Ở World Cup 2014, có không ít đội tuyển gặt hái quả ngọt khi đã xây dựng được một nền đào tạo bóng đá trẻ bài bản và khoa học.
Sau thời hoàng kim thập niên 1980, bóng đá Bỉ sa sút thảm hại và dần biến mất khỏi các giải đấu lớn. Điều đó thúc đẩy sự cải tổ và người Bỉ đã chuyển mình mạnh mẽ. Giờ đây, bóng đá Bỉ có rất nhiều cầu thủ khẳng định được tài năng ở các giải hàng đầu châu Âu và chính họ tạo nên sức mạnh cho đội tuyển Bỉ tại World Cup lần này.
Còn với người Đức, sau một thế hệ già cỗi với những công thần khiến họ thất bại thê thảm tại World Cup 1998 và Euro 2000, người Đức đã mạnh dạn trẻ hóa đội tuyển từ bàn tay của Klinsmann và thay đổi cách làm bóng đá trẻ. Sự đổi mới đó chính là nền tảng duy trì vị thế một cách ổn định cho bóng đá Đức từ World Cup 2006 đến nay.
Trong khi đó, lâu lắm rồi mới thấy một Hà Lan với nhiều cầu thủ trẻ thi đấu giải nội địa tham gia một giải đấu lớn. Ajax Amsterdam, Feyenoord... vẫn là cái nôi đào tạo tài năng cho đội tuyển xứ hoa tulip. Còn bóng đá Pháp vẫn luôn là nguồn cung cấp cầu thủ dồi dào cho các giải vô địch quốc gia ở châu Âu, nhất là Premier League. Do đó, đừng ngạc nhiên vì sao đội tuyển Anh luôn thất bại khi giải vô địch của họ bị ngoại binh “chiếm đóng” khiến các cầu thủ trẻ không có nhiều cơ hội để phát triển.
Thời gian qua, ít có đội bóng nào của VN chú trọng khâu đào tạo trẻ. Nhiều ông bầu làm bóng đá theo kiểu chụp giật, bỏ tiền mua cầu thủ và nhập tịch cho ngoại binh nhằm kiếm thành tích. Khi kinh tế khủng hoảng buộc họ bỏ của chạy lấy người khiến bóng đá nước nhà lao đao. Giờ đây, lứa cầu thủ U-19 của Hoàng Anh Gia Lai “trình làng” mang theo bao niềm hi vọng. Nhưng để bóng đá VN thật sự phát triển và vươn xa thì chúng ta cần nhiều hơn thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận