25/11/2016 11:51 GMT+7

Thanh niên về quê trồng tỏi mơ làm tỉ phú

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Vạn Hưng bây giờ được xem là vùng đất mới của tỏi Khánh Hòa. Ở đây nhà nhà, người người trồng tỏi. Chính cây tỏi đã kéo thanh niên đi làm ăn xa trở về quê lập nghiệp.

*** Error ***
Người dân Ninh Hòa trồng tỏi rất kỳ công trên những thửa ruộng bậc thang - Ảnh: T.M.

Để có được ngày hôm nay, những ở Khánh Hòa đã trải qua một thời gian dài theo học cách canh tác tỏi.

Học ngày, cày đêm

Ba Năng, Hai Khỏe, Út Đáng... (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là những người dân bản địa trồng tỏi thành công sau gần 20 năm đổ mồ hôi xuống từng thửa đất hoang để học nghề trồng tỏi.

Câu chuyện bắt đầu từ lúc ông Võ Ái Nhân, một người ở đảo Lý Sơn, đi tìm miền đất mới cho cây tỏi. Trong một lần tình cờ về Ninh Phước, ông Nhân phát hiện đây là vùng đất mà những người Lý Sơn như ông tìm kiếm bấy lâu nay.

Vùng đất cát hoang dại đầy hơi mặn của biển này đã được ông Nhân khuất phục. Sau thành công của ông Nhân, nhiều người Lý Sơn khác đã vượt biển mang giống tỏi đến Ninh Phước khai khẩn vùng đất này.

Trong căn nhà lớn mới xây của mình, ông Ba Năng kể thấy ông Nhân dọn đất rồi gánh cát từ biển phủ lên trên, sau đó thấy trồng cây gì cũng lên lấy làm lạ lắm. Trong đầu cứ hỏi tại sao họ làm được trong khi bao nhiêu thế hệ sống ở đây chẳng ai phủ xanh được đất này.

Năm 1996 thời ấy, mỗi hecta đất trồng tỏi mang lại cho người Lý Sơn hơn 30 triệu đồng. Thế là Ba Năng bỏ ghe, bỏ biển đi học trồng tỏi. Ông là người Khánh Hòa đầu tiên trồng tỏi. Kế đến là Hai Khỏe.

“Giờ quen rồi chứ hồi đó thấy lạ lắm. Đất cằn cỗi vậy mà chỉ cần phả lớp cát san hô lên là trồng cây gì cũng xanh mướt, phải nhờ ông chủ ruộng tỏi người Lý Sơn nói mới biết.

Cái lớp đất cằn ấy đủ cứng để giữ ẩm ở bên dưới, còn lớp cát biển rỗng ở trên để cây trồng dễ bám vào, gặp mưa nước cũng thoát nhanh không bị úng. Nhờ đó mà cây tỏi, cây hành phát triển được và cho củ sung lắm” - ông Hai Khỏe kể lại những ngày đầu chập chững theo nghề trồng tỏi của mình.

Thấy Ba Năng, Hai Khỏe làm ăn ngon lành, những cánh đồng hoang bao thế hệ chả ai thèm đụng đến liền trở thành “đại công trường” khi có hàng trăm con người quần lại khai phá.

Với ông Út Đáng, mọi chuyện cứ như một giấc mơ có thật: “Nói thiệt là chả ai dám nghĩ một ngày cái gò ấy cho ra tiền chứ đừng nói là một đống tiền như bây giờ. Học được cái nghề trồng tỏi từ mấy ông bạn Lý Sơn còn quý hơn vàng”.

Ông Út Đáng nói không sai, vì sau khi đặt chân vào Ninh Phước, với bao nhiêu kinh nghiệm trồng tỏi truyền thống của mình, người Lý Sơn đã dạy hết cho người bản địa, từ làm đất, cách trồng, tưới nước, phun phân, chăm sóc...

Thu phục đất nhiễm mặn

Xã Vạn Hưng là xã có diện tích trồng tỏi lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với hơn 245ha. Vạn Hưng đất đai bạt ngàn, một thời mưa ngập úng, nắng nhiễm mặn ngày nào giờ đã được khuất phục.

Đó là nhờ gần 10 năm trước, người Ninh Phước đến đây để mở rộng “vương quốc tỏi” của họ. Ở đây có một thủ lĩnh người Lý Sơn hướng dẫn người bản địa trồng tỏi là ông Tám Dân.

Ông Tám Dân kể rằng khi đến Vạn Hưng ông chả hiểu vì sao đất lại để cho cỏ mọc. Và khi biết lý do thua cuộc là nước mặn nhiễm vào đất, ông Tám Dân đã giải quyết nhanh gọn khiến người dân địa phương nhanh chóng học hỏi cách làm này của ông.

Ông kể: “Tôi mua đất sét về phủ lên trên cho cao, giữa những ruộng tỏi làm con mương nhỏ, nước mặn sẽ chảy theo đó mà không nhiễm vào đất. Ở đây thay vì làm bờ ruộng như Ninh Phước thì mình làm mương. Rất đơn giản”.

Rồi ông Tám Dân giải thích thêm rằng lớp đất sét đầm chặt cộng với hàng nghìn con mương ngang dọc thì đố mà nước mặn vào được, còn trồng tỏi chỉ cần ra biển đưa cát san hô vào là xong. Nước ngọt mình tưới xuống được giữ lại ở lớp đất sét, nó sẽ giúp cây tỏi đủ mát để phát triển và ngăn mặn hiệu quả.

Vạn Hưng bây giờ được xem là vùng đất mới của tỏi Khánh Hòa. Ở đây nhà nhà, người người trồng tỏi. Chính cây tỏi đã kéo thanh niên đi làm ăn xa trở về quê lập nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Nhựt (54 tuổi, xã Vạn Hưng), sáu năm qua liên tục nhận được danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: “Tôi có được ngày hôm nay cũng nhờ học cách canh tác mà người Lý Sơn hướng dẫn.

Từ cách canh tác này, tôi mở rộng mô hình trang trại tỏi xen canh các loại hoa màu khác trồng khép kín để cho năng suất cao. Bản thân tôi suy nghĩ, mình phải góp phần thêm vào từ cái học được của người ta thì mình mới giỏi được”.

Dù không nhiều tỉ phú như ở các vùng khác tại Khánh Hòa, nhưng ở Vạn Hưng hiện nay, con đường trồng tỏi từ học việc đến làm giàu đang rộng mở ra với người dân.

Bà Lê Thị Hoa, phó chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng, nói rằng cây tỏi như “cuộc cách mạng xanh” đối với vùng đất này.

Bà Hoa nói: “Chưa có cây nào cho kinh tế bền vững như cây tỏi. Tôi từ miền Bắc vào đây mấy chục năm nay, đã thử trồng đủ loại cây rồi mà cũng không khá khẩm gì. Chỉ từ khi cây tỏi xuất hiện, mảnh đất nơi đây mới chịu nghe lời người dân để biến thành tiền bạc”.

Dân Ninh Hòa, Khánh Hòa học nghề và trở thành dân trồng tỏi thứ thiệt đã hơn 20 năm. Nhưng cũng chừng ấy thời gian, củ tỏi mà Khánh Hòa trồng được phải mang tiếng oan và nỗi buồn dai dẳng.

Đoàn viên thanh niên chăm sóc tỏi tại Ninh Hòa - Ảnh: T.M.
Đoàn viên thanh niên chăm sóc tỏi tại Ninh Hòa - Ảnh: T.M.

Ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) có tổ hợp tác trồng tỏi của đoàn viên thanh niên xã. Những thanh niên làm ăn xa nhà lần lượt trở về quê tham gia tổ trồng tỏi thay vì bỏ xứ đi như trước.

Chàng bí thư Xã đoàn Vạn Hưng Nguyễn Quang Cường cho biết: “Ngày xưa, thanh niên lớn lên là đi Sài Gòn làm hết, có mấy ai ở nhà. Tôi trước kia cũng đi Sài Gòn, sau này thấy cây tỏi phát triển nên trở về quê vừa tham gia công tác Đoàn vừa làm tổ trưởng trồng tỏi cốt là để kêu gọi anh em tha hương về quê làm ăn”.

Quy hoạch... tỏi

Tỉnh Khánh Hòa hiện có diện tích trồng tỏi lớn nhất nước, tập trung ở hai địa phương là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tổng diện tích năm 2015 là 573ha.

Tỉnh này đang quy hoạch đến năm 2020 diện tích là 600ha. Trong 7 xã trồng tỏi gồm: Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Thọ, Ninh Sơn, Ninh An (thị xã Ninh Hòa) và Vạn Hưng, Vạn Thanh (huyện Vạn Ninh) thì xã Vạn Hưng có diện tích trồng tỏi lớn nhất với 290ha.

Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này đang xây dựng mô hình điểm, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 500 triệu đồng/ha trồng tỏi.

__________________________

Kỳ tới: Nỗi buồn thương hiệu

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên