Các mô hình "cà phê sáng với người dân, doanh nghiệp" hay các hoạt động xúc tiến đầu tư mà thành phố trẻ Bến Cát triển khai đã giúp tháo gỡ ngay những khó khăn, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Năng động thu hút đầu tư
Đoàn công tác của thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương do ông Bùi Minh Thạnh - bí thư Thành ủy Bến Cát - làm trưởng đoàn, vừa có chuyến thăm, làm việc để thu hút đầu tư tại quận đảo Yeongdo, thành phố Busan, Hàn Quốc. Đây là quận đảo đã thết lập quan hệ hợp tác với thành phố Bến Cát từ năm 2011.
Ông Kim Gijae - quận trưởng quận YeongDo - và chính quyền quận đã thảo luận với đoàn công tác của thành phố Bến Cát về các cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường…
Bến Cát là một trong những địa bàn trọng điểm của Bình Dương có sự đầu tư của doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Hiện có gần 150 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Bến Cát, tạo việc làm cho khoảng 40.000 người lao động. Ngoài ra còn có trên 500 nhà đầu tư, chuyên gia từ Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại đây.
Với 8 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 4.000 ha, thành phố Bến Cát đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước. Nhưng không vì thế mà thành phố này tự bằng lòng, trái lại luôn nỗ lực chủ động để phát triển hạ tầng, kết nối với người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, trong buổi tiếp bí thư phụ trách kinh tế Đại sứ quán Ba Lan và lãnh đạo Công ty ILD Coffee VN (tại Khu công nghiệp quốc tế Protrade, chuyên sản xuất cà phê), các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm như mặt bằng, hạ tầng cung cấp điện… đã được thành phố Bến Cát quan tâm. Tới nay, nhà máy trị giá hơn 84 triệu USD của công ty này đã đi vào hoạt động.
Bến Cát chủ động kết nối vùng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Minh Thạnh cho biết bản thân ông cũng như chính quyền thành phố Bến Cát luôn mong muốn lắng nghe và giải quyết ngay những khó khăn, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.
Với những vấn đề vượt thẩm quyền cũng sẽ được tổng hợp để kiến nghị ngay với các cơ quan có liên quan tháo gỡ.
Trong buổi cà phê sáng vào cuối tháng 6-2024, khoảng 30 doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn, thắc mắc của họ với lãnh đạo thành phố Bến Cát liên quan việc đóng bảo hiểm xã hội, về thuế doanh nghiệp, việc vay vốn để tái sản xuất, các thủ tục về môi trường…
Các ý kiến này đều đã được cơ quan chức năng thành phố Bến Cát lắng nghe, giải đáp.
Bến Cát chính thức trở thành thành phố từ ngày 1-5-2024, là thành phố thứ năm cũng là thành phố trẻ nhất của tỉnh Bình Dương. Từ động lực được công nhận là thành phố, Bến Cát đang nỗ lực để cùng thực hiện những công trình giao thông kết nối vùng như vành đai 4 TP.HCM, các dự án công nghiệp, phát triển đô thị…
Thành phố Bến Cát đang lập thủ tục trình cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị loại II thuộc tỉnh Bình Dương. Đến năm 2040, thành phố Bến Cát sẽ là trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ và đầu mối giao thông của khu vực.
Nhiều nhà đầu tư đến với thành phố Bến Cát
Bến Cát có cơ cấu kinh tế công nghiệp chủ yếu (chiếm hơn 70%), thương mại dịch vụ 29,7%, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,2%. Tính đến cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bến Cát đạt hơn 12%.
Theo thống kê, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Bến Cát trên 90%. Thành phố này thu hút trên 800 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn gần 10 tỉ USD, hơn 5.600 dự án trong nước với tổng vốn gần 3 tỉ USD...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận