01/12/2022 09:57 GMT+7

Thành phố hướng sông - Kỳ 4: Nỗ lực hồi sinh ban đầu

QUỐC VIỆT - DIỆU QUÍ
QUỐC VIỆT - DIỆU QUÍ

TTO - "Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, nhiều người từ TP.HCM tự động trở về quê hương không còn chiến tranh, sau đó là chương trình kinh tế mới đưa người về khẩn hoang ở các tỉnh miền Tây, miền Đông và Tây Nguyên...".

Thành phố hướng sông - Kỳ 4: Nỗ lực hồi sinh ban đầu - Ảnh 1.

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc năm 1993 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

... Nhưng rồi cuộc sống khó khăn và thêm chiến tranh biên giới đã khiến dòng người nhanh chóng lại đổ ngược về thành phố còn đông hơn số người rời đi trước đó", đại tá Nguyễn Văn Lâm, cựu thành viên ban quân quản TP.HCM sau 30-4-1975, nhắc lại giai đoạn bước ngoặt lịch sử.

Cuộc lấn chiếm kênh rạch lần thứ hai

Dân số TP.HCM năm 1975 khoảng 3.500.000 người. Kế hoạch giảm dân số bằng các chương trình hồi hương và đi kinh tế mới chỉ được một thời gian đã "vỡ trận" vì những dòng người quay ngược lại thành phố.

Trong đó, chỉ một số có nhà cửa ổn định, còn phần đông đã mua bán nhà tự phát bằng giấy tay hoặc sống vạ vật ở các hè đường, khu "ổ chuột", đặc biệt là lấn chiếm hai bờ kênh rạch để dựng nhà "cao cẳng" bằng những miếng gỗ, tấm tôn, manh bạt che chắn tạm bợ.

Cuộc đại lấn chiếm kênh rạch TP.HCM lần thứ hai bắt đầu từ giai đoạn này. Nếu như lần thứ nhất trước năm 1975 vì lý do chạy lánh chiến sự ở các vùng quê về thành phố, thì cuộc lấn chiếm kênh rạch lần hai này chủ yếu vì tìm chỗ che nắng mưa và miếng cơm manh áo.

Nhà bà Trần Thị Phượng ở đường Hiệp Nhất, phường 4, quận Tân Bình, chính là một chứng nhân. Sau năm 1975, bà đi kinh tế mới vài năm rồi lại quay về. Không phải ở nhà "cao cẳng" trên kênh Nhiêu Lộc, nhưng bà là hàng xóm của họ chỉ cách vài chục bước chân.

"Có nhà cả 3, 4 thế hệ hơn chục người phải chen chúc khổ sở trên cái sàn ván chưa đến 20m2. Mọi thứ rác rưởi sinh hoạt cứ trút hết xuống kênh, kể cả chất thải con người. Hồi đầu, tụi tôi còn thấy khoảng hở giữa các nhà sàn này, sau ngày càng san sát kín mít.

Thậm chí, nhiều đoạn kênh Nhiêu Lộc ở ngay quận Tân Bình còn có 2, 3 lớp nhà lấn ra kênh. Căn bắc từ bờ ra kênh là lớp thứ nhất, rồi lớp thứ hai sau đó là căn nhà hoàn toàn dựng trên kênh. Đó là con cháu lập gia đình, không thể có điều kiện lên bờ, phải cơi nới thêm chỗ ở phía sau nhà cha mẹ vốn cũng đã rất tạm bợ"...

Ngược thời gian khoảng từ năm 1960, nhà "ổ chuột" lấn chiếm kênh rạch đã xuất hiện dần ở thành phố nhưng chủ yếu chỉ nhiều ở các đoạn nội thành.

Sau năm 1975, tình trạng lan rộng dần và hầu như hiện diện trên tất cả kênh rạch là đường lưu thông lẫn tiêu thoát nước của thành phố. Việc sử dụng nước sinh hoạt ở một số kênh rạch coi như chấm dứt hoàn toàn và trở thành "chuyện xưa nghe ông bà kể lại".

Đến thời điểm 1997, một số liệu khảo sát của TP.HCM cho biết có khoảng 25.000 căn nhà tạm bợ, lụp xụp ven kênh. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng số liệu vẫn chưa đầy đủ, vì có nhiều cái chòi, túp lều "không số" không được đưa vào thống kê.

Giai đoạn đó, những căn nhà "cao cẳng" này đã chen kín cả bốn trục kênh rạch tiêu thoát nước của thành phố là Thị Nghè - Nhiêu Lộc, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Ông Buông - Lò Gốm và kênh Tẻ - kênh Đôi chảy qua cả chục quận như quận 1, quận 4, quận 5, quận 6, quận 8, quận 11, quận Tân Bình, Bình Chánh (ở khu vực nay là quận Bình Tân)...

Riêng trục thoát nước thứ năm của thành phố là tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật do xa nội thành nên ít bị nhà "cao cẳng" lấn chiếm, nhưng cũng dần ô nhiễm nặng nề vì hệ thống cống rãnh từ các khu dân cư đổ ra và các nhà máy, cơ sở sản xuất ở vùng ven...

Thực tế giai đoạn này, ngoài ô nhiễm vì dân cư, nhiều kênh rạch của thành phố còn bị "bức tử" nặng nề bởi các nhà máy, cơ sở sản xuất xả chất thải thẳng ra.

Một thống kê cũng ở thời điểm năm 1997 cho biết TP.HCM có 290/450 nhà máy xả thải trực tiếp ra kênh rạch gây ô nhiễm, nhưng con số có lẽ cũng không đầy đủ vì chưa tính các cơ sở nhỏ...

Kể lại chuyện không đâu xa, người dân ngay ở khu vực đô thị trù phú Bàu Cát hiện nay cũng còn nhiều ám ảnh khó quên: "Hồi đó ở đây có nhiều cơ sở nhỏ nhuộm, wash quần áo. Nước thải bốc mùi nồng nặc cứ thể xả thẳng ra cống, thậm chí rãnh lộ thiên, rồi xuống hết kênh rạch.

Dân cư bị ảnh hưởng, phàn nàn nhưng chẳng đi đến đâu", ông Vũ Hoàng Châu, một cựu dân Bàu Cát thời còn là đồng ngâu, kể chuyện. Và ông cho rằng vợ chồng bị viêm xoang mãn tính không thể chữa hết được "chính vì mấy cơ sở nhuộm, wash bốc mùi nồng nặc" này...

Thành phố hướng sông - Kỳ 4: Nỗ lực hồi sinh ban đầu - Ảnh 2.

Để chỉnh trang được kênh Nhiêu Lộc và có cảnh quan đẹp như hiện nay là bao nỗ lực kéo dài suốt hai thập niên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nỗ lực cải tạo kênh rạch thời khó

Sau năm 1975, cũng như tình hình cả nước, TP.HCM trải qua chục năm bộn bề khó khăn thời hậu chiến. Nhưng từ khoảng năm 1985, nỗ lực chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân bắt đầu được chính quyền thực hiện.

Là người buôn bán nhỏ ở hẻm đường Hiệp Nhất, Tân Bình, bà Trần Thị Phượng và các hàng xóm cũng có thể cảm nhận rõ sự đổi thay .

"Chúng tôi nhớ mãi ngày tổ trưởng thông báo Nhà nước sẽ dẫn ống nước máy đến tận nhà. Bao năm dân khu này chỉ biết nước giếng đào, nghe được cấp nước thủy cục mà vừa mừng vừa lo... bị xạo. Đến ngày mở vòi thấy nước chảy dù yếu hơn bây giờ rất nhiều, bà con vẫn mừng như trúng số".

Sau niềm vui được cấp nước sạch, đường hẻm đất đá trước nhà bà Phượng cũng như nhiều nơi khác được đổ bê tông và xây cống ngầm thay cho những rãnh thoát nước dơ bẩn lộ thiên. Mùi hôi thối, muỗi mòng giảm bớt.

Tuy nhiên, bước ngoặt đổi thay rõ rệt nhất chính là việc hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chính xác phải gọi rạch vì đây là dòng chảy tự nhiên, chứ không phải kênh đào, nhưng người dân đã quen gọi kênh).

Phải khẳng định rằng dự án này là một công cuộc hồi sinh môi trường thành phố thật sự vì là trục tiêu thoát nước của nhiều quận, tác động trực tiếp đến gần 11.500 hộ dân với gần 70.000 con người và gián tiếp tới hơn cả triệu đồng bào thành phố.

Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào công tác thành phố, đi thực địa kênh Nhiêu Lộc, rất thấu cảm cảnh khổ của đồng bào trên dòng nước hôi thối và ông đã phê duyệt dự án cải tạo.

Sau đó, Thủ tướng Đức Helmut Kohl sang thăm TP.HCM năm 1995, cũng từng góp ý thẳng thắn phải cải tạo dòng kênh này mới có thể nâng cao được đời sống người dân thành phố.

Ngược thời gian trở lại trước đó 10 năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Khải cũng đã có nhiều cuộc họp liên quan đến việc chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc và ổn định đời sống đồng bào. Quyết tâm đi đến hành động.

Vài trăm mét bờ kênh gần cầu Nguyễn Văn Trỗi được giải tỏa, nhưng rồi chương trình lại bị đình trệ vì những khó khăn bộn bề của nửa cuối thập niên 1980...

Hình ảnh chung của đa số kênh rạch TP.HCM những năm thập niên 1990 sang thập niên 2000 là nhà "cao cẳng" chen lấn đôi bờ, đoạn nào trống thì cỏ cây dại mọc hoang tàn, còn lòng sông là một màu đen kịt của bùn đất, của nước ô nhiễm và ngàn thứ rác thải con người xả xuống.

Hệ sinh thái ngày nào cho tôm cá sinh sống đã được thay bằng... chất độc. Và người ta đứng xa bờ hàng chục mét cũng ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Lê Văn Lắm, 83 tuổi, kỹ sư Bộ Công Chánh, chính quyền Sài Gòn cũ, nói: "May là thành phố có các sông lớn Sài Gòn, Nhà Bè và gần biển nên dung hòa được phần nào ô nhiễm.

Nếu không, môi trường sống của dân cư thành phố sẽ phải chịu tác động nặng nề hơn nhiều. Nhưng rồi sức dung hòa của các dòng sông dù lớn thế nào cũng sẽ đến lúc tới hạn".

---------

Sau Nhiêu Lộc, một số kênh rạch ở TP.HCM tiếp tục được cải tạo nhưng cũng đối diện nhiều thử thách và chậm trễ.

Kỳ tới: Xanh hóa kênh rạch và những thử thách

Thành phố hướng sông - Kỳ 3: Thành phố bị ngập và ô nhiễm dần vì chiến sự Thành phố hướng sông - Kỳ 3: Thành phố bị ngập và ô nhiễm dần vì chiến sự

TTO - "Tôi vào Sài Gòn từ năm 1955. Ngoài dạy học, tôi cũng hay đi khảo cứu địa chí khắp nơi. Người dân thành phố thuở đó chưa bị khổ sở vì ngập lụt, ô nhiễm nhiều như hiện nay", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhớ lại.

QUỐC VIỆT - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên