Ngày 16-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương xác nhận vừa có cuộc họp với Thanh tra Chính phủ để nghe công bố kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý sử dụng đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh sang đất ở… tại Bình Dương.
Đây là cuộc thanh tra được Thanh tra Chính phủ thực hiện từ tháng 12-2020, với thời kỳ và nội dung thanh tra khá rộng (giai đoạn 2012-2019).
Sau gần ba năm kể từ khi tiến hành thanh tra, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn và trưởng đoàn thanh tra, Cục trưởng Cục 3 Thanh tra Chính phủ Trần Văn Mây cùng đoàn công tác đã trực tiếp có mặt tại Bình Dương để công bố kết luận.
Theo nội dung kết luận, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bình Dương xử lý về hành chính, về quản lý và xử lý tài chính. Không có vụ việc nào tại Bình Dương bị Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Hùng Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương - cho biết tỉnh tiếp thu các nội dung được kết luận và đã chủ động yêu cầu các sở, ngành rà soát, thực hiện nội dung được nêu ra trong kết luận thanh tra.
Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương sẽ thanh tra toàn diện việc "phân lô, bán nền" trái phép trong toàn tỉnh, thanh tra các dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ, xác định lại giá đất làm căn cứ nộp tiền sử dụng đất với các dự án bất động sản…
Trên thực tế, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, có nhiều vụ việc đã được UBND tỉnh Bình Dương chủ động rà soát, khắc phục sai sót ngay từ khi chưa có kết luận thanh tra.
Tiêu biểu như một số tài sản công (trụ sở cũ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy) từng được giao cho một doanh nghiệp vốn Nhà nước quản lý, nhưng từ tháng 4-2021 UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định thu hồi.
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc bốn trụ sở công nói trên đã có quyết định thu hồi, không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tỉnh Bình Dương cần có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản này.
Bình Dương rà soát theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ
Với bốn tài sản công khác từng được bán đấu giá (gồm trụ sở cũ của Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh), Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh Bình Dương "xem xét hủy kết quả đấu giá nếu đủ điều kiện".
Trước đó, từ năm 2017, một người phụ nữ đã trúng đấu giá 4 trụ sở và đã nộp tiền vào ngân sách hơn 257 tỉ đồng, đã nhận nhà đất và quản lý từ đó tới nay.
Về yêu cầu này của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ rà soát thận trọng theo quy định pháp luật, trường hợp cần thiết thì xin ý kiến các bộ, ngành trung ương để xử lý. Điều này nhằm tránh làm thất thoát tài sản Nhà nước nhưng cũng hài hòa, đảm bảo quyền lợi chính đáng theo pháp luật của người trúng đấu giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận