09/04/2025 05:20 GMT+7

Thành phố - nhìn từ các nước, gắn với phát triển

Là một công dân Việt Nam xa xứ, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương chính quyền địa phương 3 cấp còn 2 cấp. Nhưng theo tôi, thật đáng tiếc nếu không còn các thành phố, thị xã ở các tỉnh, thành.

thành phố - Ảnh 1.

Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: THẾ THẾ

Ở các nước trên thế giới, mỗi tỉnh, mỗi bang của họ đều có nhiều thành phố. Nên chăng khi chuyển sang mô hình mới, nên giữ lại các thành phố thuộc tỉnh.

Vì tương lai phát triển đô thị

Thành phố gắn liền với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và là nơi tạo việc làm. Ở Nhật, mỗi tỉnh có nhiều thành phố. Ví dụ tỉnh Kanagawa ở phía nam thủ đô Tokyo có thủ phủ là thành phố Yokohama, xung quanh có những thành phố như Kawasaki, Kamakura, Miura... 

Thủ đô Tokyo là một siêu đô thị có gần 14 triệu dân, họ vẫn có các thành phố trong thành phố như các thành phố Hachioji, Tachikawa, Kunitachi, Fussa, Fuchu... giúp giảm áp lực cho 23 quận nội thành và kết nối với nội thành qua các tuyến đường cao tốc, tuyến metro hiện đại.

Ở Mỹ, các bang cũng có nhiều thành phố như bang California có thành phố Sacramento là thủ phủ, và các thành phố như San Francisco, Los Angeles, San Diego… Texas có các thành phố Houston, Dallas, Austin, San Antonio...

Ở Trung Quốc các tỉnh cũng có các thành phố trực thuộc như tỉnh Giang Tô có các thành phố Nam Kinh, Tô Châu, Từ Châu, Vô Tích. Ở Đức các bang cũng có những thành phố như bang Sachsen có các thành phố Leipzig, Dresden, Chemnitz... hay bang Bayern có các thành phố Munchen, Nurnberg, Augsburg...

Chúng ta đang có những thành phố ở các tỉnh như Hội An, Tam Kỳ, Nha Trang, Quy Nhơn, Mỹ Tho, Hà Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Hải Dương, Phủ Lý, Nam Định, Hạ Long, Thủ Dầu Một... Nếu chia các thành phố này làm nhiều đơn vị nhỏ sẽ khó phát triển các đô thị ở các địa phương.

Nước ta có thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM và thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng. Theo như tôi được biết, thủ đô Hà Nội cũng từng có ý định xây dựng thêm các thành phố trực thuộc, TP.HCM cũng có ý định cho các huyện trở thành thành phố. Những đề án này theo tôi nên được tiếp tục nhằm phát triển thủ đô Hà Nội và TP.HCM thành các đại đô thị trong tương lai, giảm áp lực cho nội đô.

Thành phố khoa học, giáo dục, văn hóa… tại sao không?

Tôi được biết thì thủ phủ, tỉnh lỵ hay trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, kinh tế, du lịch của các tỉnh nhiều quốc gia đều là thành phố. Bên cạnh đó vẫn có những thành phố không đóng vai trò thủ phủ nhưng cũng là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế, du lịch của các tỉnh.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực khoa học, tôi luôn mong muốn nước ta sẽ có những thành phố là trung tâm khoa học tiên tiến, thu hút nhân tài. Trong đó có những du học sinh sau khi tốt nghiệp hay những chuyên gia đã nhiều năm công tác ở nước ngoài, và hợp tác nghiên cứu, đào tạo khoa học.

Là một người yêu văn hóa nước nhà, tôi nghĩ là nếu giữ lại thành phố thuộc tỉnh hiện nay thì sẽ thuận lợi hơn, có không gian rộng lớn hơn cho việc tổ chức các lễ hội văn hóa, hay giới thiệu văn hóa nước nhà với bạn bè năm châu.

Ví dụ như vừa qua chúng ta có sự kiện Bách hoa bộ hành, hàng trăm hàng ngàn người mặc cổ phục truyền thống diễu hành trên các đường phố lớn ở trung tâm TP.HCM. 

Nếu chúng ta tổ chức những sự kiện như vậy ở thành phố Nha Trang chẳng hạn, thì với thành phố Nha Trang hiện tại được giữ nguyên, chúng ta có thể thuận lợi và thoải mái hơn so với phường Nha Trang, theo thiển ý của tôi là như thế.

Các thành phố (trong đó có thành phố Thủ Đức và thành phố Thủy Nguyên) được thành lập mang sứ mệnh là những trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của tỉnh. Các phường, xã sẽ rất khó có thể đảm đương ngay những vai trò nói trên của những thành phố ngày xưa.

Giảm tải cho thành phố thuộc trung ương

Việc giữ lại các thành phố hiện nay sẽ vừa giúp giảm tải dân cư ở các thành phố trực thuộc trung ương vừa giúp phát triển các địa phương.

Thành phố Buôn Ma Thuột với thương hiệu thủ phủ cà phê hay Đà Lạt thành phố ngàn sương nên được giữ lại. Các thành phố Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa nếu được giữ lại sẽ giúp thu hút đầu tư về giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học ở vùng Tây Nguyên, thúc đẩy sự phát triển, nâng cao đời sống bà con các dân tộc anh em.

Duyên hải Nam Trung Bộ, nếu có thể giữ được các thành phố Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết thì sẽ giúp thu hút du lịch biển, tổ chức các festival du lịch...

Đến thành phố làm việc là xu hướng chung của thế giới. Nếu có thể giữ lại và tiếp tục phát triển các thành phố ở các tỉnh, bà con vẫn có thể đến đây tìm việc làm, học tập, sinh sống, có thêm cơ hội được gắn bó với quê hương.

Động lực kết nối giao thông

Ở Nhật, người dân ở tỉnh Kumamoto có thể ngày làm việc ở thành phố Kumamoto, tối đi tàu điện, đi xe buýt về nhà ở những thành phố Tamana, Kikuchi, thị trấn Kikuyo, thị trấn Mashiki gần đó.

Trong tương lai các tuyến metro, tuyến buýt, tuyến cao tốc Việt Nam được xây dựng nhiều hơn. Việc đi lại và kết nối giữa các địa phương sẽ trở nên thuận lợi hơn, rút ngắn khoảng cách và thời gian giữa các địa phương với nhau. Việc tiếp tục giữ lại các thành phố ở tỉnh sẽ góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy những sự kết nối, giao thông ấy.

Sẽ tiếc lắm

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày xưa có huyện Tân Thành, sau nâng lên thành thị xã Phú Mỹ và đã trở thành thành phố Phú Mỹ. Suốt bao nhiêu năm chính quyền và nhân dân đã cùng nhau xây dựng quê hương từ một huyện nghèo lên một thành phố khang trang, hiện đại. Nay lại phải chia thành phố ấy thành các phường xã, tôi nghĩ bà con ở đấy cũng trăn trở lắm.

Hay như thành phố Thủ Đức của TP.HCM được sáp nhập từ 3 quận được mấy năm, nay nếu giải thể để thành các phường mới thuộc TP.HCM, bà con cũng tiếc lắm.

Chúng ta cũng có những thành phố kết nghĩa với những thành phố ở các nước khác. Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) kết nghĩa với thành phố Luang Phrabang (Lào), thành phố Vũng Tàu kết nghĩa với thành phố Gunsan (tỉnh Jeolla Bắc, Hàn Quốc)… Nếu chúng ta xóa bỏ các thành phố thuộc tỉnh này thì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tình hữu nghị với nước bạn.

Mong giữ lại các thành phố thuộc tỉnh - Ảnh 2.Những thành phố cần duy trì

Chủ trương của Đảng về việc bỏ cấp chính quyền huyện, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và cơ sở) là một bước đi sáng suốt, đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên