12/05/2021 10:02 GMT+7

Thành lập thêm bệnh viện dã chiến ở huyện An Phú có sức chứa 250 giường

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Ngày 12-5, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - dẫn đầu đoàn công tác UBND tỉnh đến kiểm tra, khảo sát việc thực hiện thêm khu cách ly và thành lập bệnh viện dã chiến ở huyện An Phú, vì người Việt ở Campuchia về nhiều.

Thành lập thêm bệnh viện dã chiến ở huyện An Phú có sức chứa 250 giường - Ảnh 1.

UBND tỉnh An Giang đã chọn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện An Phú làm bệnh viện dã chiến đầu biên giới để tiếp nhận người bệnh khi nhập cảnh vào Việt Nam - Ảnh: BỬU ĐẤU

Sau khi khảo sát tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện An Phú và Chi cục Thuế Tân Châu - An Phú (chi cục thuế huyện cũ), ông Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo UBND huyện An Phú di dời cơ sở làm việc của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên vào chi cục thuế huyện cũ.

Còn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên có diện tích hơn 19.000m2 sẽ được sử dụng làm bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 250 giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận người Việt nhiễm bệnh vào đây chữa trị.

Cùng ngày, đoàn công tác UBND tỉnh An Giang tiếp tục đến Trung tâm Y tế huyện Châu Thành để khảo sát và chuẩn bị cho việc thành lập bệnh viện dã chiến thứ 2 có sức chứa khoảng 400 giường bệnh.

Thành lập thêm bệnh viện dã chiến ở huyện An Phú có sức chứa 250 giường - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Bình (bìa phải) - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - trao đổi với các sở, ngành tỉnh và lãnh đạo huyện An Phú - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ông Lê Văn Phước - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết UBND tỉnh nhận định người Việt về đường biên giới huyện An Phú nhiều. Vì vậy, UBND tỉnh thành lập thêm bệnh viện dã chiến ở huyện An Phú để đón người Việt Nam về nếu bị nhiễm bệnh.

"Khi nào khu vực bệnh viện dã chiến này hết khả năng chứa thì lúc đó chúng tôi mới đưa số người tiếp theo về khu vực bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành.

Dự kiến kinh phí cho mỗi bệnh viện dã chiến khoảng 20 tỉ đồng chỉ gồm sửa chữa và bổ sung thêm một số trang thiết bị phục vụ việc điều trị bệnh COVID-19 cho người bệnh.

Chúng tôi đã giao cho Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm chủ dự án đầu tư. Còn cách làm thế nào phải họp các ngành lại lần thêm nữa mới tính" - ông Phước nói.

Thành lập thêm bệnh viện dã chiến ở huyện An Phú có sức chứa 250 giường - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Phước (phải) - phó chủ tịch UBND tỉnh - và ông Nguyễn Thanh Bình (giữa) - chủ tịch UBND tỉnh - trao đổi với lãnh đạo huyện An Phú - Ảnh: BỬU ĐẤU

Còn ông Trần Hòa Hợp - chủ tịch UBND huyện An Phú - cho biết toàn huyện có 4 khu cách ly tập trung với sức chứa khoảng 400 người. Trong đó có Doanh nghiệp tư nhân Thủ Tuyến cho mượn 1.500m2. Còn lại là 3 khu cách ly tập trung của địa phương gồm: Trung tâm học tập cộng đồng xã Đa Phước, thị trấn An Phú cùng Trung tâm Văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao.

"Ngoài ra, địa phương đã thành lập 26 tổ, chốt phòng chống dịch do người dân, cán bộ, giáo viên của 8 xã biên giới tham gia tuần tra hằng đêm. Nhiệm vụ chính của những tổ này là tuần tra vào buổi tối để kịp thời phát hiện và ngăn chặn người nhập cảnh trái phép để phòng chống COVID-19" - ông Hợp nói.

Nhiều người Việt bơi qua sông để nhập cảnh trái phép ở An Giang Nhiều người Việt bơi qua sông để nhập cảnh trái phép ở An Giang

TTO - Tình hình dịch bệnh COVID-19 Campuchia diễn biến phức tạp nên người Việt gặp khó khăn khi mưu sinh. Nhiều người đã nhập cảnh trái phép bằng cách bất chấp bơi sang sông Bình Di lúc chập choạng tối hay lúc trời mưa.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên