Chiều 12-1, ông Văn Đình Tri, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết sở vừa đề nghị các huyện, thị xã, TP triển khai cho các xã, phường thông tin cho nam thanh niên trong toàn tỉnh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở Nhật về chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật tại Nhật.
Các quyền lợi với người được tuyển thực tập kỹ thuật lao động ở Nhật Bản
Theo ông Tri, chương trình tuyển thực tập sinh Việt Nam đào tạo thực tập kỹ thuật kể trên là do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (Tổ chức IM Japan) phối hợp thực hiện.
Chương trình sẽ đào tạo thực tập sinh Việt Nam theo hai ngành là sản xuất chế tạo và xây dựng. Số lượng tuyển chọn không giới hạn, tuyển trong phạm vi toàn quốc, thời hạn thực tập từ 3-5 năm.
Khi được tuyển chọn đi thực tập xuất khẩu lao động ở Nhật, theo thông báo của Trung tâm Lao động nước ngoài thuộc Bộ LĐ-TB&XH, người lao động sẽ được hưởng mức lương theo hợp đồng trong ngành sản xuất chế tạo là từ 140.000 - 170.000 yen mỗi tháng (tương đương khoảng 24 - 30 triệu đồng/tháng).
Còn mức lương trong ngành xây dựng mỗi tháng từ 150.000 - 200.000 yen (tương đương 26 - 35 triệu đồng/tháng). Các mức lương đã nêu là chưa khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm, tiền thuê nhà và chưa bao gồm tiền làm thêm giờ và các phúc lợi khác.
Ngoài ra, khi được tuyển chọn, người đi lao động ở Nhật đã xuất cảnh tham gia chương trình thực tập còn được hỗ trợ tiền vé máy bay. Tổ chức IM Japan sẽ trả lại tiền học phí, tiền ký túc xá trong thời gian tham gia khóa đào tạo chính thức 4 tháng (tại Hà Nội) cho người lao động đã xuất cảnh sang Nhật, khoảng từ 28 - 38 triệu đồng/người.
Số tiền đó sẽ được chuyển cho Trung tâm Lao động nước ngoài để chuyển vào tài khoản của người lao động tại Việt Nam. Nhưng nếu người lao động dừng tham gia chương trình thực tập giữa chừng thì sẽ không nhận được khoản tiền hỗ trợ (khoảng 28 - 38 triệu đồng) đã nêu.
Còn sau khi hoàn thành chương trình thực tập, người lao động về nước đúng hạn sẽ được Tổ chức IM Janpan hỗ trợ từ 600.000 yen hoặc 1 triệu yen (tương đương 100 triệu và 170 triệu đồng) cho mỗi lao động đã hoàn thành 3 năm hoặc 5 năm thực tập lao động ở Nhật để khởi nghiệp.
Mỗi người lao động còn sẽ nhận được khoản tiền bảo hiểm hưu trí khoảng 70 triệu đồng (sau 3 năm thực tập tại Nhật) và sẽ được hỗ trợ tìm việc làm sau khi về nước.
Tiêu chuẩn tuyển chọn thực tập sinh lao động ở Nhật và phòng ngừa lừa đảo
Chương trình trên chỉ tuyển lao động là nam giới ở độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi (sinh từ năm 1994 - 2006), phải tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có chiều cao từ 1,58m trở lên.
Ngoài các tiêu chuẩn về sức khỏe, người tham gia tuyển chọn thực tập sinh lao động ở Nhật Bản theo chương trình đã nêu còn phải đảm bảo tiêu chuẩn không xăm mình (kể cả hình xăm đã xóa), không có tiền án; chưa từng cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Theo ông Tri, các tiêu chuẩn để tuyển chọn thực tập sinh lao động ở Nhật đó là đều theo quy định, yêu cầu của Tổ chức IM Japan và người lao động được tuyển chọn phải đạt 3 vòng kiểm tra.
Trong đó, vòng 1 là làm bài thi môn toán (gồm 20 câu hỏi, tổng điểm 100). Điểm đạt của ngành sản xuất chế tạo là từ 60 điểm trở lên, còn ngành xây dựng từ 40 điểm trở lên (Văn phòng Tổ chức IM Japan tại Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý đề thi, bài thi).
Vòng 2 sẽ kiểm tra thân thể, thị lực, sắc giác và thi thể lực (tiêu chuẩn yêu cầu phải chống đẩy 35 lần, gập cơ bụng 25 lần và chạy 3.000m trong thời gian 18 phút). Vòng 3 sẽ phỏng vấn, đánh giá nguyện vọng cá nhân, kinh nghiệm, tác phong người dự tuyển.
Ứng viên ngành sản xuất chế tạo trượt vòng thi toán nếu đủ điểm và điều kiện dự tuyển ngành xây dựng thì có thể đăng ký dự thi các vòng còn lại theo ngành xây dựng. Người bị trượt có thể đăng ký dự tuyển vào các đợt sau. Trong quý 1-2024 chương trình sẽ tổ chức tuyển mỗi tháng một đợt.
Để phòng ngừa các trường hợp lừa đảo, thu tiền ngoài quy định, các cơ quan tổ chức tuyển chọn thực tập sinh chương trình nêu trên đề nghị người lao động tuyệt đối không nhờ người khác nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, không nộp hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.
Đồng thời, không tham gia các lớp ôn tập, tạo nguồn, không ký kết các hợp đồng tư vấn về chương trình có thu phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận