tỉnh, thành.

Một số địa phương phải phong tỏa khu dân cư, thành lập các khu cách ly tập trung với số lượng người phải cách ly lên đến hàng nghìn người. Một số nơi, thành viên tổ chức phụ trách bầu cử tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 phải cách ly tập trung hoặc tại nhà.

Mặt khác, theo văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, khi tổ chức bầu cử vẫn có nguy cơ lây nhiễm từ khu cách ly tập trung ra bên ngoài, nhất là khi phát phiếu, nhận phiếu và chuyển hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu chung.

Từ đó, Hội đồng bầu cử quốc gia yêu cầu, căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương và quy mô, số lượng cử tri tại cơ sở cách ly tập trung, UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung xem xét, quyết định ghép danh sách cử tri ở cơ sở cách ly tập trung vào khu vực bỏ phiếu thích hợp.

Thực hiện rà soát, bổ sung thêm thành viên tổ bầu cử, bảo đảm đủ số lượng theo quy định. Trong đó chú ý bổ sung thành viên là những người đang làm nhiệm vụ trong cơ sở cách ly tập trung, có kinh nghiệm, hiểu biết về pháp luật bầu cử tham gia vào tổ bầu cử.

Đối với những nơi không thể chuyển ngay hòm phiếu phụ về phòng phiếu do yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, sau khi hết giờ bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử tại cơ sở cách ly tập trung được phép thực hiện việc kiểm phiếu và báo cáo kết quả cho tổ trưởng tổ bầu cử.

Thành viên tổ bầu cử thực hiện đầy đủ các biện pháp khử khuẩn, tiệt trùng, cách ly… cần thiết. Thành viên tổ bầu cử chuyển hòm phiếu phụ, phiếu bầu cử đã được niêm phong cùng biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử về cho tổ bầu cử.

Trường hợp cơ sở cách ly tập trung, địa bàn phải thực hiện phong tỏa có số lượng cử tri quá lớn hoặc có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cao thì UBND cấp xã cân nhắc, có thể quyết định thành lập bổ sung khu vực bỏ phiếu riêng tại cơ sở cách ly tập trung, địa bàn bị phong tỏa sau khi báo cáo và được sự phê duyệt của UBND cấp huyện.

Trên cơ sở đó, quyết định thành lập tổ bầu cử để chủ động phụ trách công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu.

Trường hợp các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có thành viên tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (là F1, F2) phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà thì tùy tình hình, điều kiện thực tế và nhân sự cụ thể, các địa phương chủ động rà soát, bổ sung, thay thế thành viên để vừa đảm bảo đủ số lượng, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.

Khẩn trương tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thành viên các tổ phụ trách bầu cử mới được bổ sung, nhất là thành viên các tổ bầu cử.

Có cơ chế, phương án sẵn sàng huy động thêm các nhân sự phù hợp, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia giúp việc cho các tổ chức phụ trách bầu cử.

Một số tỉnh, thành vận động bầu cử trực tuyến để phòng dịch Một số tỉnh, thành vận động bầu cử trực tuyến để phòng dịch

TTO - Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cử tri, người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và người ứng cử đại biểu HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Đà Nẵng chuyển sang tiếp xúc cử tri trực tuyến để vận động bầu cử.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên