Buổi giao lưu ra mắt sách do Hội Nhà văn TP.HCM và Nhà xuất bản Sân Khấu tổ chức. Rất đông nghệ sĩ nhiều thế hệ đã đến chúc mừng Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Ngoài nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, còn có các nghệ sĩ Lệ Thủy, Kim Xuân, Thành Hội, Ái Như, Quốc Thảo, Phương Hồng Thủy, Trịnh Thúy Mùi, nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Bích Ngân, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, soạn giả Hoàng Song Việt, nhà thiết kế Sĩ Hoàng…
Thành Lộc, Minh Ngọc đồng cảm lớn về nghệ thuật
Nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ may mắn của anh được là bạn đồng môn của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc từ Trường Nghệ thuật Sân khấu II. Khi anh học lớp diễn viên thì Minh Ngọc học đạo diễn.
Anh cũng xin lỗi là ở cuộc giao lưu này dù có rất nhiều máy quay nhưng anh muốn dùng một cách nói vui về mối quan hệ giữa anh và tác giả là… "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã".
Bởi trong trường có rất nhiều sinh viên, nhưng anh và tác giả gặp gỡ nhau, thân với nhau vì ở họ có sự đồng cảm rất lớn về nghệ thuật.
"Tôi và chị Ngọc giống nhau… máu điên. Thích làm cái gì mà người ta không chịu làm. Hoặc làm cái gì mà người ta xem đi xem lại nhiều lần mới hiểu" - Thành Lộc nói.
Trong sách kịch bản sân khấu Cô đào hát, có sáu kịch bản của Nguyễn Thị Minh Ngọc được giới thiệu, gồm: Cô đào hát, Vầng trăng ai xẻ, Tía ơi… má dìa!, Giữa hai bờ sương khói, Hãy khóc đi em, Người đàn bà thất lạc.
Trong đó, hết ba vở là Thành Lộc đã đảm đương những nhân vật quan trọng. Đó là vở Tía ơi…má dìa!, Hãy khóc đi em, Người đàn bà thất lạc.
Tía ơi… má dìa từng được sân khấu kịch Idecaf đưa sang Mỹ lưu diễn. Vở Người đàn bà thất lạc là vở mang nhiều tính thể nghiệm và cũng đã đưa ra nước ngoài lưu diễn.
Tính kỷ luật phát huy tài năng của người nghệ sĩ
Thành Lộc cho biết Nguyễn Thị Minh Ngọc có quá nhiều tài năng. Vừa là nhà văn, diễn viên, biên kịch, đạo diễn… Tuy nhiên, không có vai trò nào của chị bị chồng chéo lên nhau.
Anh thấy suy cho cùng, anh và Minh Ngọc đều được học từ các thầy cô về tính kỷ luật trong công việc.
"Người ta có thể nói nghệ sĩ là phóng khoáng và dễ bị vô kỷ luật. Nhưng chúng tôi nghĩ nghệ sĩ là kỷ luật nhất, nhờ kỷ luật mà mình phát huy khả năng của mình tốt nhất" - Thành Lộc nhấn mạnh.
Nguyễn Thị Minh Ngọc kể rằng vai diễn của Thành Lộc trong vở Người đàn thất lạc quá xuất sắc khiến bạn bè nước ngoài phải nể vì tài năng của anh.
Tuy nhiên, Thành Lộc khiêm tốn cho rằng Minh Ngọc khen anh hơi quá. Anh cho biết tính kỷ luật của anh là biết khả năng mình có thể làm gì phù hợp với cách dàn dựng của đạo diễn để trao đổi, bàn bạc với đạo diễn. Được đạo diễn đồng ý anh mới dám làm, phát huy tài năng.
Anh chia sẻ thêm trong làng nghệ thuật có nhiều ngôi sao thích "bẻ lái" đạo diễn theo ý mình. Đạo diễn thì muốn tác phẩm an toàn nên thôi cũng đành chiều ngôi sao.
Thành Lộc và Minh Ngọc từng học chung những người thầy như cô Tường Trân, Ca Lê Hồng, thầy Đoàn Bá… là những người dạy rất kỹ về kỷ luật làm việc của một người nghệ sĩ. Dù anh có làm ngôi sao cỡ nào thì "nguyên soái" của vở diễn chính là đạo diễn.
Trong vở Ngôi nhà không có đàn ông dựng ở sân khấu thể nghiệm 5B trước đây, Minh Ngọc đóng vai trò diễn viên với nhân vật cô giáo tên Duyên. Chị cũng phải tuân theo sự chỉ đạo của đạo diễn Hoa Hạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận