Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐInh Tiến Dũng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Dũng cho hay, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để tăng cường việc chống chuyển giá, đặc biệt với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc chống chuyển giá trong giai đoạn đầu tư rất phức tạp, khó khăn đặc biệt trong định giá của đầu tư nước ngoài.
"Luật kỳ này sẽ nêu trách nhiệm của các ngành để phối hợp làm định giá của đầu tư nước ngoài. Hàng năm đăng ký là 20 tỉ rồi đăng ký giải ngân 15 tỉ nhưng 15 tỉ đó có thật là giá trị thật của tài sản đưa vào đây không, chúng ta chưa xác nhận.
Đây là những vấn đề chúng tôi cho rằng cần phải tiếp tục hoàn chỉnh pháp luật và phải phối hợp giữa các cơ quan cũng như trong tổ chức thực hiện để xác định, kể cả với các cơ quan thuế nước ngoài", ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng quy định về chống chuyển giá với doanh nghiệp FDI có hiệu quả, nhưng lại tác động đến các doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết. Trong đó, các đơn vị này giữa công ty mẹ và con cho vay lẫn nhau nhưng quy định lại khống chế chi phí lãi vay, dẫn đến các doanh nghiệp này phải trả thêm khoản chi phí theo ông Ngân là không phù hợp.
"Rất mong bộ trưởng có đề nghị Thủ tướng điều chỉnh nhanh khoản 3 điều 8 trong nghị định 20 và chỉ nên áp dụng cho các doanh nghiệp có mức thuế suất khác nhau. Chúng ta không nên phân biệt đâu là doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Đó là quan điểm đúng, nên trong văn bản nên ghi là 'doanh nghiệp có thuế suất khác nhau' thì sẽ loại trừ được cho doanh nghiệp trong nước bị thiệt hại", ông Ngân cho hay.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng kiến nghị tăng tỉ lệ phạt chậm nộp thuế ở mức đề xuất là 0,03%/ngày hiện nay bằng với mức lãi suất ngân hàng để đảm bảo sự công bằng và tránh tình trạng trục lợi của doanh nghiệp.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng quy định này sẽ tạo kẽ hở khiến cho doanh nghiệp lớn vận dụng lấy số tiền chậm nộp quay vòng sử dụng việc khác có lợi hơn, đúng 90 ngày cưỡng chế mới đem nộp để hưởng lợi, tạo sự không công bằng với doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật.
Do đó, điều chỉnh bằng lãi suất ngân hàng như tòa án, tăng giảm theo thị trường thì mới công bằng.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) thì đề xuất cần cân nhắc thận trọng giảm mức nộp phạt tiền chậm nộp thuế, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp khác, tránh doanh nghiệp lợi dụng chậm nộp thấp để chây ì.
Theo đó, ông Bình kiến nghị cần cân nhắc mức tiền chậm nộp nên bằng mức lãi suất ngân hàng, đảm bảo sức sống và tính khả thi của luật. Hoặc cần phân loại doanh nghiệp áp dụng mức tiền phạt chậm nộp cho phù hợp, ví dụ như mức 00,3% thì nên áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo sự khuyến khích.
Đối với việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến quản lý thuế như kiểm toán, thanh tra, tòa án, mặt trận tổ quốc và các bộ ngành, địa phương, bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần tăng cường sự phối hợp, đặc biệt khi quản lý trong điều kiện thay đổi rất nhanh như thương mại điện tử, công nghiệp 4.0.
"Nếu cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử không quản lý được thương mại điện tử thì kể cả không dùng tiền mặt thì cơ quan thuế không thể thu được thuế cho nên sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương, địa phương là vô cùng quan trọng", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận