TTCT - Lễ tảo mộ trong tiết Thanh minh sẽ thay đổi thế nào khi người đã khuất ngày càng dễ dàng "tái sinh" dưới dạng AI, và các cụ đã qua đời có nhiều phiên bản "ảo" khác nhau tùy theo tình cảm của con cháu? Một blogger Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm dùng AI để "hồi sinh" bà ngoại đã mất. Câu chat trong ảnh: "Ừ, đợi ba con về rồi bà sẽ làm rõ chuyện đó với nó, cũng không cãi nữa, giờ lười cãi rồi". ẢNH: Bilibili.comNgành "công nghệ đau buồn" hiện được định giá hơn 100 tỉ bảng Anh trên toàn cầu, theo trang web tin tức công nghệ TechRound. Nhu cầu đặc biệt tăng cao ở một số quốc gia châu Á, nơi có truyền thống coi trọng thời điểm con người qua đời hơn là khi được sinh ra như ở phương Tây.Như vẫn còn đâyHereafterAI, chatbot ra mắt năm 2019 ở Mỹ, vẫn được nhắc như nhà tiên phong trong việc dùng AI giữ mãi hình bóng người đã khuất. Tất cả xuất phát từ nhu cầu cá nhân của người sáng lập, James Vlahos.Vlahos bắt đầu nghiên cứu AI từ 2016, và cũng năm đó, anh biết tin cha mình bị ung thư giai đoạn cuối. Anh quyết sử dụng tối đa thời gian còn lại bên cha - dành nhiều giờ mỗi ngày cần mẫn ghi âm những câu chuyện cuộc đời từ lời kể của ông. Ông cụ qua đời năm 2017, và Vlahos kịp hoàn tất Dadbot, mô hình AI giúp anh hằng ngày nói chuyện và tâm sự với cha như chưa hề có cuộc chia ly.Năm 2019, Vlahos lập HereafterAI, để ai cũng có thể làm điều tương tự cho những người thân yêu đã khuất của họ. Với Vlahos, mặc dù chatbot không thể xóa đi nỗi đau mất cha của ông, nó mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc về cha (và tất nhiên là cả rất nhiều tiền nữa).Ở Trung Quốc, năm 2023, một thanh niên đã tạo nên sự chú ý lớn khi tải lên mạng xã hội một video clip hồi sinh người bà của anh trong dịp lễ Thanh minh. Năm 2024, một thanh niên khác, trong khi chăm sóc người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối rất nặng, đã thuyết phục bà về việc sẽ tạo ra một phiên bản kỹ thuật số AI của bà sau khi bà qua đời. Dù không hiểu mấy về công nghệ, người mẹ đã đồng ý. Người con trai đã thu thập dữ liệu, quay phim và chụp ảnh mẹ mình càng nhiều càng tốt để có thể tạo ra một phiên bản số chân thực nhất về sau. Chỉ trong 20 ngày, với nhiều mô hình AI khác nhau và sự giúp đỡ của những người bạn trong ngành AI, anh đã tạo thành công phiên bản sơ bộ của "người mẹ kỹ thuật số". Dù mẹ cuối cùng cũng xuất hiện và mỉm cười với anh, thanh niên này thừa nhận vẫn có thể làm tốt hơn và chân thực hơn nếu có thêm thời gian và năng lực.Từ năm 2022, Super Brain, một start-up AI ở Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc) đã thành công với hơn 1.000 đơn đặt hàng "hồi sinh" và "đoàn tụ", giúp hàng trăm gia đình vượt qua nỗi đau mất người thân. Trước lễ Thanh minh 2024, công ty "nhận được bốn đến năm chục yêu cầu liên quan mỗi ngày", nhà sáng lập Zhang Zewei nói với tờ Shanghai Observer.Điều gì sẽ biến mất?Nếu công nghệ này tiếp tục phát triển, có thể lễ Thanh minh truyền thống sẽ biến mất. Một người cháu đang ở rất xa nhà không thể về tảo mộ và thắp hương cho ông bà trong tiết Thanh minh, sẽ bật máy tính lên và nói chuyện với ông bà của mình trong vòng 1 tiếng, 2 tiếng hoặc lâu hơn nữa. Và cũng đâu cần phải đợi đúng dịp - "ông bà AI" sẵn sàng "hiện ra" trò chuyện cùng anh mọi lúc mọi nơi.Phiên bản kỹ thuật số của các cụ sẽ mở ra viễn cảnh con cháu nấu một mâm cơm theo ý của ông bà đã mất và vừa ngồi thưởng thức vừa nói chuyện và mời ông bà mình ăn cơm, như thể chưa có gì mất đi. Tương lai này ấm áp hay đáng sợ, còn tùy mỗi nhà mỗi cảnh.Người viết bài này nghĩ tới tương lai đó, rồi lại giật mình băn khoăn. Giả sử một gia đình có mấy chục người cháu, ai cũng yêu thương ông nội mình và muốn tạo phiên bản AI của ông cho riêng nhà mình. Mọi thứ ban đầu sẽ rất ổn, các cháu dễ dàng gặp lại, trò chuyện cùng ông nội.Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra, khi dàn cháu gặp nhau và mỗi người lại có một chuyện "ông nội bảo thế" khác nhau? Kể cả có đưa các "ông nội AI" đến thảo luận với nhau thì kết quả cũng sẽ chẳng tới đâu. Nghĩ xa xôi, khi có biến cố mà "tham vấn" ông nội AI, gia đình có thể sẽ tan tác, đổ vỡ chỉ bởi vì ai cũng quá yêu ông nội AI của mình. Lúc đó có lẽ ai cũng sẽ về nhà, lặng lẽ ấn nút tắt nguồn, vĩnh biệt ông nội AI.Con người ta sinh ra và mất đi về mặt thể xác, và sống mãi trong tâm tưởng người ở lại, đều là lẽ tự nhiên. Một nhà văn, một nhạc sĩ sẽ sống mãi khi những tác phẩm xuất sắc của họ luôn được đọc, được trình diễn. Một người ông, người cha sẽ sống mãi nếu như con cháu của ông tiếp tục làm những điều tốt đẹp, cống hiến và để lại tiếng thơm cho cuộc đời. Chẳng cần hồi sinh số thì con người vẫn "tái sinh" trong lòng các thế hệ sau đúng như những giá trị họ đã cống hiến khi còn sống.Con người trải qua hàng ngàn năm yêu thương nhau và luôn hoàn thiện mình mới có thể tạo ra được AI. Cái gì từ tốn, chậm rãi sẽ chắc chắn, bền lâu. AI chỉ trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi đã có thể nạp dữ liệu để trở thành ông nội của một con người, tích lũy được những tình yêu, những cảm xúc bền lâu mà cả nhân loại đã mất hàng ngàn năm để đạt được. Nhưng những giá trị đạo đức, văn hóa mới là những giá trị trường tồn.Nếu dùng AI để vượt qua các giá trị đạo đức và văn hóa, chính AI sẽ bị hủy diệt và bị bỏ rơi bởi con người, bởi nó sẽ gây cho con người những tổn thương không thể bù đắp lại được. Trong lễ Thanh minh, hãy thắp cho người thân của mình một nén tâm hương hoặc nếu ở xa không thể về được, hãy hồi tưởng lại những ký ức tốt đẹp về người thân, để chúng ta cùng "đoàn tụ" trong trái tim và khối óc mà không cần bất kỳ cuộc "đoàn tụ" hay "tái sinh" số nào cả. Điều gì sẽ xảy ra khi một con người tái sinh số lại còn tốt đẹp và hoàn hảo hơn cả con người thật của họ? Khả năng thế là rất cao, vì bản sao của người đã mất sẽ phải sống cuộc sống mà những người đang sống muốn và nghĩ về họ như thế. Nhưng liệu như vậy có quá ích kỷ với người đã khuất không, khi chúng ta xây dựng cho người thân của mình một phiên bản khác với cuộc sống họ từng sống? Theo số liệu của iMedia Research, năm 2022, quy mô thị trường ngành công nghệ "tái sinh" người đã mất đạt 12,08 tỉ nhân dân tệ (1,8 tỉ đô la) ở Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy quy mô thị trường các sản phẩm liên quan sẽ đạt 186,61 tỉ nhân dân tệ. Ước tính đến năm 2025, quy mô thị trường này sẽ đạt 48,06 tỉ nhân dân tệ và quy mô thị trường các sản phẩm liên quan sẽ lên tới 640,27 tỉ nhân dân tệ."Chúng tôi đang sao chép hình ảnh của con người tương đương 96,5% so với phiên bản gốc - Michael Jung, giám đốc tài chính của DeepBrain AI, một doanh nghiệp rất thành công trong lĩnh vực này ở Hàn Quốc, cho biết - Vì thế, hầu hết các gia đình đều cảm thấy thoải mái và xúc động khi nói chuyện với người thân đã khuất, mặc dù đó là hình đại diện AI".DeepBrain AI tin rằng họ có thể giúp tạo nên văn hóa "chết êm đẹp" nơi con người có thể chuẩn bị trước cho cái chết của mình bằng việc để lại những ký ức, những câu chuyện và sau này có thể tái sinh như đang tiếp tục sống với người thân của họ.Tuy nhiên, quá trình này không hề rẻ. Mỗi người sẽ phải trả cho công ty tới 50.000 đô la cho quá trình quay phim và tạo avatar của họ. DeepBrain tin rằng họ sẽ huy động được 44 triệu đô la trong một thời gian ngắn. Tags: AIThanh MinhTảo mộBản sao số
Hoa hậu Thùy Tiên 'có liên quan' vụ án kẹo Kera; Ai chỉ đạo mua bột rau không đủ hàm lượng? HỒNG QUANG 06/04/2025 Đối với hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, đại tá Trần Quốc Cường cho biết tài liệu điều tra đến nay xác định hoa hậu này có liên quan đến vụ án. Trong thời gian tới, cơ quan điều tra sẽ tích cực điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định.
Đêm 6-4, công an Quảng Nam dựng lại hiện trường nghi án mẹ giết con để trục lợi bảo hiểm LÊ TRUNG 06/04/2025 Tối nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam thực hiện dựng lại hiện trường nghi án người mẹ giết con để trục lợi bảo hiểm.
Cầu truyền hình trực tiếp Bản trường ca hòa bình hùng tráng tại Hà Nội, TP.HCM và Đắk Lắk HOÀI PHƯƠNG 06/04/2025 Chương trình cầu truyền hình trực tiếp Bản trường ca hòa bình diễn ra tại ba điểm cầu Hà Nội, Đắk Lắk và TP.HCM ngợi ca những công lao của bao thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc, khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong các bạn trẻ.
Thủ tướng Malaysia: Nhiều nước đánh giá cao điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Trump DUY LINH 06/04/2025 Trong cuộc điện đàm theo đề nghị của Malaysia, Thủ tướng Anwar Ibrahim đã bày tỏ với Thủ tướng Phạm Minh Chính sự ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam trước việc Mỹ áp thuế đối ứng các nước.