09/03/2021 10:01 GMT+7

Thành Thăng Long thuở ấy: Phận đàn bà trên bàn cờ thế cuộc

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Với vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy, Nhà hát Thế giới trẻ vừa có thêm một vở diễn tạo được ấn tượng tốt trong chuỗi kịch lịch sử hướng tới khán giả học đường, tiếp nối các vở Yêu là thoát tội, Cậu trời…

Trích đoạn vở Thành Thăng Long thuở ấy - Video: GIA TIẾN

Thành Thăng Long thuở ấy (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà) sẽ được công diễn vào tối 10-3 và sắp lịch diễn định kỳ thứ năm hằng tuần tại sân khấu của Nhà hát Thế giới trẻ (thuộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) hay phục vụ theo yêu cầu của các trường học trong TP.

Nỗi đau của những người phụ nữ

Thành Thăng Long thuở ấy là kịch bản từng được Nhà hát Kịch VN dàn dựng với cái tên Anh hùng và mỹ nhân, vở đoạt HCV khi tham gia Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009.

Năm 2015, với phiên bản cải lương mang tên Tình sử hai vương triều, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai lại tiếp tục giành HCV tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm đó.

Thành Thăng Long thuở ấy: Phận đàn bà trên bàn cờ thế cuộc - Ảnh 2.

Lý Chiêu Hoàng (NSND Hoàng Yến) lúc về già nhớ những người đã khuất, ngẫm về những biến cố của thời cuộc - Ảnh: GIA TIẾN

Thế nhưng, với bản lĩnh của mình, êkip của NSND Hoàng Yến đã làm cho Thành Thăng Long thuở ấy không hề mang bóng dáng của những bản dựng trước đây. Không hoành tráng về cảnh trí, trang phục, số lượng diễn viên…, vở được đầu tư tốt về nội lực diễn viên, tinh tế về trang phục, cảnh trí, âm nhạc…

Lấy dấu mốc thời điểm chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần, kịch bản xoáy sâu vào thân phận những người đàn bà trong sự chuyển xoay khắc nghiệt của thời cuộc.

Thành Thăng Long thuở ấy: Phận đàn bà trên bàn cờ thế cuộc - Ảnh 3.

Trần Thị Dung bị miệng đời gièm pha lấy kẻ bức tử chồng, đẩy hai con vào nỗi đau oan trái - Ảnh: GIA TIẾN

Trần Thị Dung bị miệng đời gièm pha lấy kẻ bức tử chồng, đẩy hai con vào nỗi đau oan trái. Công chúa Thuận Thiên bị ép lấy người khác khi đang mang thai đứa con với chồng cũ. Cay đắng nhất có lẽ là Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý - người luôn dằn vặt vì bất tài mà đánh mất vương triều Lý, bị sắp đặt nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, rồi vì không thể sinh con mà bị ép rời bỏ tình yêu, rời bỏ ngôi hoàng hậu và nhìn chị ruột thế chỗ...

Phúc họa đó nằm dưới bàn tay xoay chuyển của thái sư Trần Thủ Độ - một nhân vật mà cùng với Hồ Quý Ly đã trở thành cái tên khiến sử sách ngày sau phải nâng lên đặt xuống…

Thành Thăng Long thuở ấy: Phận đàn bà trên bàn cờ thế cuộc - Ảnh 4.

Tây Phong là một phát hiện thú vị với vai Trần Thủ Độ

Xốn xang với lịch sử

Thành Thăng Long thuở ấy đã kỳ công xây dựng được những lớp diễn khiến người xem phải xốn xang, nao lòng. Đó là khi Lý Chiêu Hoàng đối đầu với Trần Thủ Độ. Khí chất của nàng đã khiến sự kiêu hãnh của Trần Thủ Độ phải chùng xuống và biết rằng có một kẻ mà ông không khuất phục nổi.

Mối tình đau đớn của Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng có lẽ là mối tình đầy xót xa trong lịch sử. Để củng cố, tập trung quyền lực cho nhà Trần, Trần Thủ Độ đã buộc họ lìa xa, Lý Chiêu Hoàng phải trải qua những năm tháng đằng đẵng cô đơn. Rồi cuối cùng, với sự sắp đặt của Trần Cảnh, bà lấy tướng Lê Tần.

Thành Thăng Long thuở ấy: Phận đàn bà trên bàn cờ thế cuộc - Ảnh 5.

Lớp diễn "gả chồng cho vợ" của Trần Cảnh là lớp diễn xúc động nhất của vở diễn

Lớp diễn "gả chồng cho vợ" của Trần Cảnh là lớp diễn xúc động nhất của vở diễn. Ai bày ra nỗi trớ trêu khi lòng còn thương mà phải buộc trao tay người mình yêu cho người đàn ông khác. Khi Lý Chiêu Hoàng và Lê Tần dợm bước đi, nàng quay nhanh lại sập cánh cổng thành, nhạc trỗi lên, Trần Cảnh khuỵu xuống. Đứng trên vạn người mà không thể giữ được tình yêu, ai thấu cho nỗi lòng của một quân vương…

Hoàng Yến lại một lần nữa có vai diễn hay với nhân vật Lý Chiêu Hoàng, khi thể hiện một chặng đường thăng trầm từ thời trẻ đến trung niên và lúc về già. Chiêu thánh thời trẻ có chút khó khăn cho Hoàng Yến vì sự cách biệt tuổi tác, tuy nhiên những giai đoạn sau cô vào vai ngọt và chinh phục tình cảm của khán giả.

Thành Thăng Long thuở ấy: Phận đàn bà trên bàn cờ thế cuộc - Ảnh 6.

Hoàng Yến vai Lý Chiêu Hoàng, Tây Phong vai Trần Thủ Độ

Tây Phong là một phát hiện thú vị với vai Trần Thủ Độ. Người làm nghề biết đến anh nhiều ở vị trí đạo diễn vở Ngộ nhận của sân khấu Hồng Hạc. Tây Phong có ngoại hình phù hợp với nhân vật, đảm nhận một vai lớn nhưng anh ít nhiều tạo ấn tượng.

Tuy nhiên, đoạn Trần Thủ Độ về già, chàng nghệ sĩ trẻ cần thêm thời gian để ngấm nhân vật sao cho vẫn giữ được thần thái, tính cách Trần Thủ Độ nhưng có những chuyển biến thuyết phục khán giả hơn.

Thành Thăng Long thuở ấy có còn có sự tham gia của các diễn viên Lê Hoàng Giang, Phương Minh, Chu Anh, Sĩ Hoàng, Huy Thục, Quốc Việt…

Xử lý đọc rap cho nhân vật người chép sử trẻ trong vở Thành Thăng Long thuở ấy - Video: GIA TIẾN

Cảnh trí trong vở diễn có sự phá cách, là hai trụ cao nối bằng cổng thành với hai cầu thang lên xuống có thể xoay chuyển, vận dụng linh hoạt trong những phân đoạn góp phần khắc họa thêm nội tâm nhân vật. Tuy nhiên, nếu như cảnh trí được xử lý màu sắc cho xưa cũ và tinh tế hơn có lẽ sẽ tăng thêm cảm xúc của người xem.

Âm nhạc cũng khá mới mẻ. Trong đó, đặc biệt là việc xử lý đọc rap cho nhân vật người chép sử trẻ. Đây cũng là một thử nghiệm để đem lại không khí mới cho vở và hướng tới khán giả trẻ là đối tượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, phần nhạc rap nên được chăm chút để có sự kết hợp xưa - nay và đặt để trong hoàn cảnh phù hợp.

Công lý như mặt trời: Hiếm hoi vở kịch chống tham nhũng Công lý như mặt trời: Hiếm hoi vở kịch chống tham nhũng

TTO - Khá lâu rồi sân khấu TP mới có một vở diễn về quan tham ra mắt khán giả: Công lý như mặt trời (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Chánh Trực) của Nhà hát kịch 5B.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên