Hội thảo diễn ra sáng 12-12 tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp với trường, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức.
Thành phố sáng tạo điện ảnh là lựa chọn đúng hướng
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết theo tiến độ thì ngày 3-3-2025 TP sẽ nộp hồ sơ để TP.HCM tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Đã có 350 thành phố của hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo. Nếu được công nhận thì TP.HCM sẽ là thành phố tiếp theo tham gia mạng lưới này và là thành phố thứ 27 sáng tạo ở lĩnh vực điện ảnh. Busan của Hàn Quốc là một trong những thành phố như thế.
Tham gia mạng lưới đó, TP.HCM nhận được sự trợ lực và cả trách nhiệm, nghĩa là có cả cơ hội và thách thức.
TP phải đảm bảo được sự phát triển bền vững. Tiêu chí xây dựng hồ sơ có sáu cam kết.
Trong tiến trình sẽ tổ chức những hội thảo trực tiếp góp ý vào sáu cam kết, xây dựng hồ sơ hoàn chỉnh để nộp lên UNESCO.
Đạo diễn Vũ Thành Vinh đến từ Công ty truyền thông Khang bày tỏ việc TP.HCM xác định tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực điện ảnh là quyết định quá chính xác.
Bởi TP hội tụ rất nhiều điều kiện tốt về cảnh quan, nhân lực, môi trường, điều kiện cơ sở vật chất để phát triển điện ảnh. Nơi đây là thị trường điện ảnh lớn nhất cả nước, đặc biệt có sự tham gia đông đảo của lực lượng xã hội hóa, khán giả cởi mở đón nhận nhiều dòng phim trong và ngoài nước.
Ông Vinh nói: "Điện ảnh là loại hình đi nhanh, đi mạnh để có thể quảng bá được văn hóa Việt Nam ra thế giới. Vừa rồi tôi có đến các hội chợ phim ở Hàn Quốc, Thái Lan…
Khi tôi giới thiệu sản phẩm, họ nói ngay Việt Nam à, có phải đến từ TP.HCM không? Nghĩa là nghĩ đến điện ảnh Việt Nam họ nhớ ngay đến TP.HCM. Họ còn nhớ TP.HCM vừa có liên hoan phim quốc tế diễn ra".
Ông Vinh nói thêm việc xa hơn không chỉ là tham gia mạng lưới sáng tạo mà chúng ta còn phải cố gắng xây dựng được thương hiệu quốc gia. Chẳng hạn với những quốc gia tên tuổi chỉ là kịch bản trên giấy người ta đã muốn mua. Còn mình đã có phim mà chưa chắc người ta đã quan tâm.
Vị thế đô thị toàn cầu
Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền cho rằng việc trở thành đô thị sáng tạo của UNESCO nên được nhìn nhận như mục tiêu phát triển của TP.HCM.
Bởi lẽ đây không chỉ là đạt đến một danh hiệu mà là nâng cấp vượt bậc TP tới vị thế một đô thị toàn cầu, tham gia vào mạng lưới các siêu đô thị của thế giới trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước, của khu vực và của thế giới.
Việc xúc tiến để TP.HCM tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo cũng nằm trong trọng tâm quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa TP.HCM.
Nhiều người đặt vấn đề đầu tư vào văn hóa là để phụng sự hay kiếm tiền?
Luật sư Nguyễn Sơn chia sẻ với những doanh nghiệp thì đầu tư trước mắt phải kiếm tiền, sau đó mới là phụng sự.
Ông Vũ Thành Vinh nói chẳng hạn ở lĩnh vực phim ảnh phải quan tâm tới đối tượng hưởng thụ. Đây là điều cần thay đổi trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp văn hóa hiện nay.
Sản phẩm văn hóa không chỉ truyền tải hồn cốt người Việt, văn hóa đặc trưng của người Việt mà cần phải suy nghĩ xem sản phẩm đó đem lại lợi nhuận ra sao. Nghĩa là phải tuân theo quy luật thị trường, phải đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Trong giai đoạn tới, TP cần có thêm những lễ hội để tạo dấu ấn đột phá trong sự phát triển công nghiệp văn hóa.
Các đại biểu hội thảo thống nhất còn nhiều vấn đề mà chúng ta phải nỗ lực để tạo động lực mạnh mẽ phát triển công nghiệp văn hóa như cơ chế chính sách thông thoáng, linh hoạt, kiện toàn phát huy các thiết chế văn hóa, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh các liên kết vùng, cộng đồng quốc tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ…
TP.HCM đã nỗ lực xây dựng các lễ hội mang "thương hiệu" như Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô đến tháng 12 này diễn ra lần thứ 4, thu hút sự quan tâm lớn.
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần đầu diễn ra tháng 4 năm nay đã ít nhiều đem lại tín hiệu tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận