18/06/2017 13:50 GMT+7

'Thành phố lặng im': Chí Trung trở lại khóc cười ở phố

NHO QUÂN
NHO QUÂN

TTO - Chùm tiểu phẩm mới của nhà hát Tuổi Trẻ mang tới tiếng cười hài hước, nhưng đầy tính trào phúng khi động tới 'thói hư tật xấu' của phố, của người ở phố.

Tiểu phẩm “Thành phố lặng im” - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ cung cấp
Tiểu phẩm “Thành phố lặng im” - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ cung cấp

Từ lâu hài kịch đã trở thành thương hiệu của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Sân khấu được coi là năng độc nhất thủ đô này luôn tìm cách kéo khán giả tới rạp bằng những tiếng cười hài hước.

Tiếp nối truyền thống đó, khi vừa lên nhận chức quyền Giám đốc Nhà hát, NSƯT Chí Trung bắt tay vào dàn dựng chương trình hài kịch Thành phố lặng im.

Tác phẩm có buổi công diễn tối 17-6 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội), dự kiến biểu diễn phục vụ khán giả từ cuối tháng 6.

Những chuyện xấu xí của người ở phố

Với kịch bản của nhà thơ Đỗ Minh Tuấn, với kinh nghiệm dàn dựng từ hài kịch tới chính kịch có bối cảnh Hà Nội của Chí Trung, Nhà hát Tuổi Trẻ mang tới một chương trình giải trí nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc.

Trên khung cảnh với các tên phố phường vừa thân quen, vừa gây cười như: Phường Hàng Chuột, Phường Hàng Lưỡi, Phường Hàng Kính… gợi lên các không gian phố phường Hà Nội, từ không gian ấy, những chuyện bi hài cá nhân - tập thể diễn ra.

Tiểu phẩm Thành phố lặng im đụng chạm đến những điểm bất hợp lý của quản lý khu phố. Trong không gian phố ấy, có những tay trưởng khu phố, trật tự phường, nói ngọng “l”, “n” lẫn lộn nhưng luôn nạt nộ dân thường buôn thúng bán mẹt.

Họ đề ra những dự án chồng chéo, tưởng làm cho dân an, nhưng lại đặt thêm gánh nặng tới người dân.

Phường Hàng Mũ với dự án An toàn (bắt mọi người dân ai cũng đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang để tránh… bụi phóng xạ từ nổ nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản), phường Hàng Lưỡi có dự án im lặng, buộc người dân không mở loa phường, không hát ca trù, không nói cười nhiều gây mất trật tự…

Cũng trong không gian phố ấy, có những phi vụ làm ăn gọi là liên doanh lợi nhuận. Ở đó, tay giám đốc hãng kính Nỉ Hảo sẽ tài trợ toàn bộ đèn chiếu sáng cho khu phố, nhưng với điều kiện quản lý khu phố phải cho tăng ánh sáng đèn công cộng lên gấp đôi, giảm ánh sáng đèn đường xuống còn tù mù.

Việc làm đó nhằm làm cho người dân giảm thị lực, gây cận hàng loạt và sẽ đổ xô đi mua kính. Hiệu kính của phố tên Ma Tô Oét (Mắt Toét) cũng được Nỉ Hảo tặng quà để bán ra các loại kính của hãng.

Không chỉ nói về bất cập trong quản lý, những chuyện dở khóc dở cười của mỗi cá nhân cũng được thể hiện, đẩy lên thành bi kịch điển hình.

Trong tiểu phẩm Tiến sĩ, lấy bối cảnh gia đình một ông tiến sĩ (Như Lai thủ vai) với chữ nghĩa đầy mình, nhưng luôn bị vợ coi thường vì nghèo, không làm ra nhiều tiền nuôi vợ con.

Chi tiết ông tiến sĩ bị vợ lốt hết sơ mi quần dài, chỉ trơ lại quần đùi, áo may ô trên người là đỉnh điểm của hài hước và bi kịch: bên trong những ngạo nghễ của trí thức, là sự khốn khổ của đời sống vật chất.

Cơm áo gạo tiền bóp nghẹt khát vọng, dường như những giá trị đã không còn chỗ đứng trong đời sống hôm nay.

Tiểu phẩm Ra mắt bố vợ hoàn toàn là những tình tiết hài hước, chọc cười khán giả.

Nhân vật chính là chàng nhà thơ đã cao tuổi (phải đeo hàm răng giả), hội viên hội nhà văn và hàng tá hội khác là người yêu cái đẹp, luôn ý thức “tôi là nhà thơ chứ có phải người thường đâu”.

Chàng và nàng (một cô gái trẻ lãng mạn) quen nhau qua mạng internet, yêu nhau qua mạng. Giây phút ra mắt bố mẹ vợ tương lai của nhà thơ vừa bất ngờ lại éo le khi bố mẹ vợ gọi con rể là “bác”.

Nhưng bất chấp trái ngược, hai tâm hồn yêu cái đẹp vẫn tìm đến với nhau. Tác phẩm hài hước về tình yêu của chàng nhà thơ là khát vọng yêu đương chân chính, vượt qua chuẩn mực thông thường trong xã hội ngày nay.

Chí Trung (nhân vật đội mũ, mặc quần áo trắng) trong vai nhà thơ của tiểu phẩm “Ra mắt bố vợ” - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ cung cấp
Chí Trung (nhân vật đội mũ, mặc quần áo trắng) trong vai nhà thơ của tiểu phẩm “Ra mắt bố vợ” - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ cung cấp

Sự trở lại với hài kịch của Chí Trung

Trong Thành phố lặng im, Chí Trung tiếp tục sử dụng những thước phim đã chuẩn bị trước để chiếu trên phông nền sân khấu. 

Những hình ảnh về Hà Nội với cầu Long Biên cổ kính, một công viên xanh, khu nhà tập thể yên tĩnh gợi tới thành phố thân quen. 

Hình ảnh chùm hoa sữa tỏa hương, cây bàng lá đỏ… là một khúc đệm trữ tình, đủ sức nói thay ước mong về một thành phố yên bình.

Âm nhạc trong phim cũng được đạo diễn sử dụng linh hoạt. Một ca khúc được đặt hàng viết riêng cho tác phẩm thể hiện nỗi lòng của những người dân đô thị trong đời sống đương đại.

Chí Trung là nghệ sĩ hài nổi tiếng, một danh hài đất Bắc. Nhưng anh không chỉ là một diễn viên, mà còn là đạo diễn được công nhận là đạo diễn kịch xuất sắc tại Liên hoan các vở diễn Lưu Quang Vũ.

Trước đây, anh tham gia và làm nên thành công của nhiều tiểu phẩm hài của Nhà hát Tuổi Trẻ như Phát điên vì tiền, Ao làng, Đàn ông cũng khóc…

Sau thời gian đắm đuối dàn dựng các vở kịch Lưu Quang Vũ (Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Ai là thủ phạm), nay Chí Trung trở lại với hài kịch.

NHO QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên