Kết quả bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nga với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng - Ảnh: REUTERS
Tại phiên họp đặc biệt ngày 7-4, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Nghị quyết này được thông qua sau khi phương Tây cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ hàng trăm dân thường bị giết hại ở thị trấn Bucha, Ukraine. Tuy nhiên, Matxcơva bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định vụ Bucha bị dàn dựng.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gồm 47 quốc gia thành viên được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu vào với tư cách đại diện nhóm quốc gia theo phân vùng địa lý. Mỗi nhiệm kỳ của thành viên kéo dài 3 năm.
Theo báo New York Times, các thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm xác định các vi phạm quyền con người trên toàn cầu và đưa ra các khuyến cáo liên quan. Nga đang ở năm thứ hai trong nhiệm kỳ 3 năm tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Hội đồng Nhân quyền cũng cho phép các cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền trên thế giới.
Trong thời gian bị đình chỉ tư cách thành viên, Nga không thể đề xuất và biểu quyết các nghị quyết hay tham gia thảo luận về các vấn đề tại cơ quan này, ngoại trừ vấn đề liên quan trực tiếp tới Nga, theo báo New York Times.
Việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga sẽ có hiệu lực cho tới khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định dỡ bỏ hoặc cho đến cuối năm 2023, khi nhiệm kỳ thành viên của Nga kết thúc.
Phản ứng trước vụ việc này, Nga tuyên bố kết thúc sớm nhiệm kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2021 - 2023.
Ông Rolando Gomez, người phát ngôn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho rằng Nga quyết định rời khỏi Hội đồng Nhân quyền là vì nước này muốn tránh bị tước tư cách quan sát viên tại cơ quan này.
Dù các quyết định của Hội đồng Nhân quyền không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng chúng gửi đi những thông điệp chính trị quan trọng.
Bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, gọi việc thông qua nghị quyết là một "khoảnh khắc lịch sử" và "gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng sự đau khổ của các nạn nhân và người sống sót sẽ không bị lãng quên".
Dù nghị quyết nhận đến 93 phiếu thuận, nhưng cũng có đến 24 phiếu chống. Giải thích cho quyết định không ủng hộ nghị quyết, một số quốc gia lưu ý rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Nga vi phạm tội ác chiến tranh vì quá trình điều tra vẫn đang diễn ra. Họ cho rằng việc thông qua nghị quyết sẽ làm giảm uy tín của Hội đồng Nhân quyền và Liên Hiệp Quốc.
Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cảnh báo Nga sẽ coi việc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết hoặc thậm chí bỏ phiếu trắng là những hành động "không thân thiện", gây ra hậu quả cho mối quan hệ giữa Matxcơva và các quốc gia đó. Tuy nhiên, Nga vẫn cam kết sẽ tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ nhân quyền.
Đây không phải lần đầu tiên một thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bị đình chỉ tư cách. Trường hợp gần nhất trước Nga là Libya vào tháng 3-2011, do bị cáo buộc đàn áp người biểu tình dưới thời Tổng thống Gaddafi.
Tuy nhiên, trường hợp của Nga đánh dấu lần đầu tiên 1 trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị đình chỉ tư cách thành viên trong một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga là nghị quyết thứ 3 liên quan xung đột Nga - Ukraine được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2.
Trước đó, vào ngày 24-3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết thứ hai, với nội dung kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Nghị quyết đầu tiên liên quan đến chiến sự Nga - Ukraine đã được thông qua vào ngày 2-3, với nội dung kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận