Nhiều câu chuyện từ những người đi trước và những tấm gương trẻ tiêu biểu đã nói lên bài học thiết thực từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống, công tác chuyên môn.
Thầy Võ Phổ, nguyên Trưởng khoa Lý luận Chính trị Đại học bách khoa - ĐHQG TP.HCM chia sẻ câu chuyện khi tham gia du kích từ năm 13 tuổi, với 12 lần được trao tặng huy hiệu Dũng Sĩ Diệt Mỹ. Thầy đã được gặp Bác Hồ 4 lần trong dịp ra Bắc. Mỗi lần gặp, sự ân cần, hỏi han, chăm sóc của Bác đều chan chứa tình yêu thương và để lại nhiều bài học cho ông.
"Có lần tôi bị thương ở chân trái. Khi xe chở chúng tôi qua khỏi cổng sắt, nhìn thấy Bác Hồ và bác Tôn Đức Thắng đứng từ xa vẫy tay, các bạn khác chạy lại, còn tôi chỉ ngồi trong xe. Khi mọi người tập trung đầy đủ, Bác nhờ một cô trong Phủ Chủ tịch đặt ghế nhỏ trước mặt Bác và nói: ‘Cháu Phổ ngồi xa nhất, lại đây ngồi gần Bác. Giờ Bác cháu ta không còn cách xa nữa, cháu cũng ngồi gần bác như bao bạn khác".
Thầy Võ Phổ, nguyên Trưởng khoa Lý luận Chính trị Đại học bách khoa - ĐHQG TP.HCM, chia sẻ những kỷ niệm với Bác Hồ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đồng lòng, sáng tạo và tiên phong
Anh Hoàng Trung Hiếu, nghiên cứu viên tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM chia sẻ về công trình nghiên cứu do mình và các bạn thực hiện, về tính khả thi của việc sử dụng ứng dụng trong trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính để phân tích hình ảnh X-quang viêm phổi của bệnh nhân COVID-19, nhận ra dấu hiệu đặc trưng của bệnh, từ đó xây dựng các hệ thống hỗ trợ các bác sĩ điều trị bệnh và cung cấp thêm thông tin cho cộng đồng.
Theo Trung Hiếu, công trình nghiên cứu này đòi hỏi các nghiên cứu viên có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực, luôn phải tự nghiên cứu, tìm tòi. Đó là kết quả của sự đồng lòng, nỗ lực của cả tập thể cùng tương trợ nhau.
Anh Hoàng Trung Hiếu, nghiên cứu viên tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Mỗi người trẻ đều có một ‘mặt trận’ của riêng mình. Là một sinh viên, ‘mặt trận’ của tôi chính là việc học tập, nghiên cứu và trau dồi. Người trẻ trước tiên cần ý thức rằng thế hệ trẻ phải tiên phong trong việc ứng dụng những gì mình đã học để xây dựng thành phố. Một khi đã xác định được trọng tâm, cần tập trung cao độ, dùng tất cả đam mê và nhiệt huyết để vượt qua khó khăn, thử thách", Trung Hiếu nói.
Trong khi đó, nhiều năm nay, anh Lê Đức Anh, phó giám đốc Xưởng chế biến thực phẩm, Phó bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Cholimex là gương điển hình trong sáng tạo với nhiều hiến kế có ích cho đơn vị, giúp tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động của công nhân.
Động lực của anh Đức Anh xuất phát từ việc muốn giải quyết những khó khăn trong mỗi công đoạn sản xuất trong nhóm, tổ và sau đó ở mức cao hơn là xưởng. Theo Đức Anh, công nhân hầu hết là thế hệ trẻ, nhưng lại gặp nhiều vướng mắc trong khâu làm việc dẫn đến năng suất chưa cao.
Anh Lê Đức Anh, phó giám đốc Xưởng chế biến thực phẩm, Phó bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Cholimex - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Mỗi bạn trẻ cần có lý tưởng và mục đích sống, khi đã xác định được thì phải kiên trì theo đuổi. Công nhân lao động cần phát huy sức trẻ, mạnh dạn có tinh thần sáng tạo, đưa ý tưởng trong lao động để tăng năng suất, đừng sợ bị chê bai thất bại", anh Đức Anh chia sẻ.
Nói về câu chuyện tập hợp thanh niên vốn chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong thời đại 4.0 khi các bạn trẻ có quá nhiều sự lựa chọn, chị Nguyễn Thị Thu Diễm, Uỷ viên Ban chấp hành Quận đoàn 9, Bí thư Đoàn phường Long Phước (Quận 9) chia sẻ "bí quyết" của việc truyền lửa cho cán bộ Đoàn là tạo môi trường chia sẻ, tâm sự, đồng hành và hỗ trợ các bạn, đồng thời đi tiên phong trong mọi công tác.
"Hãy mạnh dạn giao việc để mỗi bạn được trải nghiệm nhiều hơn, tự trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng bởi ai cũng có ngọn lửa tuổi trẻ, có sự sáng tạo, năng động, xung kích tình nguyện", Thu Diễm nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Diễm, Uỷ viên Ban chấp hành Quận đoàn 9, Bí thư Đoàn phường Long Phước (Quận 9) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ý chí, khát vọng và niềm tin
Thầy Nguyễn Văn Cải, phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố năm 2010, chia sẻ với các thanh niên tiên tiến về nghị lực và sự bền bỉ trong nhiều năm vượt khó, theo đuổi ước mơ và còn giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Cải gọi sự nghèo khó thời niên thiếu của mình là "tài sản lớn nhất", bởi chính điều đó đã giúp thầy có nghị lực, bản lĩnh, niềm tin để vượt qua khó khăn.
Ngoài đam mê đọc sách ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, các thành viên trong gia đình là nguồn động lực to lớn khác giúp thầy vững bước trên hành trình đầy chông gai.
Thầy Nguyễn Văn Cải, phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố năm 2010 - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Tôi rất biết ơn người mẹ bị bệnh tâm thần lúc tỉnh táo hiếm hoi lặn ngụp ngoài ruộng bắt từng con ốc, hái từng cọng rau nuôi chị em tôi. Tinh thần đó của mẹ thôi thúc chúng tôi vượt qua khó khăn. Tôi học không chỉ cho mình mà cho cả người chị đã phải bỏ học để nuôi tôi đi học", thầy Cải nhớ lại.
"Khi đứng trên bục giảng tôi luôn nhớ hình ảnh mình ngày nhỏ chăn trâu, bán bánh, bán báo dạo để có tiền đi học, từ đó nhớ đến hình ảnh các học trò nghèo và nỗ lực kêu gọi cộng đồng dang tay chia sẻ với các em", thầy nói.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng biểu diễn ca khúc Thanh niên Việt Nam làm theo lời Bác tại buổi lễ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy - tặng băng khen cho các cá nhân được tuyên dương “Thanh niên tiến tiến TP.HCM làm theo lời Bác” lần V, Năm 2020 - Ảnh: DUYÊN PHAN
2 tập thể và 3 cá nhân nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy - phát biểu tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020 - Ảnh: DUYÊN PHAN
30 gương thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác năm 2020 tại lễ tuyên dương - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận