12/07/2024 11:00 GMT+7

Thành liệt sĩ khi tìm hài cốt liệt sĩ

Người lính hy sinh trong chiến tranh đã là chuyện đau xót. Nhưng thời bình, người lính hy sinh ngay trong lúc đi tìm hài cốt đồng đội trên mảnh đất từng đẫm máu xương anh hùng vệ quốc thì niềm đau ấy lại càng xót xa.

Cuộc rà phá bom mìn tìm hài cốt liệt sĩ ở mặt trận Vị Xuyên vẫn còn nhiều gian nan, nguy hiểm

Cuộc rà phá bom mìn tìm hài cốt liệt sĩ ở mặt trận Vị Xuyên vẫn còn nhiều gian nan, nguy hiểm

Tháng 7-2020, chúng tôi lên Vị Xuyên (Hà Giang) theo chân các đội rà phá bom mìn và quy tập hài cốt các liệt sĩ hy sinh ở mặt trận này từ 1979-1989 vừa trở về.

Dù biết công việc đầy hiểm nguy khi đối mặt với tử thần hằng ngày, nhưng không thể không bàng hoàng khi nghe tin chiến sĩ Bàn Văn Thủy đã hy sinh ở Nặm Ngặt (xã Thanh Thủy), cùng với Thủy là chiến sĩ Hoàng Văn Huỳnh bị thương nặng trong lúc làm nhiệm vụ trên điểm cao dày đặc bom mìn.

Nỗi tiếc thương trong thung lũng bản Vài Siêu

Trở lại Hà Giang lần này, chúng tôi tìm địa chỉ liệt sĩ Bàn Văn Thủy để thắp một nén nhang. Hóa ra quê hương liệt sĩ ở một bản heo hút tận xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai.

Bí thư Xã Đoàn Thượng Hà, anh Ma A Cường, đón chúng tôi từ trung tâm xã. Vừa dẫn đường, anh vừa xúc động kể: "Hôm Thủy hy sinh và đưa về quê, anh em đoàn viên đều đến phụ lo tang lễ. Bạn ấy hy sinh trẻ quá, mới 20 tuổi. Chỉ còn một tháng nữa ra quân thì bạn ấy ra đi".

Sau mười mấy cây số len lỏi giữa những hẻm núi, Cường chỉ tay ra phía xa xa: "Nhà Thủy kia kìa".

Dù bảo "kia kìa" ngỡ như ở trước mắt, nhưng cũng mất khá lâu sau chúng tôi mới thấy được căn nhà của gia đình Thủy ở bản 4 Vài Siêu. Một người đàn ông không đoán được tuổi đang ngồi bên chiếc bàn gỗ nhìn vào giữa nhà.

Theo hướng nhìn của người đàn ông, chúng tôi nhìn thấy chiếc bàn thờ đặt khá cao giữa nhà, trên bàn thờ là tấm ảnh một người lính trẻ trong quân phục, bên cạnh là tấm bằng Tổ quốc ghi công.

Chúng tôi xin phép được thắp nhang cho liệt sĩ Thủy. Đã gần bốn năm trôi qua từ ngày đứa con trai hy sinh nhưng ông Bàn Văn Sơn dường như vẫn chưa nguôi niềm thương xót: "Vợ chồng tôi cưới nhau mãi mà không có con, mãi năm 2000, nhờ có người mách, chúng tôi mới xin được Thủy về làm con nuôi khi cháu mới 17 ngày tuổi.

Là con nuôi nhưng Thủy cũng như con đẻ, phong tục người Dao chúng tôi luôn lo lắng, gầy dựng cho đứa con trai cả, bất kể là con đẻ hay con nuôi.

Thủy nhanh nhẹn, siêng năng lắm, từ khi học cấp II nó đã sử dụng thành thạo cái máy cày để đi nương. Nó lái máy cày cũng giỏi, ruộng nương dọc triền dốc, để cày máy chạy trên triền đất nghiêng rất khó, vậy mà nó cày được.

Đầu năm 2019, Thủy viết đơn tình nguyện nhập ngũ, cả xã Thượng Hà dạo đó cũng chỉ có mười mấy thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tháng 2-2019 cháu nhập ngũ, về đơn vị tiểu đoàn 17, Sư đoàn 316 (Quân khu 2). Sau gần hai năm tham gia quân ngũ, lẽ ra tháng 1-2021 cháu ra quân, nhưng rồi tháng 12-2020 cháu hy sinh".

Hồi ức về đứa con trai dồn dập kéo về. Để nén niềm xúc động, kể đến đó, ông Sơn đứng dậy đi ra chiếc lán dựng ở cuối vườn có một chiếc máy cày chạy bằng động cơ diesel nằm im lìm ở đó.

Vừa áp bàn tay lên chiếc máy cày, ông Sơn vừa kể: "Chiều hôm đó là ngày 12-11-2020, có người vào báo có nhiều ô tô lắm, về ngoài trụ sở ủy ban xã Thượng Hà. Rồi sau đó mấy anh ở xã đội chạy vào nói đơn vị về báo em Thủy ốm nặng, về đón gia đình qua đơn vị thăm.

Tôi nghĩ sao chỉ ốm mà mọi người về đông thế này? Chắc có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra với con mình rồi. Tôi bủn rủn hết tay chân, không đứng vững được nữa.

Vậy là anh ruột của tôi, ông Bàn Văn Cao, đại diện gia đình cùng với đại diện chính quyền địa phương đi theo xe đơn vị đón qua Hà Giang. Khuya đó, khi đoàn qua tới Hà Giang, anh Cao gọi điện về nhà báo là Thủy đã hy sinh, đơn vị phải nói ốm để gia đình đỡ sốc".

Bố mẹ Thủy xúc động bên bàn thờ con trai

Bố mẹ Thủy xúc động bên bàn thờ con trai

Hạnh phúc bé bỏng của chàng thương binh trẻ

Thắp thêm một nén nhang trên bàn thờ người lính trẻ Bàn Văn Thủy, chúng tôi rời bản nhỏ Vài Siêu để ngược lên xã Điện Quan. Cũng phải nhờ vào "thổ địa" là các bạn cán bộ xã đoàn dẫn đường để tìm ra ngôi nhà của thương binh Hoàng Văn Huỳnh - dân tộc Tày, đang sống ở bản Ba Pày, xã Điện Quan (huyện Bảo Yên, Lào Cai).

Phải gặp được Huỳnh, chúng tôi mới tường tận câu chuyện xảy ra chiều 12-11-2020 làm Bàn Văn Thủy hy sinh và Huỳnh trở thành thương binh nặng: Huỳnh bị mất một mắt phải và một chân trái (thương binh loại A, thương tật hạng 2/4, bị suy khả năng lao động là 72%).

"Em cũng không nghĩ là mình còn sống - Huỳnh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi - Chiều 12-11 đó, ca làm của đơn vị công binh chúng em chỉ còn hơn 30 phút nữa là hết giờ. Công việc rà tìm được chia thành những nhóm nhỏ, cách xa nhau để nếu có sự cố thì sẽ xa tầm sát thương của bom mìn.

Hôm đó Thủy đi trước để dọn cây bụi mở lối, em theo sau, tạo thành lối đi, rồi từ đó dọn dẹp từng mét vuông một. Khi tạo được mặt bằng thì chiến sĩ phụ trách máy dò vật liệu nổ sẽ đến rà tìm trên khu đất vừa dọn dẹp. Nếu máy phát tín hiệu có vật liệu nổ, chúng em sẽ đánh dấu để sau đó tiếp tục tháo gỡ.

Đó là một thao tác thuần thục và kỹ lưỡng của lính công binh mà bọn em đã làm hàng năm trời. Vậy mà tai nạn vẫn bất ngờ ập đến. Một quả mìn lẫn trong đám cây rừng phát nổ quật Thủy ngã xuống, em bị hất văng ra, những mảnh đạn bắn vào các tảng đá, rồi hàng chục mảnh đá bật ngược lại găm vào mặt em, may mà vẫn còn một con mắt, và mảnh mìn đã tiện mất một cẳng chân.

Dù sao em vẫn còn quá may mắn. Chỉ thương bạn Thủy, đi lính, tình đồng hương quý lắm, em và Thủy cùng huyện Bảo Yên, nhập ngũ cùng đợt và sắp sửa cùng ra quân, vậy mà…". Vừa kể đến đó, chợt cánh cửa sau lưng Huỳnh hé mở, một cô gái trẻ bế một bé gái chừng mấy tháng tuổi khép nép bước ra chào chúng tôi. Huỳnh giới thiệu niềm hạnh phúc: "Đây là Liên, vợ em và con gái em là Hoàng Linh Nhi. Cháu được sinh ngay sau Tết vừa rồi, ngay trước Nguyên tiêu, nay gần 5 tháng".

Huỳnh kể có người chị gái sống ở thị trấn Tân Uyên (Lai Châu), sau khi về quê với chế độ thương binh, ở nhà buồn, thỉnh thoảng lại lên thăm chị. Ở đó, chàng thương binh dân tộc Tày phải lòng cô gái dân tộc Thái, sau gần một năm yêu nhau thì làm đám cưới và bé Linh Nhi ra đời không chỉ là niềm vui cho đôi vợ chồng trẻ. Cả bản mừng vui chúc phúc cho Huỳnh và Liên.

Chia tay vợ chồng Huỳnh, ngoái nhìn lại họ đang bế bé Linh Nhi vẫy tay tạm biệt mà lòng chúng tôi dâng lên niềm vui. Sau những hy sinh cho Tổ quốc, cuộc đời vẫn còn bù đắp yêu thương cho người thương binh trẻ một mái ấm hạnh phúc riêng mình.

Thương binh Hoàng Văn Huỳnh hạnh phúc bên vợ con - Ảnh: NGỌC QUANG

Thương binh Hoàng Văn Huỳnh hạnh phúc bên vợ con - Ảnh: NGỌC QUANG

Ông Bàn Văn Cao, bác liệt sĩ Bàn Văn Thủy, trực tiếp qua Hà Giang để cùng đơn vị đưa thi hài Bàn Văn Thủy về quê, kể: "Hôm đó chúng tôi chỉ biết Thủy hy sinh khi đang rà phá bom mìn, trả mặt bằng an toàn cho đội quy tập hài cốt vào tìm kiếm. Nơi cháu hy sinh là sườn Đông Bắc, điểm cao 685 thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên".

Hoàng Văn Huỳnh xúc động kể: "Lúc đó chỉ nghe nổ ầm một tiếng và tối tăm mặt mày, máu đầy hai hốc mắt, phải một tuần sau đó em mới tỉnh lại trong bệnh viện. Anh em trong đơn vị vội vã đưa về bệnh viện, rồi từ Bệnh viện tỉnh Hà Giang em về Viện Quân y 103 và Viện 109 (Quân khu 2), sau đó qua các trung tâm chấn thương chỉnh hình, Viện Mắt… mãi đến đầu năm 2022 mới coi như tạm ổn và nhận quyết định thương binh, xuất ngũ về quê. Hôm nhận quyết định, huyện cũng tổ chức buổi lễ rất trang trọng. Ngoài các quyết định về chính sách thương binh, em cũng nhận được huy chương "Tuổi trẻ dũng cảm" của Trung ương Đoàn".

Xóm Mồ Côi chỉ 7 nóc nhà nhưng có 10 liệt sĩ, 2 anh hùngXóm Mồ Côi chỉ 7 nóc nhà nhưng có 10 liệt sĩ, 2 anh hùng

Ở rìa thành phố Hội An có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 10 liệt sĩ, hai anh hùng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên