07/03/2024 12:17 GMT+7

Thành phố dễ thương - Kỳ 6: Chung cư tối lửa tắt đèn có nhau

Thành phố ngày càng nhiều chung cư. Những ông bà hàng xóm ồn ào, tọc mạch, xấu tính được xây dựng trong bộ phim đang nổi như cồn khiến nhiều người sợ cảnh sống trong chung cư bình dân. Còn chung cư mới?

Bà con ở chung cư vui vẻ tham gia văn nghệ - Ảnh PHẠM VŨ

Bà con ở chung cư vui vẻ tham gia văn nghệ - Ảnh PHẠM VŨ

Những tòa nhà cao ngất mang đến cảm giác ngột ngạt, người ra người vào nườm nượp; dưới sảnh, ngoài sân, hành lang lại sâu hút vắng tanh, lạnh lùng, xa lạ.

Nhưng bạn hãy thử sống ở đó mà xem.

Tin nhắn lúc nửa đêm

2 giờ sáng, trằn trọc chưa ngủ sau dư âm buổi tiệc đầu năm, Long chợt thấy màn hình điện thoại sáng đèn. Liếc qua, một tin nhắn trên nhóm cư dân khu chung cư. "Nửa đêm mà ai còn nhắn tin nhóm nữa chứ" - Long thoáng ngạc nhiên, bực bội nhưng rồi cũng chạm vào xem. "Có ai còn thức không, sang nhà số... giúp. Mẹ mình đau tim, khó thở cần cấp cứu, mà mình thì vừa rời nhà về quê". Giật mình đọc lại một lần nữa, Long bật dậy. "Có, tôi còn thức. Tôi sẽ sang ngay...".

Tám tầng thang máy đi xuống, một đoạn hành lang dài để qua khu bên cạnh, rồi lại tám tầng thang máy đi lên, vài phút mà Long thấy sao dài quá. Nhà đây rồi, hai chậu cúc tươi vàng đón Tết, một anh bảo vệ đã đứng trước cửa. "Anh có phải người nhà không? Người nhà nhắn nên tôi đã gọi cấp cứu". "Không, tôi là người trong chung cư, tôi thấy tin nhắn trên nhóm nên sang xem có gì cần giúp".

Trong nhà, bà cụ nửa nằm nửa ngồi trên giường, thở dốc bằng miệng từng cơn, ông cụ tần ngần ngồi bên cạnh nắm tay vợ, nói không nên lời. Long nhớ lại những kiến thức sơ cấp cứu anh đã được huấn luyện, lập tức thực hiện xoa bóp tim, ấn huyệt trên lưng, miệng an ủi: "Cô cố lên, xe cấp cứu sắp tới rồi...".

Anh bảo vệ chuyển điện thoại của người nhà bà cụ, đầu dây bên kia khẩn thiết: "Anh giúp đưa mẹ tôi vào viện cấp cứu, tôi đang về và sẽ đến thẳng bệnh viện". Long trấn an: "Chị cứ an tâm lái xe, bảo vệ đã gọi cấp cứu, tôi sẽ đưa đi. Nếu chị chưa đến bệnh viện kịp, tôi sẽ thay mặt làm thủ tục, nộp viện phí. Yên tâm...".

Xe cấp cứu báo sắp đến nơi, Long dìu bà cụ ra thang máy. Bà đã gần như lả đi. Long nhớ đến mẹ của mình đã ra đi sau cơn bệnh trọng cách nay hơn 10 năm. Từ một người xa lạ, phút chốc Long bỗng trở thành người nương tựa của bà cụ, thành người trông đợi, cậy nhờ của con bà chắc cũng đang hoảng loạn ngoài kia.

Long thấy mình mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Đưa bà lên xe, gọi thêm cuộc điện thoại để người nhà trao đổi trực tiếp với nhân viên cấp cứu, gọi đến bệnh viện báo để ê kíp trực sẵn sàng chờ, lấy xe mô tô chạy dẫn đường... 10 phút, bệnh nhân đã được cấp cứu kịp trong giờ vàng, thoát khỏi ca "chết đuối trên cạn" vì phù phổi cấp do biến chứng suy tim, rung nhĩ kịch phát gây ra.

Thương lắm chung cư

Đêm ấy là đêm mùng 3 Tết Giáp Thìn vừa qua. Bà cụ được cứu sống đêm ấy là mẹ tôi. Và Long là anh hàng xóm chưa biết mặt đã hồi đáp tin nhắn cầu cứu của tôi trên nhóm cư dân bằng một loạt nghĩa cử chuyên nghiệp như thế.

Bệnh tim của mẹ đã hơn một lần đẩy chúng tôi vào thế trở tay không kịp. Cả gia đình chúng tôi vừa cùng ăn bữa cơm tân niên mùng 1, mùng 2, vừa mới vui vẻ rời nhà để sang các gia đình thông gia, chuyến du xuân dự định còn chưa kịp đi, mâm cơm cúng đưa ông bà ngày mùng 4 còn chưa kịp soạn sửa. Nhận cuộc điện thoại hổn hển nửa đêm của mẹ, tôi ngơ ra.

Chúng tôi vừa mới về đến quê, cách thành phố mấy mươi cây số cùng với mấy cây cầu và một chuyến phà, và các anh chị em của tôi cũng thế, đều đang ở khoảng cách xa hơn nhiều so với mấy phút mà cơn đau tim kịch phát cho phép.

Phút run rẩy, bàng hoàng ấy, biết gọi cho ai đây? Anh hàng xóm sát bên nhà chạy Grab thường đưa mẹ đi khám bệnh những khi chúng tôi bận thì đã đưa vợ con về Bắc ăn Tết cả tuần nay. Cô bạn khu bên cạnh của tôi cũng đã về quê ngoại. Nhưng chung cư vẫn luôn có người trực. Tôi nhấn số hotline gọi bảo vệ, gửi một tin nhắn lên nhóm của cư dân. Chỉ làm được vậy thôi, và trên đường quay trở về, tôi chứng kiến mọi việc qua kết nối với camera đặt trong nhà, tham gia qua những cuộc điện thoại...

Mẹ tôi đã được giúp đỡ kịp thời, tận tình như vẫn có đầy đủ con cái bên cạnh, có lẽ còn hơn nữa vì đó là sự hỗ trợ của những người chuyên nghiệp. Phải đến hơn một tuần sau, khi bà xuất viện về nhà, chúng tôi mới có dịp được cảm ơn chú bảo vệ, cô trưởng ban quản lý chung cư, và Long - anh bạn hàng xóm chưa kịp biết mặt... "Ai cũng sẽ làm vậy thôi, cần gì cứ gọi cho tôi nhé", mọi người đáp lời.

Mọi người đến thăm mẹ tôi và trò chuyện về khu dân cư một cách thật thân quen, dù cũng như tôi, nhiều người mới lần đầu gặp mặt nhau. Theo dõi những cuộc trò chuyện, thi thoảng tham gia đôi câu, tôi chợt nhận ra những khu dân cư - chung cư ngày một dày đặc, đông đúc ở thành phố mình dễ thương, gần gũi lạ. Ai bảo rằng chỉ ở làng quê mới thấm đượm tình làng nghĩa xóm? Trong các khu dân cư - chung cư hiện đại, đúng là có khi xóm giềng chạm mặt không biết mặt biết tên, và tình nghĩa đã được xây dựng trên một cái nền rất khác với những câu chuyện xóm giềng anh Ba chị Bảy cô Tám như mặc định xưa nay...

Những tin nhắn ấm lòng giữa đêm khuya - Ảnh PHẠM VŨ

Những tin nhắn ấm lòng giữa đêm khuya - Ảnh PHẠM VŨ

Nghĩa tình hội nhóm

Chắc chắn rồi, không phải những câu chuyện lê la, to nhỏ nơi hành lang, cầu thang mà với chiếc điện thoại thông minh trên tay mỗi người, các mối quan hệ trong một chung cư vài trăm đến hàng ngàn hộ dân sẽ được kết nối qua các hội nhóm trên mạng. Chung cư nào cũng có nhóm chính thức, trên ấy, ban quản lý đưa lên những thông tin cần biết trong quá trình vận hành, các thành viên nêu ý kiến, góp ý của mình trong sinh hoạt. Ai đúng được khen, ai sai được góp ý, ai cần sẽ được giúp đỡ... Đời sống chung cư ngày một văn minh, ấm áp hơn chính nhờ những cộng đồng mạng nhỏ mà không nhỏ này, tiêu biểu là câu chuyện thắt tim đêm mùng 3 Tết của gia đình tôi.

Rộn ràng hơn nữa là các hội nhóm phi chính thức. Như chung cư của tôi, ngoài cộng đồng chính thì còn rất nhiều nhóm phụ: nhóm mua bán nội bộ, nhóm chợ online mở rộng ra các khu vực lân cận, nhóm thanh lý đồ dư - cũ, nhóm cho - tặng; rồi lại thêm các câu lạc bộ bóng đá, võ thuật, nhiếp ảnh, phượt, khiêu vũ, yoga, dưỡng sinh... Là một tập hợp của các gia đình trẻ đến từ khắp các vùng miền, cầm chiếc điện thoại lên là tôi như lạc vào chợ đặc sản sum suê mùa nào thức nấy, khỏi cần suy nghĩ mình sắp mua gì. Những nhà mới dọn đến có thể mua được đồ thanh lý vừa tốt vừa rẻ, những em sinh viên thuê phòng trọ thiếu đồ gia dụng gì đó cứ lên hỏi là được tặng, được cho. Thỉnh thoảng lại một đợt quyên góp sách vở, đồ chơi, quần áo lạnh, chăn mền để một cư dân nào đó đại diện mang đến tặng những vùng cao, vùng xa còn khó khăn. Thỉnh thoảng, vài gia đình rủ nhau cùng dã ngoại...

Chăm sóc cư dân chung cư đợt cách ly phòng dịch năm 2021  - Ảnh CC

Chăm sóc cư dân chung cư đợt cách ly phòng dịch năm 2021 - Ảnh CC

Xóm giềng có nhau lúc "tối lửa tắt đèn", ấm áp lắm là những ngày mùa dịch. Chung cư góp tiền mua sắm các thiết bị phòng dịch trang bị cho đội ngũ quản trị, bảo vệ, các bình oxy phòng trường hợp cấp cứu cư dân, lập đội tình nguyện phản ứng nhanh. Nhiều người ra ngoài làm tình nguyện viên đủ các công việc và thỉnh thoảng lại thấy trên nhóm gọi: "6 giờ sáng nay sẽ có xe rau trước cổng A, nhà nào cần thì xuống mua nhé, nhớ xếp hàng trật tự". Có người phải cách ly, sẽ có ngay hàng xóm tiếp tế những gì cần thiết. Mùa dịch qua rồi, những thắm thiết thì vẫn ở lại, vẫn nảy nở...

Đi dọc đi ngang các thành phố, các đô thị, dễ thấy nhất là các khu chung cư với những tòa nhà cao ngất đang mọc lên ngày một nhiều. Nhìn qua thì ngột ngạt, nhìn vào thì xa cách, nhưng thử vào sống và tham gia những hội nhóm cộng đồng trên mạng nội bộ mà xem, bạn sẽ ấm áp và cảm được nhiều điều dễ thương lắm đó...

---------

Cưu mang các mẹ bầu đơn thân, mái ấm chăm sóc cả mẹ và bé suốt thời gian hậu sản, đồng thời giúp các mẹ đi học nghề để nuôi con.

Kỳ tới: Cô gái và mái ấm cưu mang mẹ bầu đơn thân

Thành phố dễ thương - Kỳ 5: Nhẹ nhàng cho đi, chẳng nghĩ ngày nhận lạiThành phố dễ thương - Kỳ 5: Nhẹ nhàng cho đi, chẳng nghĩ ngày nhận lại

15 năm làm thiện nguyện, hai lần lập nhóm từ thiện, nhưng đến giờ An Trần vẫn kiên định với những quyết định và con đường sẻ chia yêu thương mà mình đã chọn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên