Bà Mai Thị Anh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT, trao đổi tại hội thảo - Ảnh: NGỌC HÀ
Hội thảo do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 15-5 ở Hà Nội.
"Cách đây 10 năm, từ lúc được phê duyệt chủ trương thành lập ĐH FPT cho đến khi khai giảng khóa đầu tiên chỉ mất 9 tháng. Còn hiện tại, để hoàn tất các thủ tục để thành lập phân hiệu của trường thôi, chúng tôi cũng đã mất 3 năm", ông Tùng dẫn chứng.
Theo ông Tùng, dù Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa 51% điều kiện kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều thủ tục không cần thiết có thể cắt giảm được nữa.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng có chung nhận định này.
Luật sư Nguyễn Kim Dung - thành viên nhóm công tác giáo dục và đào tạo Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là "mong mỏi hàng ngày, hàng giờ của các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT còn cần phải đơn giản hóa thủ tục cấp phép. Bởi lẽ nếu chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh mà không cắt giảm thủ tục hành chính song hành thì hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ không cao.
Ngoài ra, để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực sự hữu ích, Bộ GD-ĐT phải có các phương án giám sát việc áp dụng luật đói với các đơn vị, sở ngành được giao cấp phép. Việc các cơ quan cấp phép áp dụng luật không đồng nhất cũng là "một trong các rào cản cản trở hoạt động kinh doanh".
Bà Dung cũng kiến nghị rằng ngoài 110 điều kiện kinh doanh được Bộ GD-ĐT rà soát cắt giảm, thì bộ nên tiếp tục cắt giảm một số điều kiện kinh doanh không hợp lý khác như: bỏ điều kiện hạn chế mức phần trăm tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, bỏ điều kiện xin giấy phép thành lập đối với cơ sở đào tạo ngắn hạn…
Tại hội thảo, lãnh đạo các cục, vụ liên quan của Bộ GD-ĐT cũng đã phản hồi lại ý kiến của các đại biểu.
Theo đó, việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh gắn kết chặt với yêu cầu đổi mới phương thức quản lý, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Ở một số lĩnh vực, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sẽ rà soát, tiếp thu ý kiến để cắt giảm, đơn giản hóa thêm một số điều kiện kinh doanh, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận