Chiếc xe này của Thanh tra giao thông đường sắt hư đã lâu không có kinh phí sửa chữa. Ảnh chụp tại Phòng thanh tra an toàn đường sắt KV1 sáng 18-6-2018 - Ảnh: ĐÔNG HÙNG
Thanh tra giao thông đường sắt (TTGTĐS), theo luật, họ là những công chức thanh tra chuyên ngành, chức năng tham mưu cho Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Bộ Giao thông vận tải về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, thực tế công việc của họ không xứng tầm nhiệm vụ được giao.
"4 không"
Chiếm một nửa "quân số" Cục ĐSVN, 58 công chức TTGTĐS được chia làm ba phòng. Phòng thanh tra khu vực 1 (phía Bắc) đông nhất với 28 nhân sự, khu vực miền Trung 12 và phía Nam là 18 người.
Trong năm 2017, Cục ĐSVN đã kiểm tra, phối hợp kiểm tra, xử phạt 1.043 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường sắt, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 552 triệu đồng. Con số này được cho là quá ít.
Từ khi thành lập đến nay, 13 năm, chưa bao giờ họ có trụ sở làm việc của mình, chủ yếu phải đi ở nhờ các doanh nghiệp.
Trụ sở Phòng thanh tra khu vực 1 đóng ở ngã tư Khâm Thiên, Lê Duẩn, "ở nhờ" Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.
Đến nay, ba phòng thanh tra cũng không có phương tiện xe cộ đủ an toàn để có thể đi kiểm tra đột xuất. Thỉnh thoảng, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh TTGTĐS đi xe máy kiểm tra tuần đường là vì thế.
Nói chính xác là có ba xe, một xe hỏng nặng không có kinh phí sửa đành "đắp chiếu" cất, hai xe không đăng kiểm được đành trả lại. Nhiều năm qua luôn trong tình trạng "ăn đậu, ở nhờ" tại các doanh nghiệp khiến các TTGTĐS "khó ăn, khó nói" khi phát hiện các vi phạm.
TTGTĐS cũng không có máy đo nồng độ cồn, thiết bị quay phim, ghi âm... Những tranh cãi với người vi phạm diễn ra như cơm bữa và tính pháp lý để xử phạt không cao. Có khi biên bản vi phạm chỉ ghi chung chung "có sử dụng bia rượu", không có thông số nồng độ cồn. Khi bị chất vấn, thanh tra cho biết "do phải đo bằng mắt, ngửi bằng mũi nên bọn tôi chỉ dám ghi thế thôi".
Mức lương trung bình của các TTGTĐS dao động quanh 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, công chức thanh tra không còn chế độ phụ cấp 25% và phụ cấp thâm niên như trước đây nên không thể tuyển người giỏi, không động viên được anh em làm ngoài giờ, kiểm tra đêm khuya, bất thường.
Và nhiều cái khó
Quy định về thẩm quyền xử phạt cũng quy định rõ thẩm quyền xử phạt từ 500.000 đồng trở lên thuộc cục trưởng Cục ĐSVN nên tạo những vướng mắc nhất định nếu các đội thanh tra đường sắt. Đa số các hành vi xử phạt theo quy định tại nghị định số 46/2016/NĐ-CP đều vượt quá thẩm quyền xử phạt của công chức TTGTĐS.
Do đó, thanh tra chỉ có quyền lập biên bản vi phạm hành chính và gửi về Cục ĐSVN để cục trưởng ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Để đảm bảo thời gian quyết định xử phạt vi phạm hành chính là rất khó khăn.
Hình ảnh các thanh tra đi xe buýt, xe ôm xử lý các vi phạm không tạo được uy thế của công chức thanh tra trong mắt dư luận và với người vi phạm.
Đều là các đơn vị được thành lập theo nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31-5-2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành giao thông vận tải, nhưng so với vai trò thanh tra của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam, thanh tra Cục ĐSVN được cho là "lép vế" hơn nhiều.
Những thiếu thốn, khó khăn khiến chất lượng thanh tra cũng không đạt như kỳ vọng, nhiều biên bản bị các đơn vị phản ứng.
Thanh tra lập biên bản những lỗi vụn vặt trong những việc quan trọng hơn, như việc đưa vào khai thác hệ thống đóng đường 6502 của Trung Quốc (báo Tuổi Trẻ từng đề cập) đang hằng ngày đe dọa đến công tác an toàn chạy tàu, lại không thấy tiếng nói của thanh tra đường sắt và lãnh đạo Cục ĐSVN.
Trước những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra, bộ trưởng GTVT một mặt chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra giao thông đường sắt, mặt khác yêu cầu các lực lượng vào cuộc. Đích thân cục trưởng, cục phó Cục ĐSVN đã dẫn đầu các đoàn thanh tra liên tục kiểm tra đêm, kiểm tra bất thường tại các ga, đường ngang, chòi ghi... Chỉ trong một thời gian ngắn, tổng hợp các vi phạm bị các đoàn thanh tra đường sắt của Cục ĐSVN phát hiện, Tổng công ty ĐSVN đã xử lý 40 cá nhân, một tập thể ở các mức phê bình, khiển trách, hạ chất lượng công tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận