05/03/2018 08:33 GMT+7

Thánh thần nào ban lộc cho người tranh, cướp, đánh nhau?

ĐẠI LÂM
ĐẠI LÂM

TTO - Người ta tìm đến đền, chùa, miếu mạo để tìm sự bình an, thanh thản và cầu mong may mắn. Liệu có tìm thấy sự bình an hay may mắn giữa cảnh xô bồ, giành giựt đánh nhau? Thần thánh nào ban phước cho bạo lực?

Thánh thần nào ban lộc cho người tranh, cướp, đánh nhau? - Ảnh 1.

Tranh cướp phết ở lễ hội Hiền Quan tại xã Tam Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Nhóm cướp phết được tổ chức theo xóm, mỗi xóm từ 10 đến 20 người tranh giành phết - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trên đây là những trăn trở của nhiều bạn đọc gởi đến chuyên mục bạn đọc làm báo sau bài viết Nay là thời nào mà còn bái cả rắn, cá, hòn đá... là thần? của bạn đọc Phạm Mạnh Hà.

Nhằm góc thêm góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của tác giả Đại Lâm xung quanh chủ đề này.

"Nếu tiền bạc của cải, công danh sự nghiệp mà có được nhờ sự khổ công chờ đợi, chen lấn nơi đền chùa, thần thánh, sự hối lộ thần linh bằng tiền lẻ và vàng mã này chứ không phải do cố gắng học tập, làm việc thì có lẽ chẳng ai cần đi học".

Đại Lâm

"Theo tôi, bên cạnh việc mê muội, bái cả rắn, cá, hòn đá… là thần thì trong đời sống tinh thần của người Việt chúng ta ngày nay vẫn còn một số biểu hiện rất đáng lo ngại. 

Đó là thói xấu buôn thần bán thánh, là sẵn sàng chen lấn, dẫm đạp, tranh, cướp, thậm chí đánh nhau sứt đầu mẻ trán để cướp lộc ở đền, chùa. Tình trạng này đã diễn ra khá nhiều năm nhưng sau bao nỗ lực của các cơ quan văn hóa vẫn chưa "hạ nhiệt".

Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Những ngày này ở các tỉnh phía Bắc, đâu đâu cũng thấy lễ hội. Nhà nhà, người người đi lễ hội. Hết hội Lim, hội Chùa Hương đến cướp Phết Hiền Quan, hết hội Bà Chúa Kho đến cầu an chùa Phúc Khánh, đến khai ấn Đền Trần… 

Các tỉnh phía Nam có vẻ ít lễ hội hơn nhưng cũng đông đúc nhộn nhịp bốc tro cầu may ở Chùa Bà (Bình Dương).

Ở bất cứ một lễ hội nào người ta cũng thấy lượng người tập trung về đông đến nghẹt thở. Và năm nào cũng vậy, dù cho các lực lượng chức năng có vào cuộc đông đến mấy, chu đáo đến mấy những hình ảnh xấu xí cứ tái diễn. 

Này là cảnh du khách về chùa Hương vui vẻ ăn thịt thú rừng, những con thú rừng sống có mà quay chín vàng ươm cũng có được treo lủng lẳng trên đường vào chùa. Kia là cảnh thanh niên trai tráng dẫm đạp lên nhau để cướp cho bằng được quả phết may mắn ở Hiền Quan. 

Đây là cảnh người người chen chúc nhau rải tiền lẻ, thi nhau đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho để được Bà cho vay tiền làm ăn. Kia là cảnh các đại biểu đeo thẻ vàng sau khi làm lễ tươi cười sung sướng ra về với một cành hoa, ít lộc tự ý lấy….

Nhìn một vòng quanh các lễ hội, sao ở đâu cũng thấy chen lấn, dẫm đạp, tranh, cướp và cả đánh nhau, tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Lo nhất là có nơi còn đang muốn làm bánh chưng bánh dày mấy tấn để dâng lên Vua Hùng nhân ngày Giỗ Tổ.

Lễ hội vốn dĩ là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần mang những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Lễ hội nào cũng nhằm mục đích hướng con người ta đến các giá trị tích cực: giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống đoàn kết, tinh thần lạc quan, yêu đời, cố kết cộng đồng. 

Người ta tìm đến đền, chùa, miếu mạo để tìm sự bình an, thanh thản, cầu mong may mắn. Nhưng liệu có tìm thấy sự bình an hay may mắn đó không giữa cảnh xô bồ, ồn ã, khói nghi ngút, thậm chí là bạo lực máu me này? 

Liệu có thần linh nào sau khi ngạt thở vì khói vàng mã ngút ngàn từ bao nhiêu vàng thoi, bạc nén, nhà lầu xe hơi, chân dài chân ngắn được hóa vàng có đủ sự tỉnh táo để ban phước lành cho chúng sinh đang thi nhau khấn vái kia?

Có Phật nào đủ sự bao dung để đáp ứng lời cầu xin của những người vừa mới ăn uống no say thịt thú rừng ngay trước cổng vào chùa kia? Quả phết Hiền Quan được sơn đỏ liệu có đem lại may mắn cho anh trai làng đã dẫm đạp người khác mới cướp được?

Các vị Vua Hùng liệu có dám ăn những cái bánh chưng, bánh dày nặng hàng tấn mà hậu sinh kính dâng lên cho mình hay là chỉ nhìn thôi đã kinh hồn bạt vía?

Bao nhiêu cán bộ, công chức nhà nước đã bỏ cơ quan đi lễ vào giờ hành chính để người dân đến làm việc phải thất vọng trở về? 

Bao nhiêu đại biểu đã lấy được ấn đền Trần, đã thảnh thơi ra khỏi đền với lộc thánh trên tay trước hàng ngàn người dân đang chen chúc chờ tới lượt mình nên khi bắt gặp ống kính phóng viên phải vội vàng che mặt (có lẽ là thấy ngại)? 

Bao nhiêu người dân đã bỏ công, bỏ việc, xếp hàng từ nửa đêm, vật vờ, thậm chí ngất xỉu để lấy được ấn?

Ai đã gieo vào lòng người đi hội Chùa Bà ở Bình Dương niềm tin rằng nếu bốc được tro trong lư hương sẽ được may mắn để bao nhiêu người chen lấn đến nghẹt thở, giành giật nhau bốc tro đem về nhà? 

Bà Thiên Hậu nếu có linh thiêng liệu có ban may mắn cho kẻ đã động chạm đến lư hương của mình không?

Dẫu rằng có thờ có thiêng, có kiêng có lành nhưng ranh giới giữa sự thờ, kiêng và mê tín dị đoan không xa nhau là mấy. Tín ngưỡng và cuồng tín chưa bao giờ gần nhau đến vậy.

Dù không dám quy chụp một cách chủ quan nhưng tôi tin rằng số người đi lễ hội cầu bình an, tìm sự thanh thản cho tâm hồn có lẽ không phải là đa số trong những biển người đi lễ đầu xuân kia.

Bài viết thể hiện quan điểm góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Mê tín quá đà thể hiện sự bất lực? Đi lễ hội theo a dua phong trào, mê tín mù quáng Vàng mã tràn lan: phải loại bỏ ấu trĩ, mê tín
ĐẠI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên