Ngay trung tâm thành phố - công trường Quách Thị Trang, sáng sớm ra thấy mừng mà không vui, những công nhân vệ sinh còng lưng thu gom chai nhựa, ly nhựa, túi xốp, đồ ăn thức uống bỏ vương vãi ở công viên 23-9.
Ngay ở khu vực Nhà hát lớn cũng vậy, đủ loại rác vặt vãnh do khách chơi đêm "bỏ rơi" trên hè phố và công viên.
Có thể thấy ở nhiều phố phường, rất dễ nhận ra ở các hàng quán đêm và ngày là nơi hiện diện của rác vứt ra rồi đọng lại ở các miệng cống. Nơi nào chủ nhân "động lòng", không chịu nổi mùi hôi tanh thì lấy vải nhựa che chắn hố ga trong giờ thực khách đến.
Rác "tự tiện" còn chảy đến các ao hồ, kênh rạch trong thành phố. Ngay bãi biển Cần Thạnh, nơi không khí trong lành, vẫn thấy rác sinh hoạt đủ loại trải mình trên cát hoặc để nước biển cuốn đi xa gần.
Đã qua cái thời ở các chốn công cộng thiếu vắng thùng rác. Tại các nơi bây giờ không chỉ có thùng rác công cộng mà còn hiện diện khá nhiều thùng rác kiểu dáng đa dạng của các doanh nghiệp tài trợ.
Thế nhưng thói quen bỏ rác ra hẻm, ra đường vẫn cứ thường trực thay vì phải lùi bước khi văn minh đô thị tiến qua thời đại số.
Tôi không rõ đến nay đã có những cuộc điều tra, khảo sát về rác "trong nhà ngoài phố" ở TP.HCM và các đô thị Việt Nam hay chưa, nếu chưa làm chính quyền vẫn nên tiến hành sớm một cuộc "tổng kiểm kê" tình hình xả rác và vệ sinh công cộng ở các khu phố, quận huyện.
Cuộc "tổng kiểm kê" còn nhằm điều tra về các hành vi và nguyên nhân xả rác, để từ đó cải tiến các giải pháp vận động và chế tài. Đồng thời nhờ vậy chính quyền các cấp sẽ bổ sung các giải pháp thu gom rác, hạn chế rác thải không tái chế được.
Các viện nghiên cứu, các đại học công và tư đều có thể coi đây là đề tài nghiên cứu phục vụ xã hội.
Kết quả cũng là nguồn thông tin gợi ý cho các doanh nghiệp và bạn trẻ kinh doanh hoặc muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chỉnh trang đô thị (sản xuất trang thiết bị, cung cấp dịch vụ, truyền thông...).
Nhiều hội đoàn đã và đang chung tay quét rác, nhặt rác hỗ trợ công nhân vệ sinh đều cần kết quả nghiên cứu toàn diện này.
Chính quyền cần biểu dương và nhân rộng các tập thể và cá nhân đang làm công việc tự nguyện trên, nhất là những sáng kiến thu dọn rác và cổ động không xả rác.
Mặt khác, báo chí và các hội đoàn cần chung tay mời gọi các cán bộ và công chức, các trường học và chủ hàng quán, các doanh nhân và văn nghệ sĩ, là tập thể hay cá nhân, cùng tham gia nhiều hình thức nêu gương dọn rác và không xả rác.
Tôi nhớ vào đầu những năm 1990, có lần các nhà lãnh đạo TP.HCM cùng Bộ trưởng Kiến thiết Singapore cùng đi quét rác ở khu vực chợ Cầu Muối, qua đó quảng bá kinh nghiệm "xanh và sạch" của đảo quốc này.
Đã có tiền lệ lý thú như vậy thì rất mong sắp tới lãnh đạo các cấp cùng có mặt trong các chương trình "vi hành" đi quét rác cùng công nhân vệ sinh, dọn rác cùng các hội đoàn phụ nữ và thanh niên ở các điểm công cộng. Đó cũng là một trong những cơ hội gặp dân, gần dân, cùng nhau làm sạch đẹp thành phố.
Dĩ nhiên từ Đông sang Tây, nước phát triển hay chưa đều có nhiều loại rác rưởi, từ vật chất đến tinh thần. Trong đó phòng chống loại rác rưởi lớn nhất là quan liêu và tham nhũng vẫn luôn là cuộc chiến muôn đời.
Tuy nhiên, chúng ta không quên còn có cuộc chiến thường xuyên loại trừ rác bẩn sinh hoạt, thực hành nếp sống vệ sinh và bảo vệ môi trường sống.
Một đô thị phát triển, một đời sống nhân văn phải bao gồm sạch đẹp về cả tâm trí và dung nhan cho chính mình và các thế hệ sau.
Các bảng hiệu "Phường văn hóa", "Khu phố văn hóa"... đang có mặt khắp các phố phường ở nhiều tỉnh thành cần phải sạch đẹp trên thực tế chứ xin đừng lấp lánh chỉ trên câu chữ.
Các kỳ lễ lớn và các lễ hội sôi động cuối năm và năm mới sắp tới chính là cơ hội để TP.HCM "hâm nóng" và đẩy mạnh các hoạt động "nói không với xả rác, nói không với ô nhiễm".
Liệu rồi đây có thể tiến tới một thành phố không xả rác được không? Bởi chắc chắn khi sạch thì thành phố sẽ vui đẹp hơn nữa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận