15/10/2021 11:19 GMT+7

'Thành phố trong thành phố’ ở Hà Nội: Chọn phía Bắc hay phía Tây để 'tự sống', hút đầu tư?

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Hà Nội sẽ rà soát các chỉ tiêu để phát triển mô hình ‘thành phố trong thành phố’. Nhiều người đặt câu hỏi nên chọn phía Bắc hay phía Tây?

Thành phố trong thành phố’ ở Hà Nội: Chọn phía Bắc hay phía Tây để tự sống, hút đầu tư? - Ảnh 1.

Cầu Nhật Tân hướng từ trung tâm TP Hà Nội về huyện Đông Anh - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 15-10, Tuổi Trẻ Online có cuộc phỏng vấn tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Trung Hải, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc UBND Hà Nội cho biết dự kiến nghiên cứu, phát triển "thành phố trong thành phố"?

Tôi thấy đây là một chủ trương đúng đắn. Từ năm 1995 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã định hướng Hà Nội phát triển về phía Tây.

Sau đó đã đưa cả Đại học Quốc gia Hà Nội, khu công nghệ cao Hòa Lạc, làng văn hóa dân tộc Việt Nam, đại lộ Thăng Long nối trung tâm TP Hà Nội tới khu Hòa Lạc.

Người đứng đầu Chính phủ lúc đó có định hướng như vậy bởi mong muốn xây dựng Hà Nội như Malaysia, nhiều quốc gia trên thế giới đã có các thành phố mới trong thành phố.

Tuy nhiên đến nay phía Tây thủ đô vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Tiêu chí thành lập "thành phố trong thành phố" hiện nay ra sao?

Theo nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cứ có dân số đạt 150.000 người, diện tích 200km2 là được thành lập "thành phố trong thành phố". Bên cạnh đó tổng số phường phải nhiều hơn xã, từ 65% và có một đô thị ít nhất đã được công nhận loại 3 trở lên.

Hiến pháp năm 1992 quy định thành phố trực thuộc trung ương chỉ có quận, huyện, thị xã. Đến Hiến pháp năm 2013 thì thêm thị xã và đơn vị hành chính tương đương như một bước tiến rất mới, cho phép nghiên cứu mở hơn "thành phố trong thành phố".

Từ đó Luật tổ chức chính quyền địa phương mới cho phép thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Thành phố Thủ Đức là thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam được thành lập.

Ngoài ra muốn lên thành phố thì khu vực đó phải có khả năng đô thị hóa cao, tiềm năng hạ tầng kỹ thuật, có khả năng "tự sống" tốt, thu hút đầu tư so với các quận, huyện. Và để "thành phố trong thành phố" phát triển phải có bộ máy hành chính năng động.

Thành phố trong thành phố’ ở Hà Nội: Chọn phía Bắc hay phía Tây để tự sống, hút đầu tư? - Ảnh 2.

Tháng 3-2021 sau khi có thông tin dự án cạnh khu công nghệ cao Hòa Lạc một khu đất đã "sốt ảo" - Ảnh: Q.THẾ

Vậy nên chọn phía Bắc hay phía Tây để phát triển thành phố đầu tiên trong thành phố?

Theo đề xuất dự kiến nghiên cứu của UBND TP Hà Nội thì thành phố phía Tây sẽ có khoảng 2,1 triệu dân, rộng 1.179km2; thành phố phía Bắc sẽ có 960.000 dân, rộng 620km2.

Thực tế thị xã Sơn Tây và quận Hà Đông trước khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội đã là thành phố. Nếu trước đây Hiến pháp mở thì Sơn Tây phải là "thành phố trong thành phố" sớm nhất cả nước.

Với những tiêu chí trên theo tôi trước mắt nên tập trung vào hướng phía Tây. Lấy đô thị Hòa Lạc, thị xã Sơn Tây, Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) để phát triển đầu tiên.

Cơ bản phía Tây, đô thị Hòa Lạc là đô thị tri thức, công nghệ cao, có sân bay Hòa Lạc, du lịch nghỉ dưỡng gắn với văn hóa xứ Đoài. Có sông Tích, sông Hồng, Sông Đáy sẽ trở thành vành đai nông nghiệp. Nếu kết hợp Hòa Lạc - Sơn Tây - Xuân Mai sẽ là một cấu trúc mới của một thành phố, thêm một chính quyền quản lý nữa sẽ là động lực mạnh để phát triển.

Cần 4 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây có thể nghiên cứu, phát triển được ngay thành phố mới phía Tây.

Chưa nên nghiên cứu thành phố phía Bắc vì hiện nay Hà Nội đang tập trung quy hoạch sông Hồng thành trục cảnh quan trung tâm phát triển thủ đô nên cần một chính quyền quản lý.

Nếu nghiên cứu, phát triển luôn thành phố phía Bắc thì TP Hà Nội sẽ không có sân bay quốc tế Nội Bài ở huyện Sóc Sơn cùng nhiều trung tâm kinh tế, xã hội từ nội đô đã và đang dời về huyện Đông Anh. Trong khi đó các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lại đang phát triển rất tốt vì gắn chặt với trung tâm Hà Nội.

Các nước đã phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" ra sao, thưa ông?

Ở Nhật, bên cạnh thủ đô Tokyo là thành phố lớn thì còn có các thành phố nhỏ hơn thuộc thành phố Tokyo.

Ngoài những công việc riêng từng thành phố thì giữa thành phố lớn Tokyo và thành phố nhỏ vẫn cùng nhau làm những công việc quan trọng như: an ninh quốc phòng, ngoại giao, hệ thống cấp nước sinh hoạt, thoát nước…

Thủ đô Paris của Pháp chỉ hơn 2 triệu dân nhưng nằm trong vùng vệ tinh Paris có tới 12 triệu dân. Hay như Philippines có thủ đô Manila và có cả vùng Manila.

Các đô thị lớn trên thế giới đã phát triển thêm nhiều thành phố nhỏ và vùng thuộc thành phố vì không muốn bị sức ép của giao thông, hạ tầng, ô nhiễm. Để giải quyết bài toán sức ép đô thị không còn cách nào khác phải có thành phố thuộc thành phố để giảm tải, đáp ứng quá trình phát triển đô thị.

Ở các nước mô hình "thành phố trong thành phố" được phân vai rõ ràng và phân chia quyền lực, tài chính, chia nguồn thuế... nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, tương trợ lẫn nhau.

Sau TP.HCM, Hà Nội muốn có ‘thành phố trong thành phố’ Sau TP.HCM, Hà Nội muốn có ‘thành phố trong thành phố’

TTO - Ngày 11-10, tại hội nghị đánh giá quy hoạch chung xây dựng thủ đô, viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết Hà Nội sẽ rà soát lại các chỉ tiêu để đáp ứng khả năng phát triển mô hình ‘thành phố trong thành phố’.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên