TTCT - Đại dịch COVID-19 đã khơi nên sự cảnh giác trong các tiếp xúc thường ngày của chúng ta, đặc biệt đối với việc trao đổi tiền mặt. Nỗi sợ này vô tình đã trở thành động lực cho xu hướng thanh toán không tiền mặt, hạn chế tiếp xúc mở rộng trên toàn cầu. Poster khuyến khích thanh toán không tiền mặt ở Ukraine. Ảnh: Benjamin West Trong một báo cáo hồi cuối tháng 3, Hãng tư vấn McKinsey nhận định các phương pháp thanh toán vật lý, trong đó có tiền mặt, đã chịu ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc khủng hoảng COVID-19 vì khả năng mang theo mầm bệnh của chúng. Nhiều ngân hàng trên toàn thế giới đã đóng cửa các cơ sở giao dịch vì lý do an ninh, một số cơ sở thậm chí sẽ không mở cửa lại. Khách hàng và nhân viên nhà băng phải điều chỉnh mô hình tương tác, hoặc thông qua điện thoại hoặc hẹn gặp. Đây là thời điểm phù hợp để các nước đẩy mạnh mô hình thanh toán điện tử trong các hoạt động thương mại và kinh tế của mình. Mùa dịch, ưu tiên không chạm Nỗi sợ tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ mang mầm bệnh, cụ thể là lo chạm vào tiền giấy có thể nhiễm virus corona chủng mới, thật sự là một động lực lớn cho việc đưa các phương pháp thanh toán “không chạm” (touchless) như dùng app ví di động quét mã QR để thanh toán, thẻ có tính năng “không tiếp xúc” (contactless) hoặc “thẻ ngân hàng của ai người ấy cầm”. Điều quan trọng là phải để người tiêu dùng quen với việc không mở ví lấy tiền hay đưa thẻ cho nhân viên bán hàng. Theo McKinsey, nhà bán lẻ có thể hướng dẫn nhân viên thu ngân không nhận thẻ từ khách hàng và khuyến khích khách hàng tự quẹt thẻ vào máy. “Về phương diện giáo dục hành vi, việc các chủ cửa hàng địa phương, những người chủ động khuyến khích khách hàng sử dụng thanh toán không tiếp xúc và từ chối tiền mặt sẽ khiến người dùng đang còn dè chừng buộc phải thay đổi - báo cáo của McKinsey viết - Một khi thói quen này càng ăn sâu, nó sẽ trở thành chìa khóa để xóa bỏ rào cản cho sự phát triển xa hơn”. Open Books, hiệu sách phi lợi nhuận ở Chicago, hồi giữa tháng 5 đã gửi mail cho khách hàng yêu cầu không dùng tiền mặt khi đến cửa hàng. Một chuỗi nhà hàng ở bang Washington cũng ngưng nhận thanh toán bằng tiền giấy, còn các dịch vụ giao đồ ăn qua mạng như Grubhub, Door Dash áp dụng “giao hàng không tiếp xúc”. Một số app khuyến khích người dùng không thanh toán bằng tiền mặt, số khác tắt luôn tùy chọn thanh toán này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay sau khi trao đổi tiền mặt. Hồi tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm tiền mặt khỏi lưu thông tại thành phố Vũ Hán, tâm điểm bùng phát của COVID-19. Trong khi một số tiền được khử trùng, số khác đã bị Trung Quốc tiêu hủy. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng triển khai thu giữ đồng đôla Mỹ “nhập cảnh” từ châu Âu và châu Á. Tiền mặt dần “biến mất” trong lưu thông trong đại dịch. Theo McKinsey, tại nhiều nước châu Âu, lượng tiền mặt rút từ các cây ATM đã giảm hơn 50%. Thay vì “cứu” tiền mặt bằng cách dùng tia hồng ngoại, ozone hay xử lý nhiệt để khử trùng, đa số nền kinh tế chọn để quá trình chuyển giao này diễn ra tự nhiên. Giữa hai giải pháp thanh toán không tiền mặt phổ biến là quẹt thẻ và dùng ví di động, cách làm không tiếp xúc đang tăng mạnh vì được xem là an toàn hơn so với phương thức thanh toán qua máy POS thông thường, vốn vẫn có “chạm” khi phải cầm thẻ, máy bấm mã PIN, bút để ký biên nhận. Ảnh: brookings.edu Xu hướng của tương lai Theo The Guardian, số người dân Anh có “cuộc sống gần như không tiền mặt” đã tăng gấp đôi chỉ sau 2 năm, với 7,4 triệu người năm 2019 (so với 5,4 triệu trong khảo sát năm 2018 và chỉ 3,4 triệu người năm 2017). Hiệp hội dành cho ngành ngân hàng và tài chính Anh, UK Finance, cho biết sự thay đổi trong thói quen thanh toán đã giúp quốc gia này có tâm thế tốt hơn để thích nghi với cuộc sống thời phong tỏa. Một xã hội không tiền mặt được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ ít tốn kém hơn vì tiết kiệm được khoản chi phí lớn, có thể tính lên hàng tỉ, dành cho việc in ấn. Trong khi đó, sự minh bạch trong việc giao dịch và sự đảm bảo không có trộm cắp dòm ngó cũng khiến thanh toán không tiền mặt dễ kiểm soát và an toàn hơn. Nhưng hơn hết, đối với “thế hệ smartphone” ngày nay, xu hướng này rõ ràng tiện lợi hơn nhiều. Tương lai của phương thức thanh toán không tiền mặt không dừng lại ở lo ngại về vấn đề y tế. Giới hoạch định chính sách ngày càng nhận ra sự bất lợi của tiền mặt so với các giải pháp thanh toán kỹ thuật số. Hơn thế, cuộc khủng hoảng kinh tế hậu đại dịch đang nhấn mạnh rằng một đồng tiền điện tử tập trung có thể giúp các chính phủ phân phối gói cứu trợ đến doanh nghiệp cùng người tiêu dùng nhanh hơn và chính xác hơn. Tạp chí Euromoney hồi đầu tháng 6 đã công bố một báo cáo chuyện đại dịch đã thúc đẩy các bàn luận trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) về việc tạo ra một đồng tiền điện tử, thuộc quản lý của ngân hàng trung ương. Tại Mỹ, giới chuyên gia tài chính, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu và các nhà phát triển tiền ảo đã liên tục lên tiếng ủng hộ việc cho ra đời đồng đô kỹ thuật số. Các nền kinh tế mới nổi của Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Theo The Asian Post, công dân thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khá quen thuộc với thanh toán điện tử. Theo khảo sát của Hãng dịch vụ tài chính Visa, khoảng 64% người dùng Đông Nam Á tự tin có thể không sử dụng tiền mặt cả ngày. Báo cáo thanh toán toàn cầu 2019 từ Tổ chức Capgemini chỉ ra rằng giá trị của các giao dịch không tiền mặt ở châu Á dự kiến tăng từ 96,2 tỉ USD năm 2017 đến 352,8 tỉ USD năm 2020, tương đương mức tăng hơn 266%. Xu hướng này vẫn tiếp diễn tại Đông Nam Á khi đại dịch bùng nổ. Bà Linda Kirkpatrick, giám đốc điều hành chuyên làm việc với ngân hàng và các tổ chức tín dụng của Mastercard, nói với giới báo chí: “Tôi biết rất nhiều thương gia đặt biển báo “Xin dùng thanh toán không tiếp xúc” tại các cơ sở kinh doanh của mình”. Thuận theo xu hướng này, các nhà cung cấp phương thức thanh toán truyền thống như ngân hàng hay các tổ chức tín dụng được cho là sẽ đẩy nhanh nỗ lực phát triển kỹ thuật số của mình. Ngành thanh toán đang đóng vai trò quan trọng trong việc tái kích hoạt kinh tế toàn cầu hiện nay. Hãng tài chính Deloitte mới đây đánh giá các công ty công nghệ tài chính (fintech) có thể sẽ chịu tác động tương tự phần còn lại của hệ thống tài chính trong đợt dịch bệnh. Tuy nhiên, Deloitte nhấn mạnh “các năng lực khác biệt” của những công ty này về mặt đổi mới và thích ứng sẽ giúp họ “không chỉ vượt qua đại dịch, mà còn đóng góp cho nền tài chính cùng xã hội một khi cơn khủng hoảng qua đi”.■ Không phải tất cả mọi người đều kịp thích nghi với những thay đổi trong việc dùng tiền mặt. Giám đốc Tổ chức thiện nguyện Age UK (Anh), bà Caroline Abrahams, rất lo ngại khi những người lớn tuổi than phiền rằng nguồn tiền mặt của họ đang cạn dần và họ lo không còn tiền để chi tiêu hằng ngày. Để giải quyết tình trạng trên, bưu điện Anh và một số ngân hàng thương mại đã mở dịch vụ giao tiền tận nhà cho các cá nhân dễ tổn thương trong đại dịch. Bên cạnh đó, Ngân hàng NatWest của Anh sẽ cung cấp mã số qua điện thoại cho các khách hàng từ 70 tuổi trở lên. Người nhận được có thể gửi mã số này cho bạn bè hoặc hàng xóm để nhờ rút tiền giúp trong vòng ba giờ đồng hồ. Thế nhưng đây chỉ là những giải pháp tạm thời, dành cho một nhóm đối tượng đặc biệt và không thể coi là giải pháp tối ưu cho hoạt động thanh toán trong “thực tế mới” hậu đại dịch. Thực tế tại Anh, ngày càng nhiều người lớn tuổi chuyển sang sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (online banking) hoặc các phương tiện thanh toán không tiếp xúc khác kể từ khi các biện pháp giới hạn đi lại xuất hiện. Ngân hàng Halifax cho biết số khách hàng trên 65 tuổi đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến của họ đã tăng 65%, việc sử dụng thanh toán không tiếp xúc cũng đồng thời tăng lên. Các ngân hàng Trung Quốc đã nhanh chóng thiết lập các nền tảng thương mại điện tử chuyên phục vụ đối tượng khách hàng là giới tiểu thương. Những nền tảng này sẽ giúp họ - những người chịu tổn thất nặng nề nhất từ tác động của đại dịch - sống sót và khôi phục việc làm ăn ngay cả khi ở những địa phương xa xôi. Cách làm này kết hợp giữa các phương án thanh toán dễ sử dụng cùng trình duyệt web, đồng thời đi kèm cả liên hệ giao nhận. Tương tự, để giảm nhẹ gánh nặng cho các công ty chịu tổn thất, nhiều ngân hàng đã tạm ngừng thu phí giao dịch hay gia hạn cho doanh nghiệp. Tại Ghana, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động được yêu cầu miễn phí cho các giao dịch dưới khoảng 18 USD. Cùng lúc, cơ quan quản lý tiền tệ của quốc gia châu Phi này cũng nới lỏng các quy định về khách hàng, đồng thời giới hạn các thanh toán bằng tiền mặt, đảm bảo khả năng tiếp cận đối với dịch vụ thanh toán điện tử. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thanh toán không tiền mặt: kỳ vọng mobile money Tiếp theo Tags: Không tiền mặtCOVID-19Thanh toán thời đại dịchKhông tiếp xúc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.