24/11/2021 10:40 GMT+7

Thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư tại Hà Nội, TP.HCM trong năm 2022

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Có 11 tỉnh, thành phố nằm trong diện thanh tra quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, thanh tra việc phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng trong năm 2022, theo kế hoạch thanh tra vừa được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị quyết định thông qua.

Thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư tại Hà Nội, TP.HCM trong năm 2022 - Ảnh 1.

Loạt dự án nhà ở chung cư tại Hà Nội, TP.HCM đang nằm trong "tầm ngắm" của Thanh tra Bộ Xây dựng - Ảnh: L.Q.

Trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư và việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội tại 11 tỉnh, thành phố.

Các tỉnh, thành phố nằm trong diện thanh tra của Bộ Xây dựng gồm Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.

Việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, phần sở hữu chung nhà chung cư của các chủ đầu tư, cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố sẽ do Thanh tra Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, trực thuộc Bộ Xây dựng thực hiện.

Các đơn vị này cũng thực hiện việc thanh tra việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn các tỉnh.

Trong thực tế quản lý của Bộ Xây dựng thời gian qua, hai vấn đề quản lý sử dụng quỹ bảo trì chung cư và dành quỹ đất để phát triển nhà ở theo quy định luôn nóng. Hàng loạt vụ tranh chấp liên quan tới quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đã xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM.

Để chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư, trong năm 2021 Bộ Xây dựng cũng thực hiện hàng chục cuộc thanh tra, ban hành 18 kết luận thanh tra liên quan tới việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư của các chủ đầu tư.

Sau quá trình thanh tra, Bộ Xây dựng đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản ngân hàng độc lập kinh phí bảo trì các tòa nhà chung cư theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển quỹ bảo trì cho các ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì buộc bàn giao hơn 344 tỉ đồng. Đồng thời, buộc các chủ đầu tư trả lại 2.080m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân.

Hàng loạt chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì các dự án nhà ở chung cư tại Hà Nội đã bị bêu tên như: Liên danh Công ty CP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty CP Tập đoàn Videc, Công ty CP đầu tư Hải Phát Thủ Đô…

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã không thực hiện việc dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Luật nhà ở, hầu hết các chủ đầu tư đều lựa chọn phương án xin nộp tiền cho các địa phương thay vì xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Theo kế hoạch thanh tra vừa được ban hành, trong năm 2022, Bộ Xây dựng cũng thực hiện thanh tra chuyên ngành công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án của Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), và UBND các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hậu Giang.

Chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư có thể bị đề nghị xử lý hình sự Chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư có thể bị đề nghị xử lý hình sự

TTO - Bộ Xây dựng vừa ban hành chỉ thị 02, nghiêm cấm chủ đầu tư chiếm dụng, lấn chiếm không gian, các phần thuộc sở hữu chung nhà chung cư và đề nghị địa phương xử lý hình sự đối với trường hợp chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên