Dự án khu biệt thự, nhà ở thương mại tại phường Tân Lợi xây dựng trên đất trồng cà phê đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm đang được tỉnh Đắk Lắk xin cho hợp thức hóa - Ảnh: MAI VINH
Trong thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã nêu hàng loạt sai phạm của Đắk Lắk trong công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng, giao "đất vàng" không qua đấu giá... gây bức xúc dư luận, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Một trong những nội dung nổi cộm được nêu trong kết luận là các sai phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, chủ trương giao dự án. Tuy nhiên tại nhiều dự án kéo dài, có sai phạm được địa phương xin cho hợp thức hóa, trong khi nhiều hộ dân xây dựng trái phép lại bị... kiên quyết đập.
Chỗ kiên quyết đập...
Ngày 29-11, trở lại Buôn Ki, phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - nơi cách đây khoảng bảy tháng có 10 căn nhà xây trên đất nông nghiệp đã bị cưỡng chế phá bỏ - đã thành bãi đất cây mọc um tùm. Những hộ dân mất nhà, trắng tay vì tin "cò" phải nương náu khắp nơi, ở trọ để lại gom góp tiền nhưng "chưa biết đến bao giờ mới đủ tiền làm lại căn nhà".
Những ngôi nhà đã bị phá bỏ có giá trị từ 300 triệu đồng/căn đến hơn 500 triệu đồng/căn nhưng xây dựng hoàn toàn trên đất trồng cây lâu năm. Người dân cho biết giới đầu cơ mua đất nông nghiệp, xây nhà sẵn trên đất đã phân lô, rồi bán theo kiểu "chìa khóa trao tay" với lời hứa đã lo xong thủ tục pháp lý. Người mua tin theo, đến khi bị cưỡng chế tháo dỡ nhà thì mới biết mình mắc họa phân lô bán nền.
Tương tự, 64 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp do Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng (xã Ea Tiêu, Cư Kuin, Đắk Lắk) cũng đã bị UBND huyện Cư Kuin kiên quyết phá bỏ trong tháng 5-2022. Ông Võ Tấn Huy, chủ tịch UBND huyên Cư Kuin, cho biết 64 căn nhà này xây dựng trong giai đoạn 2015 - 2017, địa phương nhiều lần yêu cầu tháo dỡ nhưng người dân không chấp hành.
"Người dân mua đất, làm nhà với hy vọng đón đầu quy hoạch khu đô thị Trung Hòa để chờ được hợp thức hóa. Tuy nhiên, UBND huyện kiên quyết tháo dỡ để lập lại trật tự xây dựng, giữ vững quy hoạch Trung Hòa", ông Huy quả quyết.
Nơi được chờ... hợp thức hóa
Tuy 64 căn nhà trái phép đã được tháo dỡ, người dân chấp hành dời đi nhưng lại bức xúc khi một công trình trái phép, đối diện với khu vực này vẫn được tồn tại dù có nhiều sai phạm. Đó là nhà xe Tiến Oanh của Công ty TNHH du lịch vận tải Tiến Oanh tại thôn 4, xã Ea Ktur, Cư Kuin, xây không có hồ sơ, giấy phép xây dựng và nằm trên đất nông nghiệp. Công trình có nhiều hạng mục vi phạm: hàng rào, nhà ở kết hợp phòng làm việc cấp bốn kiên cố, sân bê tông, mái che khung sắt... trên tổng diện tích 2.657m2 đất nông nghiệp.
Đáng nói, tháng 6-2022, trả lời báo chí về việc nhà xe Tiến Oanh xây dựng trái phép, trái quy hoạch, ông Lê Phú Hanh, phó chủ tịch UBND huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), nói đã ra "tối hậu thư" và sẽ kiên quyết yêu cầu tháo dỡ, khắc phục hiện trạng. Tuy nhiên, mới đây chính ông Hanh lại nói "đang nghiên cứu" cho công trình của doanh nghiệp hợp thức hóa.
"Công trình này xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đã bị xử phạt hành chính và trái quy hoạch khu đô thị Trung Hòa nhưng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên đang nghiên cứu cho tồn tại", ông Hanh lý giải.
Tương tự, dự án khu biệt thự, nhà ở thương mại tại phường Tân Lợi xây dựng trên đất trồng cà phê (diện tích 8,6ha, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) do Công ty TNHH xây dựng Nam Sơn (Công ty Nam Sơn) từ năm 2018 cũng đang được xin cho hợp thức hóa.
Hay như năm 2019 UBND tỉnh Đắk Lắk cấp chủ trương thực hiện dự án nhà ở xã hội tại đường Y Ơn (phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) cho liên danh Công ty đầu tư công nghệ Seagol (Công ty Seagol), Trường ĐH Buôn Ma Thuột và Công ty cổ phần Toàn Thắng làm chủ đầu tư.
Ngày 14-11-2019, Trung tâm phát triển quỹ đất Đắk Lắk bàn giao hơn 7.250m2 cho Công ty Seagol để lập các thủ tục đề nghị UBND tỉnh giao đất tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, doanh nghiệp đã tự ý xây dựng 36 căn nhà kiên cố, mỗi căn có diện tích 70m2. Hiện dự án cũng phải tạm dừng và UBND tỉnh Đắk Lắk xin Thanh tra Chính phủ cho phép doanh nghiệp "hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan".
Phát hiện sai phạm nhưng xử lý thiếu kiên quyết?
Liên quan đến các sai phạm tại dự án của Công ty Nam Sơn, tháng 4-2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra văn bản "phê bình nghiêm khắc" chủ doanh nghiệp. Người ra văn bản "phê bình nghiêm khắc" doanh nghiệp vi phạm về đất đai, xây dựng là ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk. UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Công ty Nam Sơn (chủ đầu tư) nghiêm chỉnh chấp hành việc dừng thi công các hạng mục tại dự án, hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo đúng quy định.
Đến tháng 11-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận và yêu cầu tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm và xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến sai phạm đầu tư dự án này. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên nhân dẫn đến các vi phạm tại dự án này, do chính quyền địa phương thiếu kiên quyết, thiếu kịp thời xử lý khiến dư luận bất bình, nghi ngờ tính nghiêm minh về quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai tại địa phương.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ cho rằng công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về trật tự xây dựng đối với các dự án đầu tư tại TP Buôn Ma Thuột còn buông lỏng. Đặc biệt là dự án nhà ở thương mại tại khối 7, phường Tân Lợi và dự án nhà ở xã hội (trên phần đất của Công ty cổ phần Vận tải Đắk Lắk) đã để xảy ra sai phạm về đất đai, sai phạm xây dựng nghiêm trọng diễn ra suốt thời gian dài.
"Dù báo chí liên tục phản ánh, dư luận bức xúc nhưng chính quyền các cấp không xử lý triệt để, mà chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính. Đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại và khắc phục theo thông báo số 860 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương", Thanh tra Chính phủ yêu cầu.
Trao đổi về các sai phạm đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận, ông Phạm Ngọc Nghị, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết sẽ thành lập các tổ rà soát để xử lý các cá nhân, tập thể liên quan theo yêu cầu. Về hướng giải quyết, khắc phục sai phạm, ông Nghị nói sau khi có kết quả rà soát của các tổ mới có thể thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận