06/10/2015 14:35 GMT+7

Tìm đường sống cho phim Việt trên chính đất nước mình

CÁT KHUÊ thực hiện (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ thực hiện ([email protected])

TT - Có vẻ như việc phát triển mạnh mẽ của thị trường phim chiếu rạp Việt đang vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với những nhà phát hành và phổ biến nội địa.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Ảnh: NVCC
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Ảnh: NVCC

Lần đầu tiên, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN được thành lập, đồng thời tổ chức đại hội bầu ban chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên 2015 - 2020.

Hiệp hội đặt ra mục đích tiêu chí hoạt động với 50 thành viên hiện tại từ các nhà phát hành tư nhân Việt và các nhà phát hành địa phương nhằm chống lại sự thôn tính từ các doanh nghiệp phát hành phim “cá mập” của nước ngoài.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh (phó giám đốc Công ty BHD) - phó chủ tịch kiêm trưởng ban nghiên cứu thông tin thị trường của hiệp hội - chia sẻ với PV Tuổi Trẻ một số thông tin xung quanh sự kiện này.

* Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN được thành lập khá... bất ngờ. Lý do để 50 nhà phát hành quyết định ngồi lại với nhau có phải vì phim Việt (cả sản xuất và phát hành) đang bị lép vế so với phim ngoại? Nhận xét của chị về việc này?

- Công nghiệp điện ảnh VN mới ra đời được khoảng 10 năm gần đây khi Nhà nước bắt đầu có chính sách xã hội hóa điện ảnh cho tư nhân và nước ngoài được tham gia vào hoạt động điện ảnh thay vì chỉ có các đơn vị nhà nước.

Doanh thu bán vé từ các rạp chiếu phim chỉ khoảng 5 - 7 tỉ đồng/năm vào năm 2008 với rất ít phim chiếu rạp thì chỉ trong năm 2014, con số này đã đạt được khoảng 2.000 tỉ đồng với gần 200 phim được phát hành.

Tuy mới ra đời nhưng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này - đặc biệt trong thị trường rạp chiếu - đến thời điểm hiện tại là vô cùng khốc liệt với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn từ nước ngoài.

Trên thị trường chiếm lĩnh thị phần là hai nhà phát hành Hàn Quốc: CGV (27 cụm rạp) và Lotte Cinema (18 cụm rạp). Bên cạnh đó là hệ thống Platinium (từ Indonesia, Ấn Độ với 5 cụm rạp). Khối tư nhân có Galaxy (5 cụm rạp), BHD (4 cụm rạp)...

Song song với các đơn vị tư nhân lớn nhỏ nói trên, còn phải kể đến các rạp chiếu phim/nhà phát hành của Nhà nước hoặc cổ phần chính của Nhà nước như Trung tâm chiếu phim quốc gia hoạt động rất thành công và hiệu quả, Công ty Điện ảnh Sài Gòn (Saigon Movie Media) cũng hoạt động tốt. Ngoài ra, rạp chiếu ở các tỉnh có rất nhiều nhưng cơ sở vật chất và thiết bị lạc hậu nên khó cạnh tranh.

Với tình hình đó, chúng tôi hi vọng Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN có thể tập hợp được tiếng nói và sức mạnh của những người phát hành phim Việt với tinh thần dân tộc để có thể đoàn kết, phối hợp bảo vệ điện ảnh VN khỏi sự thâu tóm hoàn toàn của các tập đoàn nước ngoài.

Bởi người Việt muốn làm điện ảnh tại VN thì không thể làm theo luật của các tập đoàn đó đặt ra, nếu không muốn không có cửa ở trên chính đất nước mình. Đó là cách để cùng góp tiếng nói của người làm phim Việt trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển nền điện ảnh dân tộc VN.

* Đa số hội viên là những nhà phát hành địa phương, vậy vấn đề của họ ra sao và khác thế nào với các nhà phát hành tư nhân như BHD, Galaxy...?

- Có hai mảng tham dự chính: một là các nhà phát hành và rạp chiếu thành phố, hai là các thành phố nhỏ và nông thôn. Mỗi mảng gặp những vấn đề khác nhau. Những vấn đề nổi cộm được nhiều hội viên thành phố quan tâm là chuyện cạnh tranh của một doanh nghiệp nước ngoài đang nắm thị phần lớn nhất về chiếu bóng trong thời gian gần đây, với nhiều biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh nhằm thôn tính các cụm rạp trong nước cũng như áp dụng nhiều điều kiện không thuận lợi cho các phim VN so với phim nước ngoài trên chính sân nhà về tỉ lệ ăn chia doanh thu, vị trí quảng bá, giờ chiếu và suất chiếu.

Việc làm sao đưa điện ảnh VN về được với khán giả nông thôn cũng là vấn đề được nhiều hội viên là các cụm rạp ở các tỉnh mong muốn hiệp hội cùng tìm ra giải pháp.

* Hiện tại những nhà phát hành và phổ biến phim nước ngoài cũng nắm phần lớn các đầu mối phát hành phim từ quốc tế. Theo chị thì hiệp hội sẽ đối mặt ra sao để bảo vệ các hội viên trước hiện trạng có vẻ như đang là thống lĩnh thị trường trên?

- Khi VN hội nhập với thế giới, thử thách lớn là làm sao có thể có những luật lệ phù hợp với các hiệp định quốc tế nhưng vẫn có những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ được việc phát hành và phổ biến phim Việt (một khâu rất quan trọng của công nghiệp điện ảnh).

Lấy một ví dụ như lĩnh vực truyền hình. Trước đây, phim truyền hình nước ngoài như của Hàn Quốc, Trung Quốc... thống lĩnh và chiếm ưu thế trên các kênh truyền hình Việt, nhưng khi Nhà nước ra các chính sách bảo vệ phim Việt và quan trọng hơn nữa, khi các đài truyền hình lớn của quốc gia cũng như khán giả ủng hộ chính sách này thì hiện tại phim Việt chiếm ưu thế hơn hẳn phim nước ngoài.

Điện ảnh cũng vậy, cần có nhiều cụm rạp của Nhà nước hoặc doanh nghiệp VN hơn để chúng ta có thể nắm và cân bằng về đầu ra thay vì bị thống lĩnh hoàn toàn bởi các doanh nghiệp nước ngoài như hiện tại. Tất nhiên, chất lượng phim Việt cũng phải tốt hơn mới có thể khiến khán giả tiếp tục yêu quý và ủng hộ.

Thử thách phía trước còn nhiều, cạnh tranh còn rất phức tạp nhưng tôi tin tưởng điện ảnh nếu phát triển đúng đắn, có định hướng và ủng hộ của các cơ quan nhà nước và sự nỗ lực của doanh nghiệp VN thì phim Việt cũng thắng thế tại VN ở rạp chiếu cũng như trên truyền hình. Hiệp hội mới được thành lập và chúng tôi sẽ có những hành động cụ thể để có thể thực hiện được mục đích dài hạn này.

*Sự hợp tác của nhà nước và tư nhân đã đem lại hiệu ứng tích cực khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt cả về chất lượng, hiệu ứng khán giả lẫn doanh thu! Ảnh: Galaxy** Error ***
Sự hợp tác của nhà nước và tư nhân đã đem lại hiệu ứng tích cực khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt cả về chất lượng, hiệu ứng khán giả lẫn doanh thu - Ảnh: Galaxy

Khán giả sẽ hưởng lợi?

Việc ra đời Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN lẽ ra phải được tiến hành sớm hơn chứ không phải đợi đến tận bây giờ. Nhưng muộn còn hơn không. Tôi nghĩ hiệp hội không thể quyết định được nhưng sẽ góp một tiếng nói khách quan rất quan trọng để đảm bảo cho sự công bằng nhất định trong quyền lợi của người làm phim và của khán giả.

Hiệp hội làm tốt thì khán giả sẽ là người hưởng lợi bởi vì nhìn thực tế các hãng phát hành phim nước ngoài và tư nhân hiện tại chỉ hướng đến lợi nhuận nên họ tập trung phát triển thị trường chiếu phim ở các thành phố lớn.

Người dân tại các địa phương khác sẽ rất thiệt thòi trong việc hưởng thụ văn hóa. Đã đến lúc các nhà làm phát hành phim phải nghĩ rộng hơn và sâu hơn cho sự phát triển cân bằng vùng miền thay vì chỉ chăm chăm vào mục đích hưởng lợi từ kinh doanh rạp phim, kinh doanh phim.

Ông NGUYỄN DANH DƯƠNG (giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia)

Khoản 4, điều 2 - Chính sách hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh của nghị định 54 do Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện ảnh có chỉ rõ:

“Phải lập đề án phát triển quy mô sản xuất phim và phổ biến phim để phim VN đạt ít nhất 30% trong tổng số phim chiếu tại rạp...”.

Thế nhưng, khi gia nhập WTO chúng ta đã không đặt hạn ngạch cho phim nước ngoài vào VN nên số lượng phim nước ngoài phát hành tại VN mấy năm nay đã luôn áp đảo phim Việt để nhiều báo phải lên tiếng “Thị trường điện ảnh VN thua trên sân nhà”, “Phim Việt thất thế trên sân nhà”...

Có lẽ chính vì thế mà trong thông cáo báo chí của Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN có nói tiêu chí hoạt động của họ là nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển phim VN, bảo vệ và hỗ trợ lĩnh vực phát hành và phổ biến phim - một khâu rất quan trọng của công nghiệp điện ảnh để không phải chỉ có phim nước ngoài mà phim VN có thể tiếp cận trực tiếp tới người dân trên mọi vùng miền cả nước.

CÁT KHUÊ thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên