14/02/2015 17:06 GMT+7

Khi quê hương không có chỗ cho người trẻ

H.TAM
H.TAM

TTO - Bài viết đầy trăn trở của một Sinh viên năm thứ ba trong những ngày về quê hương ăn tết. Quá nhiều câu hỏi từ những người trẻ. Những câu hỏi không phải để chờ câu trả lời mà chính là thể hiện thái độ và trách nhiệm với cuộc sống.

Sinh viên giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp tại hội chợ thương mại Xuân Ất Mùi (tổ chức ở nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM) với mức lương 150.000 đồng/ca (8 tiếng) - Ảnh: Phước Tuần
Sinh viên giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp tại hội chợ thương mại Xuân Ất Mùi (tổ chức ở nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM) với mức lương 150.000 đồng/ca (8 tiếng) - Ảnh: Phước Tuần

Bạn dẫn tôi đi gặp người yêu, anh là bạn cũ của chị tôi. Chị tôi học và làm việc luôn ở Sài Gòn, lương 1 tháng 15 triệu đồng.

Phú thì về quê làm công chức - nhân viên trong một phòng tài chính của ủy ban, lương nhà nước ít quá không dám kể.

Quán cà phê ở quê tôi nhiều vô kể, nơi nhiều người đến mài mòn tuổi trẻ của mình trong những câu chuyện phiếm không đầu không cuối, mà chính họ cũng chẳng mấy để tâm.

Phú nói Thu tốt nghiệp loại giỏi đại học ngoại thương, đang làm tình nguyện viên sinh hoạt trong phường vì hai năm rồi chưa xin được việc. Nghe đến đó là lòng tôi lợn cợn. Những bàn cà phê ở xứ này hay dày vò lòng tôi với những mẩu chuyện như thế.

Bạn tốt nghiệp Sư phạm văn cấp 2, về quê vì là giọt máu duy nhất của bố mẹ, đang chuẩn bị cho đợt thi công chức với 200 hồ sơ đánh vật lấy 9 chỉ tiêu.

“Lót trước lót sau vẫn chưa chắc thi đậu, mà thi đậu cũng chưa chắc có việc làm”. Bạn lấy bằng tốt nghiệp tháng 9, về quê chờ đến tháng 6 năm sau mới có đợt thi công chức: “Vậy là tớ còn thất nghiệp 4 tháng nữa. Nếu không xin được việc làm chắc sẽ mở quán cà phê.”

Quán cà phê ở quê tôi nhiều vô kể, nơi nhiều người đến mài mòn tuổi trẻ của mình trong những câu chuyện phiếm không đầu không cuối, mà chính họ cũng chẳng mấy để tâm.

“Về chưa, cà phê!” là một câu nói quen thuộc vào mùa này, khi thành phố nhỏ quê tôi đang đợi chờ những người trẻ bị mang đi bởi chuyến xe khách mùa hè trở về, mang theo một chút gì mới mẻ. Nhưng thành thực mà nói, những mẩu chuyện về công việc, tiền bạc, quan hệ với đầy sự thỏa hiệp khiến tôi như rụn rã.

Có phải khi lớn lên, nụ cười của con người không còn trong trẻo từ khi bàn tay họ lén lút ở dưới gầm?

Bạn kể, trong lớp thi công chức có một anh A đã lo lót hết rồi, anh dở tài liệu khá lộ nhưng giám thị làm lơ không nói gì. Một bạn nữ kế bên không chịu được bèn đứng phắt dậy tố giám thị: “Bạn A, ngồi bàn X, lật tài liệu thưa giám thị". Không còn cách nào khác, giám thị buộc phải thể hiện sự liêm chính yếu ớt còn sót lại của mình. Anh A được cho về nhà uống cà phê chờ năm sau... thi tiếp.

Tôi vui mừng thét lên: “Có thế chứ! Chính những người này sẽ cứu thành phố của mình khỏi sự nhiễu nhương!”. Rồi như thể cười cợt cái niềm hy vọng bé nhỏ vừa chớm nở của tôi, bạn cười bảo: “Bạn nữ kia cũng lo lót, cũng lén... lật tài liệu, chỉ vì hai người thi vào cùng một ngành nên mới tố giác để loại bớt đối thủ đó.”

Rồi thành phố của tôi có thể trẻ hơn bởi những con người với ý nghĩ già nua này không? Cái ý nghĩ vào làm công chức để ổn định, cái ý nghĩ đưa tiền trước lấy lại tiền sau, cái ý nghĩ diệt trừ người khác bằng giả danh “bài trừ tiêu cực”!

Bạn già tôi nói thế hệ của anh là vứt đi, thế hệ trước anh cũng tự nhận mình là vứt đi. Rồi ai vứt nổi chúng tôi đây, khi chính chúng tôi còn không ngửi được mùi mốc meo lên rễ của chính mình.

Tôi đi bộ ra chợ, nơi những mặt người đen đủi lấm lem đan xen vào những hàng bông, hàng chuối xanh rờn. Ở quê tôi, nếu bắt được một tia lửa sáng rực lóe lên trong đôi mắt khi hỏi thăm về con cái, bạn cứ yên tâm người đó có con học đại học ở Sài Gòn. Chú Phúc làm nông, cô Thơi gánh chuối bán ở chợ T., hai vợ chồng với 4 sào ruộng khô cằn nuôi 4 người con học Đại học. Chú Phúc kể vanh vách danh sách trường thi trong nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 của từng đứa con như thể họ vừa mới thi xong vậy.

Như bao người trẻ khác, họ tốt nghiệp và đi nơi khác làm việc.

“Bọn trẻ muốn về quê làm việc ở gần bố mẹ lắm chứ, nhưng mình không có thân thế gì, không xin việc được. Tỉnh nói ưu đãi cho trí thức trẻ về quê, nhưng thực chất những cái ghế chưa ai ngồi cũng đều đã đề tên sẵn. Bạn của con chú về muốn có việc cũng phải đút tiền, nó chán nên vào Sài Gòn làm lại.”

"Nhiều người tự lực vì họ không có chỗ nào để dựa. Nhiều người không đút lót vì không có tiền để đút, nhiều người không nhận hối lộ vì không có điều kiện để nhận. Tôi tự hỏi, con cái của những người nghèo khi đã vượt qua gian khổ, đã thành ông này bà nọ, điều gì sẽ giữ họ lại với sự liêm chính?"

Tôi hỏi ông làm sao nuôi được 4 người con học đại học hay vậy, ông trả lời: “Cha mẹ chịu khổ cỡ nào cũng được. Ở Sài Gòn chú không cho con đi làm thêm, chỉ có học thôi!” Rồi chú chỉ chiếc xe Angel nát mèm vắt những khúc gỗ thồ hàng ngang dọc, như cuộc đời nắng gió phơi sương của hai vợ chồng vậy.

Chú kể về người bạn này, người bạn kia hiện đang đương chức, trong tâm khảm những người lớn quê tôi, “làm quan” và cái khát vọng đổi đời vẫn còn khắc sâu lắm. Họ vẫn mong mỏi những quan hệ cá nhân, những chức cao vọng trọng, những an phận, yên ổn muôn đời, và họ luôn dạy con cái mình - là thế hệ chúng tôi - về điều đó.

Nhiều người tự lực vì họ không có chỗ nào để dựa. Nhiều người không đút lót vì không có tiền để đút, nhiều người không nhận hối lộ vì không có điều kiện để nhận. Tôi tự hỏi, con cái của những người nghèo khi đã vượt qua gian khổ, đã thành ông này bà nọ, điều gì sẽ giữ họ lại với sự liêm chính?

10 giờ đêm, ngọn đèn dầu của những người mẹ bán trứng vịt lộn nuôi con đi học đại học ở Sài Gòn vẫn còn chong sáng. Tôi hỏi Nam: “Nếu được, cậu có về?”. Nam bảo sẽ về, nhưng chắc tầm 10 năm nữa, khi đã có nhiều tiềm lực hơn, bây giờ về không có đất dụng võ. Nam rất giỏi, Nam chịu khó vô cùng, Nam liêm khiết, sao Nam không về đi cho cái thành phố của tôi trẻ hơn một chút.

Cái thành phố đâu chỉ già vì có quá nhiều người trẻ ra đi, đâu chỉ già vì quá nhiều cha mẹ trông ngóng con đi học sắp về.

Thành phố già bởi chính những người trẻ ở lại có lối suy nghĩ không khác gì người già, những người trẻ thi công chức mà ích kỉ, yên phận, sống chấp nhận, lỡ theo tiền lệ nhiều hơn một lần nên cả đời không dám nói to. Tôi hỏi bạn: “Sao chuyện đút tiền xin việc lại trở thành một điều thông thường được vậy?” Bạn lắc đầu, trả lời: “Chuyện đó cũ quá rồi.”

Thành phố, còn không có chỗ cho tôi một câu trả lời.

Bạn đọc - đặc biệt những bạn đọc trẻ - có thể gửi cho chúng tôi ý kiên của mình về những câu hỏi và thái độ với cuộc sống, hoặc bày tỏ những suy nghĩ khác quá email [email protected]. Bài được đăng sẽ có nhuận bút theo quy định của báo Tuổi Trẻ.

 

H.TAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên