Tình nguyện viên đi chợ giùm người dân ở tỉnh Bến Tre - Ảnh: M. T.
Bến Tre là địa phương chịu "ảnh hưởng kép" trong năm 2020 khi vừa trải qua các đợt dịch COVID-19, vừa chống chọi với tình trạng xâm nhập mặn. Bước qua năm 2021, sản xuất nông nghiệp bước vào vụ thu hoạch thì dịch COVID-19 bùng phát, nông sản tắc đầu ra.
Livestream bán nông sản
Ông Nguyễn Văn Bảy, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho biết gia đình ông dốc toàn bộ vốn liếng đầu tư hơn 1ha nhãn trên cồn Tam Hiệp. "Mấy năm trước thất mùa do nước mặn, năm nay trúng vụ lại không có đầu ra. Trước mắt, khoảng 15 tấn nhãn chưa biết bán cho ai. Gọi cho thương lái họ cũng không mua vì không có đầu ra", ông Bảy chia sẻ.
Tại buổi làm việc giữa các sở ngành ngay những ngày đầu Bến Tre thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ, giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Bé Sáu thông tin nhãn xuồng cơm vàng là mặt hàng đang có sản lượng nhiều nhất, với khoảng 2.000 tấn cần tiêu thụ. Tiếp đến là những mặt hàng nông sản khác như rau củ, dưa hấu, sầu riêng, tôm...
Trước những khó khăn đặt ra nhằm vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa giúp nông dân tiêu thụ được nông sản, Tỉnh đoàn Bến Tre đã nhanh chóng vào cuộc giúp đỡ người dân.
Anh Hà Quốc Cường - bí thư tỉnh đoàn - nói: "Một trong những kênh bán hàng của tỉnh đoàn mang lại hiệu quả cao trong ngày đầu thực hiện là bán hàng qua livestream, giúp người dân bán được khoảng 4 tấn nhãn".
Để sát với nhu cầu thực tế, trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2021, Tỉnh đoàn Bến Tre đã chuyển hướng từ thực hiện chủ đề "Bến Tre xanh" sang chiến dịch "Áo xanh xứ dừa tình nguyện mùa COVID-19" với nhiều hoạt động thiết thực như đi chợ giúp dân, tiêu thụ nông sản, chợ 0 đồng...
Theo anh Cường, chương trình "Kết nối tiêu thụ nông sản Bến Tre trong mùa COVID" do tỉnh đoàn và Hội nông dân tỉnh phối hợp tổ chức chỉ trong ngày đầu livestream (25-7) trên mạng xã hội Facebook thông qua fanpage tỉnh đoàn đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng, với hơn 600 người xem, gần 3.000 lượt chia sẻ, bình luận đặt hàng trực tiếp.
Cùng với các kênh liên hệ từ số điện thoại, Zalo và tin nhắn của fanpage "Tuổi trẻ Bến Tre", sau gần 90 phút livestream, đã có gần 600 đơn đặt hàng với gần 3 tấn nhãn xuồng được bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhãn xuồng được bán với giá 17.000 đồng/kg trong tỉnh và 22.000 đồng/kg ngoài tỉnh. Đơn giá này đã bao gồm chi phí vận chuyển tận nơi cho khách.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục được thực hiện lúc 18h30 thứ năm và chủ nhật hằng tuần, giúp người dân bán được hàng ngàn đơn hàng.
Đi chợ giúp dân
Việc tiêu thụ nông sản giúp người dân vừa ổn thì tình huống mới lại nảy sinh. Nếu buộc người dân ở trong nhà thì việc đi chợ sẽ như thế nào?
Từ những trăn trở đó, tỉnh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị lực lượng, thành lập mô hình "Shipper xanh" giúp dân đi chợ nhằm kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu cho dân suốt thời gian cách ly và giãn cách xã hội. Mô hình đến nay vẫn hoạt động tốt và ngày càng mở rộng ra các huyện.
Đến nay toàn tỉnh có 16 đội phản ứng nhanh tham gia phòng chống dịch COVID-19, trong đó có 1 đội hình cấp tỉnh và 15 đội hình của các Đoàn trực thuộc với 1.546 cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ khai báo y tế tại 353 chốt kiểm soát dịch COVID-19. Có 263 tổ phản ứng nhanh cấp xã, phường, thị trấn với 1.403 thành viên.
Riêng mô hình "Shipper xanh" đã thành lập được 9/9 đội hình cấp huyện, với khoảng 157 đội hình "Shipper xanh" cấp xã đang được triển khai nhân rộng tới các chi đoàn ấp, khu phố. Mỗi đội hình trung bình 4-7 thành viên.
Mỗi ngày, các "Shipper xanh" sẽ nhận điện thoại của người dân trên địa bàn, đến các điểm Bách hóa xanh, Big C, Coop.mart hay chợ truyền thống giúp dân mua những mặt hàng như: trứng, gạo, mì gói, rau củ quả, đường, dầu ăn...
Trung bình mỗi ngày đội tiếp nhận và thực hiện 5-10 chuyến hàng cho người dân trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Từ khi thành lập đến nay, "Shipper xanh" đã hoàn thành hơn 2.136 đơn hàng giúp cho bà con.
Bên cạnh đó, lực lượng này còn hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, các phần quà từ nhà tài trợ đến nơi tập kết, đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận chuyển thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch và hỗ trợ đưa người đi cấp cứu đối với các trường hợp khẩn cấp, gửi các suất cơm đến các lực lượng chống dịch tại các chốt kiểm soát.
Anh Lê Anh Giàu, bí thư Thành đoàn TP Bến Tre, cho biết hình thức hoạt động như mô hình "Shipper xanh" nhưng Thành đoàn TP Bến Tre lấy tên khác là "Áo xanh đi chợ". Mô hình này bắt đầu hoạt động từ ngày 17-7 đến nay với số lượng tỉnh nguyện viên lên đến trên 400 người.
"Hằng ngày, đội tình nguyện này đến các điểm phong tỏa, thông qua các trang mạng xã hội để nhận đơn của người dân rồi đi chợ giúp. Ước tính mỗi ngày chúng tôi mua giúp cho người dân khoảng 300 đơn hàng", anh Lê Anh Giàu cho hay.
Hiện nay, các bạn trẻ xứ dừa vẫn hằng ngày len lỏi đến từng ngõ hẻm, từng vùng quê để chia sẻ những khó khăn với bà con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận