Chiều 13-2, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo các nghị quyết thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh.
Cụ thể, các nghị quyết về việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại 9 tỉnh (Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk) có hiệu lực từ ngày 10-4.
Còn nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa xã Ngũ Lạc và xã Long Khánh thuộc huyện Duyên Hải, Trà Vinh có hiệu lực từ ngày 1-3.
Trước đó, theo trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với Bình Dương, thị xã Tân Uyên là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa phía đông nam của tỉnh.
Bộ trưởng Xây dựng đã công nhận thị xã Tân Uyên đạt tiêu chuẩn của đô thị loại III vào năm 2018.
Sau khi thành lập, thành phố Tân Uyên có 191,76km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên.
Như vậy, tỉnh có 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện; có 91 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 84,32%.
Đối với tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập thị xã Thuận Thành trên cơ sở huyện Thuận Thành, diện tích gần 118km2, quy mô dân số 200.000 người.
Thành lập thị xã Quế Võ trên cơ sở huyện Quế Võ, có diện tích 155km2 và gần 220.000 người.
Bà Trà cho biết huyện Thuận Thành được quy hoạch là đô thị công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nam sông Đuống của tỉnh.
Huyện Quế Võ được quy hoạch là đô thị công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng bắc sông Đuống của tỉnh.
Sau điều chỉnh, tỉnh Bắc Ninh không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính, nhưng có tăng 2 thị xã và 21 phường, giảm 2 huyện, 19 xã và 2 thị trấn.
Đối với tỉnh An Giang, thị xã Tịnh Biên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng huyện Tịnh Biên.
Thành lập thị trấn Đa Phước trên cơ sở xã Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An trên cơ sở xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới.
Đối với tỉnh Quảng Nam, 5 xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương được đưa lên phường thuộc thị xã Điện Bàn. Thành lập thị trấn Quế Trung thuộc huyện Nông Sơn.
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương lên thị trấn; xã Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc lên thị trấn; xã Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên lên phường.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, xã Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ lên thị trấn; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ.
Đối với tỉnh Bến Tre, có ba đơn vị hành chính đưa lên thị trấn gồm xã Tiên Thủy (thuộc huyện Châu Thành), xã An Thủy (thuộc huyện Ba Tri) và xã Phước Mỹ Trung (thuộc huyện Mỏ Cày Bắc).
Đối với tỉnh Bắc Kạn, xã Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn lên thị trấn. Tỉnh Đắk Lắk, xã Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk lên thị trấn.
Đối với tỉnh Trà Vinh, 3,13km2 diện tích tự nhiên và 490 người của xã Long Khánh (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của ấp Phước Hội) về ấp Mé Láng thuộc xã Ngũ Lạc quản lý.
Không ảnh hưởng cơ sở dữ liệu dân cư
Trước đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu việc điều chỉnh đơn vị hành chính sẽ dẫn đến cả triệu người thay đổi thông tin về nơi cư trú. Do đó cần rà soát căn cước công dân, cơ sở dữ liệu sẽ ảnh hưởng ra sao để tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được thực hiện “đúng, đủ, sạch, sống”, cập nhật thường xuyên nên khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lực lượng công an cơ sở sẽ cập nhật, bổ sung và không có vướng mắc.
“Cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên nên dù chưa thay đổi căn cước công dân thì trong dữ liệu đã được cập nhật nên không ảnh hưởng”, ông Quang khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận