22/09/2017 14:19 GMT+7

Hãng phim truyện Việt Nam: 2 tháng cổ phần - toát mồ hôi hột

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Tới thời điểm này, những người thuộc ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truỵện Việt Nam đều phải công nhận đây là một ca cực khó, không đơn giản như cổ phần hóa một doanh nghiệp đơn thuần.

Hãng phim truyện Việt Nam: 2 tháng cổ phần - toát mồ hôi hột - Ảnh 1.

Kho đạo cụ của VFS được dọn dẹp để công ty cổ phần cải tạo nhà xưởng - Ảnh: NGỌC DIỆP

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thanh tra quá trình cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam. Đây là diễn biến mới nhất của câu chuyện tốn giấy mực báo chí gần đây liên quan đến những bức xúc của nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam.

Do chưa có tiền lệ nên tới thời điểm này chưa xác định được giá trị thương hiệu của hãng. Để giải tỏa vấn đề này, chúng ta phải làm thật minh bạch. Tôi đề nghị sẽ cho thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa để xem đúng sai thế nào

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Sau hai tháng cổ phần hóa, nhiều nghệ sĩ tại Hãng phim truyện Việt Nam đã đồng loạt lên tiếng, thậm chí còn bức xúc hơn cả thời kỳ mới xác định cổ đông chiến lược. 

Khoản lương đầu tiên họ nhận được từ công ty cổ phần chỉ là "giọt nước" cuối cùng làm tràn "cái ly" đầy ắp sự ấm ức của những nghệ sĩ vẫn còn làm việc tại hãng.

Ngay từ đầu, những nghệ sĩ đã nghi ngờ vào tính minh bạch của quá trình cổ phần hóa. Sau hai tháng, nội bộ hãng vô cùng lục đục. Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) - ông Nguyễn Thủy Nguyên - thốt lên: "Mới cổ phần có hai tháng thôi mà toát hết mồ hôi hột".

Theo nghị định 59 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, nhà đầu tư chiến lược có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nếu đối chiếu theo quy định này, cổ đông mới của Hãng phim truyện Việt Nam chưa làm tròn trách nhiệm. Trường hợp của Hãng phim truyện VN là cá biệt. Người lao động ở đây là những nghệ sĩ đã có nhiều năm cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà nói chung và cho hãng phim nói riêng. Thị trường lao động trong lĩnh vực này cũng có tính đặc thù. Vấn đề tạo công ăn việc làm là vấn đề của hãng phim chứ không phải của người lao động (nghệ sĩ). Ban lãnh đạo mới của hãng phim cần tạo việc làm cho nghệ sĩ để giải quyết quyền lợi chính đáng của họ trong lúc khó khăn này.

Luật sư Lê Hùng Việt (Hãng luật Minh Mẫn)

Nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn tại Hãng phim truyện Việt Nam là việc định giá hãng phim chỉ hơn 32 tỉ đồng - cái giá bị các nghệ sĩ cho là "quá rẻ mạt". 

Đặc biệt các nghệ sĩ cảm thấy bị xúc phạm khi biết giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam - một hãng phim truyện hàng đầu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, có truyền thống 60 năm - lại được định giá bằng 0.

Trong cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ chiều 21-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hoá, thể thao và du ljch, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Tài chính giải thích lý do chưa xác định được giá trị thương hiệu của hãng phim căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống như Thủ tướng đã yêu cầu trước đó. 

Tôi đề nghị Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Tài chính phải bắt tay vào thật sự xác định giá trị thương hiệu. Không được để tình trạng văn nghệ sĩ và nhân dân đều phải nghi ngại rằng cái gì nhà nước bán thì xác định giá rất thấp, cái gì nhà nước mua thì xác định giá rất cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Đại diện của ba bộ nói trên đều nói Hãng phim truyện Việt Nam là một trường hợp chưa có tiền lệ. 

Hãng phim là một doanh nghiệp về văn hóa nghệ thuật, có nhiều giá trị "vô hình", khó đong đếm; và không có văn bản nào hướng dẫn tính giá trị thương hiệu dựa trên truyền thống, lịch sử.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ba bộ phải tiếp tục nghiên cứu cho ra vấn đề, vì "đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ". 

Thấy các bên như Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, cổ đông chiến lược Vivaso, Hội Điện ảnh VN (đại diện cho các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam) không tìm được tiếng nói chung, Phó thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thanh tra quá trình cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam.

Lựa chọn cổ đông đúng theo quy định

huynhvinhai2 anhnguyenkhanh 2(read-only)

Ông Huỳnh Vĩnh Ái - Ảnh: N.KHÁNH

Phó ban chỉ đạo cổ phần hóa VFS - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái - trả lời các câu hỏi của Tuổi Trẻ trong cuộc gặp gỡ với báo chí sáng 21-9.

* Khi Vivaso mua VFS, Vivaso có trình đề án phát triển hãng phim không, thưa ông?

- Căn cứ theo quy định lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải có đề xuất phương án sản xuất kinh doanh sau khi trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Trong đó, Vivaso đã trình bày các phương án hỗ trợ để VFS tiếp tục tồn tại và phát triển. Theo cam kết của nhà đầu tư, doanh thu từ sản xuất phim, dịch vụ sản xuất phim sẽ chiếm 90% của doanh thu cổ phần hóa.

* Trong cuộc gặp ngày 19-9, chủ tịch hội đồng quản trị của Vivaso nói thẳng với báo chí là ông ấy không thể nói chắc chắn trong tương lai sẽ sản xuất phim hay không, vì còn tùy vào tình hình kinh tế. Điều này phần nào cho thấy cổ đông không hẳn toàn tâm toàn ý phát triển VFS như một hãng phim. Tại sao bộ lại chọn đơn vị này là cổ đông chiến lược?

- Bộ đã giải thích nhiều lần việc lựa chọn cổ đông được làm đúng theo quy định của nghị định 59, trên cơ sở xem xét những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do tập thể công ty đề xuất lên.

Còn ý kiến phát biểu cá nhân của ông Nguyên, bộ không bình luận. Cổ đông chiến lược đã cam kết, và cam kết đó đã được đưa vào điều lệ của công ty cổ phần. Nếu vi phạm, cổ đông chiến lược sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

N.Diệp

Hãng phim truyện Việt Nam: đất của Hãng không phải để xây khách sạn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ thị sát Hãng phim truyện Việt Nam Hãng phim truyện Việt Nam:
     
NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên