Ông Tư và ông Năm của Dạ cổ hoài lang qua hóa thân của hai nghệ sĩ Thành Lộc và Việt Anh - Ảnh tư liệu |
Vậy chuyện gì đã xảy ra với cái người đã gần 600 lần xắn xương máu và linh hồn mình chia cho gần 600 cái bóng kia. Và tôi vẫn còn sống. Thôi thì trong lúc chờ có thêm những vai mới, hay mà mình sẽ thích, tôi tạm lọc ra vài cái bóng ảo đã lưu đậm dấu trong mình để kể cho bạn nghe.
Trút vào nhân vật
Tận hưởng nỗi đau Có lần tôi vướng bệnh, tây y gần như đầu hàng, phải níu tới đông y. Người trị bệnh bấm huyệt cho tôi cho biết một nguyên lý, khi bị bấm vào chỗ đau, bệnh nhân không nên gồng lên, vì càng chống trả căn bệnh sẽ còn hoài, chi bằng cứ buông lỏng, tận hưởng nỗi đau xuyên thấm vào từng tế bào mình, sau đó nó mới chịu trôi qua luôn. “Hãy tận hưởng nỗi đau như một ân huệ trời cho để cảm nhận và thấu hiểu nó!”. Hiểu được và cộng tác với người gây đau cho mình xong, tôi chợt rùng mình như được chuyển sang một kiếp khác lần nữa. Nên từ đó tôi đối xử với nỗi đau và niềm vui cũng ngang nhau: tôi tận hưởng chúng. Thậm chí tôi còn làm luật sư biện hộ giùm những ai hại mình... Nhờ vậy, sống tới giờ này dường như tôi chẳng thấy ghét ai, và càng không thể ghét những nhân vật của mình. |
Khi các bạn phóng viên yêu cầu kể vài vai diễn mình thích, tôi thường nêu tên Ignacio - nhân vật nổi loạn của vở Trong hào quang bóng tối (tác giả: Antonio Buero Vallejo, đạo diễn: Kim Loan). Chuyện kể về một ngôi trường nuôi dạy người khiếm thị bẩm sinh.
Bị nhà trường ru ngủ rằng hãy yên tâm đi với hiện trạng tối tăm, cộng đồng người khiếm thị này không ý thức được rằng bên cạnh thế giới của họ còn có một thế giới rộng lớn: thế giới của những người sáng mắt.
Mắt Ignacio không thấy nhưng huệ nhãn trong anh đã cảm nhận được có một thế giới sáng hơn, rộng hơn. Và anh đã gieo nhận thức này vào mọi người...
Tôi thấy mình giống Ignacio ở tư tưởng nổi loạn. Chất nổi loạn trong tôi như được tiếp sức. Lúc đó tuy tôi chưa có huệ nhãn như anh, nhưng vài bức xúc trước những bất công quanh mình cũng đủ cho tôi trút vào nhân vật, khát vọng muốn cho môi trường sáng tạo quanh mình tốt hơn.
Nhân vật Chu Xung trong Lôi vũ (tác giả: Tào Ngu, đạo diễn: Hoa Hạ) thì tôi đã kể cho bạn nghe ở chương trước rồi. Trong danh sách này làm sao thiếu ông Tư trong Dạ cổ hoài lang (tác giả: Thanh Hoàng, đạo diễn: Công Ninh). Điều thú vị là tác giả chưa đi Mỹ bao giờ. Đạo diễn thì đi học ở Nga về.
Nhưng nhờ đám chúng tôi có đông thân nhân ở nước ngoài nên đã lắng nghe, và cố truyền đạt đến khán giả tâm tình người già hoài hương, thèm về nguồn cội.
Bạn sẽ thấy danh sách vai ưa thích của tôi có cái ngộ là không có vai hài và như thế không phải vai nào cũng rần rần khán giả. Một vai có tuổi thọ vở diễn không dài là ông thầy đờn vùng Nam bộ tên Hai Giỏi trong vở Khúc nguyệt cầm (tác giả và đạo diễn: Đoàn Bá). Thầy Bá viết một trang thoại dài cho nhân vật này. Ông được một cô gái trẻ yêu, và cô gái này lại là con gái của người yêu của ông ngày xưa.
Chi tiết hạt nút áo rơi khi ông già cô đơn ấy gặp lại người xưa, thầy Bá cho biết thầy cộng hưởng từ chuyện thật của nhà văn Nga Ivan Turgenev, muốn giấu sự cô đơn nhưng hột nút áo ngẫu nhiên rơi là bằng chứng cho cuộc sống thiếu bàn tay phụ nữ.
Cuộc đời diễn viên của tôi dính nhiều các ông Tư. Một ông Tư Chơn gần đây nữa trong vở Tía ơi, má dìa (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Minh Phương, đạo diễn: Vũ Minh). Kỳ này tác giả soạn cho tôi 15 phút vừa đóng chồng, vừa đóng vợ để thỏa nỗi nhớ nhung giai đoạn sống hạnh phúc nhất giữa hai người là lúc cả hai yêu nhau qua những câu hò đối đáp.
Đợt Liên hoan sân khấu nhỏ lần 2, đó là nhân vật Thành Tâm trong vở Giấc mộng kê vàng (tác giả và đạo diễn: Nguyễn Thị Minh Ngọc). “Giấc Nam Kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”, dựa theo tích giấc Nam Kha của vùng Đông Nam Á và dựa một ý tưởng mà Mishima - một nhà văn Nhật, ba lần được đề cử giải Nobel - đã hiện đại hóa một vở kịch Nô.
Tác giả đưa ra cái phù du, vô thường của một kiếp người, có thể làm nhiều người nản lòng buông xuôi, trôi thiếp đi trong trạng thái hư vô. Tuy nhiên với người nghệ sĩ, mọi thứ thăng trầm trong đời sống chỉ là chuyện nhỏ. Thử coi, anh đã chết bao nhiêu lần trên sân khấu, anh đã cưới bao nhiêu cô, đã bị thất tình, phản bội. Đêm anh làm vua, đêm khác làm giặc, bữa anh làm lão, bữa khác anh là đứa trẻ tung tăng.
Ông Thiện ở tuổi tôi bây giờ với tình yêu dành cho Hạ - cô gái hai mươi mấy tuổi nổi loạn trong vở Ngôi nhà không có đàn ông (tác giả: Ngọc Linh, đạo diễn: Hoa Hạ). Đó là một vai tuy ngắn ngủi nhưng được coi như một khuôn mẫu cho các học viên học diễn về sức sống của một vai xuất hiện rất ít so với chiều dài vở diễn.
Truân chuyên... vườn Lệ Chi
Khi làm đạo diễn vở Bí mật vườn Lệ Chi của tác giả Huỳnh Hữu Đản, nhiều người tưởng tôi sẽ chọn vai Nguyễn Trãi cho mình. Đó là những người ngoài nghề, không biết công việc nặng nhọc của một đạo diễn. Lãnh dựng vở đó mà tham, ôm luôn vai chánh là tiêu.
Lẽ ra tôi đã không đóng vai nào, nhưng khi đọc vai Tạ Thanh tôi rùng mình khi thấy vai phụ này có điểm nào đó chung với những người từng thân thiết, từng yêu tôi và từng hại tôi. Nhân vật đó không tin ai, nhất là với những người sống và làm những điều trái ý hắn ta.
Vở này, thật ra thoạt đầu chưa có ai ác, toàn những nhân vật đầy tính người hiền lành như bao người. Nhưng một ngày khi thấy quyền lợi bị đụng chạm, họ biến thành một con người khác.
Tôi đã đẩy mạnh cho nhân vật Nguyễn Thị Anh khóc hu hu, thương cho Nguyễn Trãi vì ông bị hại dưới âm mưu của mình. Giết đi những người tài đức, muôn người có một như thế, quả là đáng tiếc, nhưng phải giết thôi vì để họ sống thì cái sáng của họ sẽ hủy hoại cái tối của ta.
Khi để dàn đồng ca lùng nhùng trong đống vải như hồn của đất, hồn của nhân loại cố làm như không biết, không thấy, không nghe... chẳng phải là tôi không biết đau. Một khán giả là một nhà sư bên Pháp về nói với tôi đã nhìn ra dàn đồng ca đó tuy là chứng nhân lịch sử, nhưng không thể nói ra những sự thật kinh hoàng mà mình vừa chứng kiến.
Vở này gặp nhiều truân chuyên. Khi vở bị ngưng, với người sản xuất là một nỗi buồn khác, nhưng với người làm nghề cần khán giả tri âm tiếp hơi, chỉ cần vài khán giả nhìn thấu được như vậy tôi thấy cũng gọi là đủ.
Cho tới bây giờ, việc tạm ngưng vở vẫn là lệnh miệng. Chúng tôi nghe là cấm vì có người kiện, yêu cầu không được khẳng định Ban Cơ là đứa con ngoại tình. Có một sự thật phi lý là khi duyệt lại để có thể xóa cái lệnh miệng kia, ngoài việc chỉnh chút đỉnh cho vở hay hơn, gần như về ý tưởng chúng tôi không sửa chút nào...
Khi nói về những cái bóng của mình, có dịp ngó lại những vở mình dựng, như những đứa con hiếm hoi của tôi, bỗng tự hỏi phải chăng mình đã bị làm việc trong một môi trường không lý tưởng để sáng tạo. Mà sống kiểu đó thì rõ ràng là một kiểu chết.
Tôi đã chọn nghề này, đã được đào tạo chuyên nghiệp. Giờ nghề thì yên, sống thì được, lẽ ra phải thấy mình hạnh phúc nhưng cớ sao không vui nổi. Phải chăng mình đang đãi cát tìm vàng, mà cái môi trường tôi đang tìm này sao bùn nhiều quá, chẳng biết khi xong trận sống này, tôi lọc được bao nhiêu bụi vàng.
Một kiểu nào đó, Công ty Thái Dương của chúng tôi vẫn không thể tự tạo được một môi trường lý tưởng để làm nghề. Có phải là tội lỗi không khi tôi thèm vô cùng việc có một nhà hát riêng cho mình để tôi được toàn tâm toàn ý sáng tạo các vai diễn, những tôi ảo của tôi, như cái thời còn trong trường học, không phải sợ bốn tên mafia trong văn hóa văn nghệ như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gọi tên: quyền lực, đồng tiền, tôn giáo và... tình yêu.
_________
“Những tâm tình chơn chất của một gã mang danh là phù thủy trên sân khấu, nhưng cũng mang tiếng dại các loại gái, trai, và cả chẳng trai, không gái ở đời thường”.
Kỳ tới: Yêu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận