
Hình ảnh của team Quang Ling Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau củ Kera trên livestream
Chỉ cần nộp hồ sơ là xong
Hiện nay quy định về cấp phép các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung... thay vì tiền kiểm - tức các sản phẩm phải được cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra thị trường - thì chỉ cần đăng ký bản công bố, tự công bố.
Đây là quy định theo nghị định số 15/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 2-2-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Nghị định này quản lý thực phẩm theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, trình tự thủ tục, thông thoáng cơ chế tiền kiểm.
Theo đó, sản phẩm đăng ký bản công bố đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt…; tự công bố đối với thực phẩm bổ sung và các thực phẩm thông thường.
Địa phương giải quyết tiếp nhận hồ sơ công bố hầu hết các sản phẩm thực phẩm và tăng cường công tác hậu kiểm.
Như vậy, theo nghị định 15, với các sản phẩm thực phẩm thông thường (không phải nhóm bắt buộc kiểm tra chuyên ngành), doanh nghiệp được phép tự công bố mà không cần gửi hồ sơ thẩm định cho cơ quan quản lý.
Trường hợp kẹo rau củ Kera nằm trong nhóm thực phẩm bổ sung, không phải nhóm bắt buộc kiểm tra chuyên ngành, vì vậy chỉ cần chuẩn bị hồ sơ lên hệ thống hành chính công để xác nhận. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.
Trước đó, ngày 19-3, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm kẹo rau củ Kera do Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt phân phối trên thị trường.
Kết quả, các chỉ tiêu về hàm lượng đạm, đường, chất béo, năng lượng tổng cơ bản phù hợp với bản tự công bố của sản phẩm, các chỉ tiêu an toàn về vi sinh vật, nấm, kim loại nặng... đều không phát hiện hoặc nằm trong giới hạn an toàn.
Tuy nhiên Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng đã phát hiện sản phẩm có chứa sorbitol - một chất tạo ngọt với hàm lượng 33,4g/100g, nhưng không có ghi trên nhãn sản phẩm theo quy định.
Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt số tiền 125 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn không đúng theo quy định (do kết quả kiểm nghiệm trong sản phẩm có chứa sorbitol nhưng không thể hiện trên nhãn sản phẩm theo quy định).
Đến ngày 4-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định 5 bị can, trong đó có Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs, có dấu hiệu tội phạm sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng, theo quy định tại điều 193 và điều 198 Bộ luật Hình sự.
Vụ việc kẹo rau củ Kera cũng khiến dư luận bức xúc bởi "vàng thau lẫn lộn", và người tiêu dùng là người chịu thiệt.
Những sản phẩm liên quan đến sức khỏe nhưng họ lại không được cơ quan nào kiểm chứng chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.

Kẹo rau củ Kera bị quảng cáo thổi phồng công dụng
Sẽ siết chặt sản phẩm liên quan đến sức khỏe
Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm.
Bộ Y tế đánh giá nghị định 15 triển khai theo cơ chế tương đối thông thoáng, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thủ tục cũng chuyển dần từ đăng ký sản phẩm sang tự công bố sản phẩm.
Tuy nhiên vì thủ tục hồ sơ thông thoáng nên quy định của hậu kiểm chưa mang tính răn đe. Hơn nữa nghị định đang trao quyền công bố cho các nhà thương mại, nên có nguy cơ và dấu hiệu các doanh nghiệp đang cạnh tranh về chất lượng giả để giảm giá thành.
Theo thống kê trong 4 năm (từ năm 2021 - 2024), có tới 55.000 sản phẩm được cấp đưa ra thị trường. Trong 4 năm này, có gần 30.000 sản phẩm bảo vệ sức khỏe được đăng ký bản công bố thì có tới 25.000 thương nhân đứng tên đăng ký.
Qua quá trình thanh kiểm tra, cơ quan chức năng không tìm thấy chủ sản phẩm vì đứng tên đều là nhà thương mại. Công tác quản lý, thanh kiểm tra hậu kiểm còn gặp nhiều khó khăn.
Theo dự thảo sẽ quy định người đứng tên giấy đăng ký công bố phải là nhà sản xuất và chủ sở hữu sản phẩm chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình, công thức sản xuất, kiểm soát chất lượng trong nhà máy đó.
Và chỉ đơn vị này mới được đứng tên trong phiếu công bố. Nhà thương mại muốn đứng tên phải có giấy ủy quyền và cùng với nhà sản xuất chịu trách nhiệm về công bố, chất lượng sản phẩm. Nếu vi phạm sẽ có chế tài xử phạt mạnh.
Đồng thời sẽ tăng cường hậu kiểm: kiểm soát chặt chẽ tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm; bổ sung mục thuyết minh công thức sản phẩm để kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng; yêu cầu công bố lại khi thay đổi các yếu tố quan trọng của sản phẩm; tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm sau công bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận