Ảnh: P.Vũ
"Những sáng những chiều, nhìn hàng hàng lớp lớp người nối đuôi nhau trên những chiếc xe gắn máy ở các ngả đường ra vào thành phố, mặt trùm kín mít, chen lấn nhau để giành từng tấc đường, thì thấy cuộc sinh tồn ở các đô thị thật là gian nan. Đô thị đang mở rộng và phát triển dần đến "đại đô thị", "siêu đô thị", còn con người thì ngày càng thu nhỏ và khép kín lại. Văn học có thể làm gì để con người hòa giải với đô thị, hay ít nhất, không cảm thấy đối nghịch với nó?".
Tự vấn, và tự nhận trách nhiệm về mình, tác giả Huỳnh Như Phương, qua 69 bài tản văn trong tập , văn phong trong trẻo, nhẹ nhàng, sâu lắng quen thuộc, đã mách cho độc giả một giải pháp: kết nối những tất bật hiện tại với miền ký ức, có êm đềm, có dữ dội nhưng khi nào cũng là chốn chở che con người.
Những câu hỏi sẽ bật ra từ đó. Những câu trả lời cũng sẽ xuất hiện từ đó. Hi vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng từ đó.
Và miền ký ức mà tác giả chia sẻ với độc giả thì thật nhiều màu sắc: từ tuổi thơ vùng quê nghèo với bà, với mẹ cho tới những bước lãng du khám phá thế giới sau này, từ chiến tranh đến hòa bình, từ nhà đến chợ, từ những ngôi trường đến những người thầy, đến bạn bè, học trò...
Chuyện lớn chuyện nhỏ đều được quan sát tỉ mỉ, chắt lọc tinh tế qua khoảng cách tháng năm. Ký ức thân quen mà lộng lẫy, suy ngẫm tất yếu mà sâu đằm.
Thân thuộc nhất, sâu đằm nhất chính là những dòng, những trang viết về những người thầy, những ngôi trường, những học trò từ góc nhìn của một người đã gắn cả đời mình với thầy, với trường, với trò.
Nổi tiếng như thầy Thích Nhất Hạnh trong mắt của người "đọc Thầy suốt mấy mươi năm" đứng chờ trên đường về: "Ngay khi bước vào cổng tam quan Thầy đã ngước nhìn lên bầu trời xanh trên mái cao thiền viện và mỉm cười. Trời hôm nay xanh thật là xanh. Tay Thầy cầm chiếc nón lá nên đâu cần cái lọng vàng trên lối đi của Thầy. Dẫu có lọng vàng cũng không làm sao che được mắt Thầy màu trời xanh như ngọc bích trên đầu kia".
Lặng lẽ như thầy Võ Thành Đào của Trường trung học Mộ Đức những ngày chiến tranh: "Năm cuối cấp 2, để kỷ niệm trước ngày rời trường, chúng tôi rủ nhau làm tờ báo xuân và nhờ thầy giữ vai trò chủ bút. Thầy nhận lời không ngần ngại. Và trong lúc chúng tôi tranh cãi nên đặt tên gì thật "kêu" (Xuân quê hương, Thắp sáng hay Tự nguyện) thì thầy nghĩ ra một cái tên thật giản dị: Lộc. Chúng tôi vui vẻ hưởng ứng và lao vào làm báo...".
Trường tư bên cạnh chợ Đũi, giữa Sài Gòn trong mắt cậu học trò tỉnh lẻ vào trốn lính: "Nhìn danh sách giáo sư, thấy Trường Trường Sơn dung nạp nhiều khuynh hướng hơn, thú vị nhất là có những thầy cộng tác với những tờ báo trái ngược nhau về quan điểm lại cùng dạy ở đây. Và kể cũng thật lạ, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao một ngôi trường ở "Hòn ngọc Viễn Đông" thời đó lại mang tên Trường Sơn".
Người đọc sẽ soi thấy chính mình trong ấy, cả miền ký ức lẫn nẻo ước mơ, và sẽ mong một lúc nào đó cũng quay chậm, tua lại những thước phim đời mình, chiêm ngắm, suy nghiệm. Đời không chậm đi mà sẽ đẹp hơn, chắc thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận