17/09/2016 00:04 GMT+7

“Thành thật xin lỗi Việt Nam”

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Khi sự thật về những vụ thảm sát thường dân của binh lính Đại Hàn lần đầu công bố tại Hàn Quốc trên báo Hankyoreh 21, xã hội Hàn Quốc đón nhận một cú sốc.

Nhà sư Myeong Jin quỳ lạy trước bia tưởng niệm vụ thảm sát nạn nhân Việt Nam của lính Đại Hàn ở Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam - Ảnh: GS Moon Yong Boo
Nhà sư Myeong Jin quỳ lạy trước bia tưởng niệm vụ thảm sát nạn nhân Việt Nam của lính Đại Hàn ở Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam - Ảnh: GS Moon Yong Boo

Ku Su Jeong - tác giả của những bài báo đó - từng có lần kể lại chị nhận được rất nhiều lá thư từ bạn đọc Hankyoreh 21: “Những bức thư đó viết rất dài. Nhiều người đã khóc, nhiều người bày tỏ nỗi kinh hoàng... Họ hỏi: Tôi sẽ phải làm gì, tôi có thể làm gì để xin lỗi người Việt Nam? Có cả thư của người Nhật, người Mỹ, người Úc...!”.

Chỉ có nạn nhân mới hiểu được nạn nhân

Lịch sử của Hàn Quốc trong quá khứ từng nhiều lần bị cướp phá, xâm lược bởi ngoại bang. Gần nhất là sự đô hộ của đế quốc Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên kéo dài từ năm 1910 - 1945, là một chương u tối và nhiều hận thù.

Trong lịch sử hiện đại, người dân Hàn Quốc cũng từng trải hứng chịu nhiều vụ thảm sát như vụ thảm sát cầu No Gun Ri năm 1950 do lính Mỹ gây ra, vụ thảm sát ở đảo Jeju năm 1948 và vụ đàn áp học sinh - sinh viên Gwangju năm 1980 do quân đội chính phủ gây ra... Cho nên, khi biết được sự thật những gì binh lính Đại Hàn đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam, họ đã bị sốc. Nhiều bác sĩ, sinh viên, nhà văn hóa Hàn Quốc... khi đến Việt Nam tham dự các buổi lễ tưởng niệm không kìm được nước mắt...!

Đối với những cựu chiến binh Hàn Quốc, những người tự hào từng đóng góp tuổi trẻ của mình tham chiến ở Việt Nam để Chính phủ Hàn Quốc có tiền phát triển đất nước những năm 1970 - 1980 thì phủ nhận những vụ thảm sát. Họ tấn công, đốt phá tài liệu tòa soạn báo Hankyoreh 21, biểu tình hô vang rằng thảm sát chỉ là vấn đề “tưởng tượng”...

Mặc dù vậy, chiến dịch “Thành thật xin lỗi Việt Nam” vẫn được báo Hankyoreh 21 phát động từ tháng 2-1999 đến tháng 2-2003, kêu gọi lời xin lỗi, đóng góp tài chính hỗ trợ nạn nhân Việt Nam, xây công viên hòa bình tại Việt Nam... Chiến dịch này lan tỏa mạnh trong xã hội Hàn Quốc.

Một trong nhiều câu chuyện cảm động được kể lại trong chiến dịch “Thành thật xin lỗi Việt Nam” của báo Hankyoreh 21 là khi quyên góp xây dựng công viên hòa bình, hàn gắn nỗi đau chiến tranh ở xã Hòa Hiệp, tỉnh Phú Yên, ban tổ chức nhận được số tiền tương đương 50.000 USD từ hai cụ bà Moon Myeong Geum và Kim Okiu.

Hai cụ bà vốn là nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản, và số tiền trên là số tiền Chính phủ Nhật Bản bồi thường cho hai bà. Nhiều người tỏ ra ái ngại hai cụ lớn tuổi, không muốn nhận tiền, nhưng hai bà gạt phắt đi và nói: “Chỉ có nạn nhân mới hiểu được nạn nhân!”. Nay tuy hai bà đã mất, nhưng đó là câu chuyện mà những người làm chiến dịch “Thành thật xin lỗi Việt Nam” còn truyền tụng với lòng cảm kích.

Với tinh thần tìm ra sự thật không phải chỉ để yên ổn lương tâm, mà còn hướng đến sự hòa giải, hàn gắn, chiến dịch “Thành thật xin lỗi Việt Nam” thu hút nhiều tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc.

Có thể kể ra các tổ chức đó như Ủy ban sự thật về chiến tranh Việt Nam, Hội Y tế vì hòa bình Việt Nam, Tổ chức Tôi và chúng ta (Nawauri), Hiệp hội phụ nữ Hàn Quốc là nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản, Liên minh vì hòa bình châu Á, Hội liên hiệp nghệ thuật dân gian Hàn Quốc - chi hội Chungbuk, Hội nhà văn Jeju...

Các hoạt động của các tổ chức Hàn Quốc cũng diễn ra với nhiều hình thức ý nghĩa như xây dựng công viên hòa bình ở Phú Yên (Ủy ban sự thật về chiến tranh Việt Nam); tổ chức các đoàn bác sĩ đông - tây y hằng năm đến khám chữa bệnh và hỗ trợ y tế cho người dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (liên tục từ năm 1999 đến nay), xây dựng nhà cho nạn nhân ở Quảng Nam (Tổ chức Nawauri); tổ chức các đoàn học sinh - sinh viên Hàn Quốc đến dự các lễ tưởng niệm, các hoạt động tìm hiểu sự thật lịch sử tại Việt Nam, xin được tha thứ...

Nhà sư Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi!

Vào tháng 4-2015, việc đưa hai nạn nhân sống sót sau thảm sát là ông Nguyễn Tấn Lân (Bình Định) và bà Nguyễn Thị Thanh (Quảng Nam) đến Seoul là sáng kiến của Ủy ban sự thật về chiến tranh Việt Nam của Hàn Quốc. Điều này tương tự cách làm của người Hàn Quốc trước đó, là đưa các phụ nữ bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tình dục đến Nhật Bản để kêu gọi bảo vệ sự thật lịch sử và yêu cầu xin lỗi.

Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - cùng đi, ông Nguyễn Tấn Lân và bà Nguyễn Thị Thanh nhớ lại chuyến đi căng thẳng này với hai thái cực: bên trong buổi gặp gỡ với người Hàn Quốc là nước mắt và sự sám hối, nhưng bên ngoài là sự biểu tình trấn áp tinh thần và tiếng hô vang “không có thảm sát” của các cựu binh Hàn.

Bà Huỳnh Ngọc Vân kể lại: “Khi anh Lân và chị Thanh đang kể câu chuyện gia đình bị thảm sát, một nhà sư Hàn Quốc bất ngờ bước lên, cúi gập đầu, miệng luôn nói: “Sorry... sorry!”. Sau đó một mục sư và nhiều người khác cũng làm như vậy. Việc này làm chúng tôi rất bất ngờ, vì ở Việt Nam đâu có chuyện nhà sư lạy dân thường.

Đến khi tôi ái ngại, phải kêu anh Lân và chị Thanh đỡ nhà sư đứng lên thì ông mới chịu đứng lên”. Nhà sư đó tên là Myeong Jin - trụ trì chùa Bong Eun ở Seoul, trong quá khứ từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1972 - 1973 thuộc lực lượng Mãnh Hổ. “Sau buổi đó, ông nhà sư còn nói sẽ đến tận Việt Nam để xin lỗi lần nữa. Đúng ba tháng sau ông cùng nhiều khách Hàn Quốc nữa qua Việt Nam thật. Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ông lại một lần nữa cúi gập đầu xin lỗi các nạn nhân...!” - bà Vân nói.

Cùng chuyến đi của ông Nguyễn Tấn Lân và bà Nguyễn Thị Thanh, một hoạt động nữa từ phía Hàn Quốc là hướng tới ra mắt Ủy ban xúc tiến thành lập quỹ hòa bình Hàn - Việt, dự kiến ra mắt vào cuối tháng 4-2017 nhân kỷ niệm 42 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, ủy ban này đang tích cực vận động dựng bức tượng Pieta Việt Nam ở cả Hàn Quốc và Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho triển lãm ảnh vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị của nhà báo Koh Kyoung Tae vừa khai mạc tại Seoul ngày 9-9.

Từ năm 2000, dưới sự kêu gọi của các cựu chiến binh Hàn, khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc mọc lên rất nhiều tượng đài, bia kỷ niệm tham chiến tại Việt Nam. Ở đó, những binh sĩ Đại Hàn được ca ngợi như những dũng sĩ chiến đấu cho tự do tại Việt Nam. Đó là một cái nhìn sai lệch, dễ gây hiểu lầm cho các thế hệ trẻ về sau.

Người Nhật quan tâm

Với nhà báo Ku Su Jeong - người đầu tiên công bố sự thật thảm sát của binh lính Đại Hàn, trong năm 2000 chị đã bảo vệ luận án thạc sĩ sử học “Sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam 1964 - 1975”. Năm 2008, Ku Su Jeong tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ sử học về lịch sử quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Những sự thật về sự tham chiến của binh lính Đại Hàn, cũng như cách hàn gắn vết thương chiến tranh của các tổ chức dân sự Hàn Quốc đã thu hút giới sử gia, nhà báo Nhật Bản. Tiến sĩ sử học Ito Masako, Trường ĐH Kyoto, thường xuyên trao đổi với Ku Su Jeong với mục đích là “muốn tìm hiểu về hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh của người Hàn Quốc”.

Nhà báo Nhật Murayama Yasufumi - người theo đuổi nhiều đề tài hậu quả chiến tranh Việt Nam, hiện đang có bộ ảnh về nạn nhân chất độc da cam trưng bày ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - cũng vừa trở lại Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam trong tháng 9 này. Ông cho biết ông đã theo đuổi đề tài nạn nhân Việt Nam bị quân đội Đại Hàn thảm sát đã tám năm nay và công bố nhiều bài viết ở Nhật Bản.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên