29/07/2024 11:18 GMT+7

Thanh long Việt Nam đã lấy lại thứ hạng, chỉ sau sầu riêng

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, thanh long xuất khẩu là mặt hàng xếp thứ 2 với 292 triệu USD, chỉ đứng sau trái cây vua - sầu riêng.

Thanh long Việt Nam xuất khẩu đã lấy lại thứ hạng, chỉ sau sầu riêng- Ảnh: THẢO THƯƠNG

Thanh long Việt Nam xuất khẩu đã lấy lại thứ hạng, chỉ sau sầu riêng- Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ngày 29-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết những năm trước, thanh long là loại quả mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả.

"Năm 2018, kỷ lục cao nhất mà quả thanh long mang lại cho Việt Nam là gần 1,3 tỉ USD, nhưng sau đó giảm dần và mất mốc xuất khẩu 1 tỉ USD vào năm 2022. Vào thời gian Nhật có nghị định thư cho nhập chính ngạch thanh long Việt Nam, trái cây này được phục hồi. Tuy nhiên khi xuất khẩu sầu riêng bứt phá thì thanh long đứng sau thứ hạng trái cây vua", ông Nguyên thông tin.

Ông Nguyên cho rằng trên thế giới, thanh long được mệnh danh là "siêu trái cây" bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe con người. Thanh long được yêu thích tại thị trường tỉ dân Trung Quốc, 90% thanh long nhập khẩu của Trung Quốc là thanh long Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyên thông tin trong bối cảnh khó khăn chung, thị trường Trung Quốc giảm giá trị nhập khẩu đến 26% nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất với giá trị 203 triệu USD, chiếm 68% thị phần.

"Thanh long Việt Nam được trồng ở vùng nhiệt đới, nắng nhiều, thổ nhưỡng thích hợp nên rất ngọt và mát, thanh long các nước không bằng; nhất là thanh long ruột đỏ. Nên vị trí thanh long Việt Nam xuất khẩu có nhiều thuận lợi trong việc giữ thứ hạng thứ 2, chỉ sau sầu riêng", ông Nguyên giải thích thêm.

Khi thanh long mất "ngôi vương", các doanh nghiệp xuất khẩu có sự chuyển hướng thị trường để giữ thị phần và khẳng định chất lượng, giá trị của thanh long Việt xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hùng (một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Thuận) kể lại lúc thanh long chính thức mất "ngôi vương" trái cây tỉ đô vào giữa tháng 7-2022, thời điểm sầu riêng được chính thức ký nghị định thư:

"Tôi nhớ năm 2018 xuất khẩu được tỉ đô, nhưng nửa năm 2023 chỉ đạt gần 350 triệu USD. Chúng tôi từ chỗ tập trung vào thị trường Trung Quốc đã chuyển sang thị trường Đông Nam Á và làm các chứng nhận Halah (tiêu chuẩn thực phẩm cho người Hồi giáo - PV) để vào siêu thị tại Malaysia".

Ngoài ra cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay hầu hết các thị trường nhập khẩu thanh long ngoài Trung Quốc đều có giá trị tăng, như: Ấn Độ 21 triệu USD, tăng 35%; Mỹ 18 triệu USD, tăng 90%; Hàn Quốc 10 triệu USD, tăng 36%; UAE 7,8 triệu USD, tăng 60%…

Sầu riêng tiếp tục "quán quân", giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,3 tỉ USD

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục duy trì vị trí số 1 về giá trị xuất khẩu với 1,323 tỉ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh long là mặt hàng xếp thứ 2 với 292 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nỗ lực duy trì xuất khẩu thanh long, chuối trong dịchNỗ lực duy trì xuất khẩu thanh long, chuối trong dịch

TTO - Nhiều nhà vườn vẫn đang nỗ lực duy trì chuỗi xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 bủa vây khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên