Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng - phụ trách điều hành bệnh viện, mỗi năm có khoảng 1.000 lượt trẻ bị u bướu mắt đến bệnh viện khám, tuy nhiên vì chưa có đơn vị điều trị riêng nên trẻ được chỉ định điều trị tại các khoa lâm sàng, các bác sĩ chưa có điều kiện để phát triển chuyên ngành.
Trong khi đó, số lượng người mắc các loại u ác tính ở mắt khá lớn, đặc biệt là trẻ em. Tại Việt Nam chưa có thống kê riêng, nhưng tại Mỹ các tháng đầu năm 2023 có 3.490 ca mắc mới ung thư mắt, năm 2020 có 430 người chết vì ung thư mắt các loại.
Ở trẻ em, u nguyên bào võng mạc là khối u ác tính thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ 3% và đứng thứ 6 trong số các ung thư thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Đa số ca bệnh là đột biến gene RB1 nằm trên nhánh dài 14 của nhiễm sắc thể 13, ngoài ra có 10-15% ca bệnh ở trẻ có tiền sử gia đình có người mắc bệnh này.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương, toàn quốc hiện chưa có trung tâm điều trị riêng khối u mắt, các bác sĩ ung bướu nhãn khoa hiện chủ yếu là bác sĩ chuyên về nhãn khoa, trong quá trình điều trị chẩn đoán ghi nhận, điều trị thêm bệnh lý này nên chưa có số liệu thống kê chính xác số bệnh nhân u mắt trên toàn quốc.
Hiện các bệnh lý ung thư mắt đang được phát hiện, điều trị tại bệnh viện như u bì, u giác mạc, u kết mạc; khối u phần phụ nhãn cầu (u hốc mắt, u thị thần kinh); u nội nhãn (K võng mạc, K màng bồ đào, u mống mắt thể mi, u hắc mạc). Thống kê 6 năm qua mỗi năm có khoảng 1.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị riêng tại Bệnh viện Mắt trung ương.
Việc thành lập đơn vị điều trị u bướu mắt trẻ em, theo ông Hưng, để phát hiện, điều trị tất cả các bệnh lý ung bướu nhãn khoa, nghiên cứu kỹ thuật điều trị mới và đặt nền móng đầu tiên cho điều trị khối u mắt ở Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận