30/01/2012 04:23 GMT+7

Thanh toán "tàn tích" tết

CẨM VÂN (TP.HCM)
CẨM VÂN (TP.HCM)

TT - Không khí vui Tết Nhâm Thìn đã dịu xuống, mọi người đã và đang trở lại công việc thường nhật. Những sản phẩm sử dụng cho ngày tết vẫn còn khá nhiều, làm sao giải quyết đây?

Theo tôi, tục lệ cấm quét nhà vào ngày tết của người xưa với suy nghĩ để không xua đi vận may ngày đầu năm khi vận dụng vào cuộc sống xanh hôm nay còn mang ý nghĩa khác. Đó là hạn chế thải rác ra môi trường vào những ngày đầu năm.

Đội công nhân vệ sinh nghỉ tết cộng với việc sử dụng hàng hóa khá nhiều dẫn đến lượng rác có phần tăng cao. Hai năm nay, khu phố tôi ở hình thành một truyền thống tốt đẹp, kéo theo việc mỗi gia đình tự tay phân loại rác một cách tự nhiên. Cụ thể, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ tết (năm nay là mồng 7 tháng giêng), đội quân áo xanh của Đoàn thanh niên phường đi đến từng nhà gom góp vỏ lon bia, chai nhựa, giấy bìa... để bán ve chai. Số tiền thu được sẽ góp vào quỹ xóa đói giảm nghèo của phường. Chương trình này đã được thông qua vào cuộc họp tổ dân phố cuối năm và mọi người đều nhiệt liệt tán thành.

Con trai tôi là thành viên của Đoàn thanh niên phường nên cháu rất hứng thú với việc này. Từ giáp tết, gia đình tôi phân chia rác thải thành nhiều loại khác nhau. Một thùng dành cho các lon, hộp, thùng còn lại cho giấy, báo và các phế phẩm bằng nilông. Rác từ các thực phẩm tươi sống cũng được gom lại gọn gàng để tránh bốc mùi, chảy nước. Các gia đình khác cũng thực hiện tương tự, do đó việc thu gom ve chai được tiến hành nhanh gọn. Cũng nhờ cách làm này mà lượng rác cần đem đổ giảm hẳn. Đầu năm làm việc tốt, gia đình nào cũng phấn khởi, sẵn sàng tham gia đóng góp.

Thiết nghĩ chương trình vừa giúp người dân tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, lại góp phần hưởng ứng truyền thống “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc.

Những giỏ hoa sau khi được trưng bày dịp tết cũng tạo ra khối lượng rác đáng kể. Để tận dụng nguồn đất trồng trọt vốn rất khan hiếm ở thành phố, sau khi bỏ đi phần hoa héo, tôi giữ lại phần giỏ và đất để trồng những loại cây thuốc dễ chăm sóc như cây sống đời, tần dày lá, cây lược vàng...

Trái cây dùng cho tết cũng là vấn đề nan giải. Nhà tôi neo người, vẫn biết dùng bao nhiêu mua bấy nhiêu nhưng vì phải mua đủ số lượng để thờ cúng nên sau tết vẫn dư. Gặp lại đồng nghiệp trong những ngày làm việc đầu năm, nhiều người cũng than thở cây trái quá nhiều ăn không hết, cuối cùng để lâu hư hỏng phải đem đổ bỏ, rất phí.

Để tránh ngấy và thay đổi khẩu vị, tôi thực hiện những món cocktail tráng miệng bằng dưa hấu, đu đủ, xoài, thanh long... Bưởi có thể kết hợp với tôm khô, thịt, chả tạo nên món gỏi bưởi cũng rất thú vị. Khu nhà tôi có rất nhiều người dân miền Trung vào lập nghiệp, từ mồng 4 tết họ đã cùng con cái trở vào tiếp tục bán cháo, hủ tiếu gõ. Vì vậy, phần trái cây còn lại, tôi tụ họp mấy đứa trẻ của các gia đình này trước sân, gọt trái cây, bày bánh mứt cho các cháu ăn, xem như ăn tết phụ cùng với gia đình họ.

Năm nay tôi còn đề xuất với Đoàn thanh niên phường những sản phẩm bánh trái có thể để lâu, nếu gia đình nào sử dụng không hết có thể gom lại. Đoàn phường sẽ phân phát cho các trẻ em nghèo trong những dịp đi từ thiện sắp tới. Điều này nhằm hạn chế cảnh trái cây, bánh mứt “bỏ thì thương, còn vương lại thì... ăn không nổi”.

Bỗng thấy nhẹ nhàng hơn với những “tàn tích” sau tết! Chung tay góp sức cho tết xanh, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và để niềm vui mùa xuân còn lan tỏa mãi.

CẨM VÂN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên