Một trong những lợi ích rõ ràng nhất của việc áp dụng thanh toán không tiền mặt trong bệnh viện là giúp người bệnh và người nhà tránh được cảnh xếp hàng dài, đồng thời giảm thiểu rủi ro bị móc túi.
Nhưng không nhiều người bệnh cảm nhận được sự tiện lợi này cho đến khi trải nghiệm dịch vụ.
Thủ tục khám bệnh chỉ vài phút thay vì chờ đợi
Có dịp phải thăm khám tổng quát ở một bệnh viện ở quận 10, TP.HCM gần đây, chị Thùy Dương, ngụ Q.7, hết sức bất ngờ vì các dịch vụ, tiện ích được số hóa ở bệnh viện này. Sau khi đăng ký khám tổng quát, chị được gặp bác sĩ tư vấn các vấn đề cần khám, xét nghiệm.
Tuy nhiên, cầm tờ giấy chỉ định của bác sĩ để đóng tiền, chị thất vọng trước cảnh người người xếp hàng dài trước quầy thanh toán của bệnh viện này. Hai nhân viên ở quầy thu ngân bệnh viện làm không nghỉ tay.
Một nhân viên nam liên tục nhập tên người đóng tiền vào máy tính, người còn lại nhận tiền từ bệnh nhân, một số chọn thanh toán bằng tiền mặt, một số khác cà thẻ... Dù ai cũng rất khẩn trương nhưng dòng người hàng dài khiến không ít người mệt mỏi.
"Nếu phải xếp hàng dài thì việc khám bệnh của tôi sẽ kéo dài qua buổi chiều. Đang lo lắng thì tôi phát hiện bên góc phải của giấy chỉ định khám bệnh có mã QR, thử quét vào thì ra thông tin tài khoản bệnh viện cũng như số tiền tôi cần đóng qua tài khoản Vietcombank.
Tôi liền bỏ hàng đang xếp hỏi một nhân viên gần nhất và được giải thích ngắn gọn: Nếu chuyển khoản rồi thì cứ đi khám, không cần xếp hàng nữa", chị Thùy Dương kể.
Sau một bước thanh toán qua mã QR, việc khám bệnh của chị trở nên nhanh chóng hơn. Chị không phải xếp hàng, mà đến thẳng các khoa cần khám, đưa tờ chỉ định của bác sĩ và được giải quyết nhanh chóng.
Tương tự, đến khám Bệnh viện Nhi đồng TP, chị Hiền Lương (Q.Tân Bình) cũng cho biết không phải xếp hàng chờ đợi thanh toán viện phí như trước nữa, mà thực hiện thanh toán qua ví điện tử MoMo tương đối dễ dàng và nhanh chóng.
Thanh toán viện phí bằng cách quét mã QR đã giúp nhiều người "thoát cảnh chờ đợi, không lo lỉnh kỉnh tiền mặt hay bị móc túi".
Dù nhiều người quen với thanh toán không tiền mặt trong cuộc sống nhưng khi đến bệnh viện, họ vẫn khá bỡ ngỡ. Lý do một số bệnh viện không có hướng dẫn rõ ràng về hình thức thanh toán quét QR, nên người nhà hay bệnh nhân vẫn phải xếp hàng theo thói cũ.
Hỗ trợ bệnh viện giảm tải
Anh Thanh Hải, ngụ Q.Bình Tân, cho biết 90% giao dịch chi tiêu hằng ngày đều không tiền mặt, nhưng mãi khi vào bệnh viện và trả viện phí cho người nhà, anh mới thật sự bất ngờ bởi sự đổi mới của hệ thống y tế.
"Xong khoản đóng tiền thì mọi thứ cứ tự nhiên "chạy" từ xét nghiệm, đến khám bệnh, phí nằm viện. Xuất viện thì các thủ tục điện tử cũng xong, không xếp hàng vì đứng ở đâu cũng có thể thanh toán QR.
Người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán hay phải đi rút tiền từ cây ATM…", anh Thanh Hải chia sẻ và cho rằng hình thức này còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo sự an tâm cho người bệnh.
Mang theo tiền mặt luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong môi trường bệnh viện đông đúc. Trộm cắp, móc túi có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, gây ra sự bất tiện và lo lắng cho người bệnh và người nhà.
Với hệ thống thanh toán không tiền mặt, mọi thủ tục thanh toán được thực hiện nhanh chóng qua các thiết bị điện tử như máy POS, mã QR, hoặc ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động. Người bệnh có thể dễ dàng thanh toán viện phí, phí khám chữa bệnh mà không cần phải mang theo nhiều tiền mặt.
Không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, thanh toán không tiền mặt còn hỗ trợ công tác quản lý của bệnh viện hiệu quả hơn, giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế trong quá trình làm việc.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán không tiền mặt cũng giúp nhân viên giảm thiểu sai sót trong quá trình kiểm kê, quản lý tài chính và giảm bớt khối lượng công việc cho nhân viên kế toán.
Các ứng dụng thanh toán trực tuyến còn tích hợp nhiều tính năng như đặt lịch khám, tư vấn từ xa, tra cứu hồ sơ bệnh án, tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ y tế thông minh và toàn diện.
"Nếu chấm điểm cho sự đổi mới nào ý nghĩa nhất, tôi sẽ không ngần ngại chấm cho dịch vụ y với hình thức thanh toán viện phí bằng mã QR. Đáng tiếc, qua kinh nghiệm hai lần vào bệnh viện gần đây, tôi chưa thấy hoạt động truyền thông, hướng dẫn nào đáng chú ý. Vì thế, đến nay nhiều người vẫn chọn đóng tiền mặt", anh Hải nhận xét.
Thanh toán không tiền mặt, trải nghiệm dịch vụ đặt khám từ xa
Theo ghi nhận, để việc triển khai thực hiện thanh toán điện tử thuận lợi, nhiều cơ sở y tế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đầu tư các loại trang thiết bị kết nối hiện đại lắp đặt tại bệnh viện.
Như các ngân hàng Vietcombank, Techcombank hay ví điện tử MoMo... đều có hạ tầng kết nối ở các bệnh viện lớn để hỗ trợ thanh toán viện phí.
Chẳng hạn với ví điện tử MoMo, người bệnh hoặc người nhà người bệnh có thể thanh toán viện phí nội trú của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM bằng cách nhập mã hồ sơ trên biên nhận. Người bệnh cũng có thể trải nghiệm dịch vụ đặt khám từ xa qua ví MoMo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận