Buổi lễ công bố thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo TP.HCM, các nhân chứng lịch sử, gia đình liệt sĩ, đại diện các bảo tàng tại khu vực TP.HCM.
Bảo tàng ngoài công lập thứ 6 ở TP.HCM
Đại biểu tham dự gồm có ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; trung tướng Nguyễn Văn Nam - tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM; bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM...
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu: "Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là bảo tàng ngoài công lập thứ sáu ở TP.HCM. Sự ra đời của bảo tàng không chỉ là niềm vui của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mà còn là niềm vui chung của ngành văn hóa tại TP.HCM và cả nước".
Trong quá trình tìm hiểu về lực lượng Biệt động Sài Gòn, đại tá Nguyễn Huy Toàn cho biết đã xúc động trước những công hiến lớn lao của những anh hùng lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử của Bộ Quốc phòng, đại tá Nguyễn Huy Toàn cho rằng mình chưa thấy ở đâu có lực lượng chiến đấu giỏi giang như Biệt động Sài Gòn.
"Tôi mau nước mắt nên tôi đã khóc trước những liệt sĩ khi chết rồi chỉ có cái bí danh thôi, không biết tên thật anh ta là gì. Đau lắm!
Ở TP.HCM, 255 gia đình là chiến sĩ biệt động Sài Gòn, dùng nhà của mình, con em mình, cơm gạo của mình để nuôi lính biệt động. Nên tôi rất quý, rất yêu Biệt động Sài Gòn", đại tá chia sẻ.
Các hoạt động khánh thành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định gồm có: Ôn lại truyền thống đấu tranh của lực lượng Biệt động Sài Gòn qua phim tài liệu; Tham quan bảo tàng; Các nhân chứng lịch sử hiến tặng hiện vật; Diễu hành qua các di tích lịch sử...
Mở cửa Bảo tàng Biệt động Sài Gòn
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 21-6-2023. Bảo tàng được thành lập với mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định và của lực lượng vũ trang TP.HCM.
Với sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỉ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán dinh Độc Lập).
Bảo tàng hiện trưng bày hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Bao gồm bộ sưu tập hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân, chứa thư từ, tài liệu, tiền vàng; bộ sưu tập vũ khí...
Ông Trần Trọng Nghĩa - giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (cháu nội ông Trần Văn Lai), cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm hiện vật và xây dựng bảo tàng theo hướng số hóa.
"Toàn bộ dữ liệu của bảo tàng sẽ được số hóa để lưu giữ tốt hơn dữ liệu về một lực lượng đặc biệt, bên cạnh đó cũng mở ra cơ hội sử dụng các công cụ hiện đại như hình ảnh 3D, VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường thực tế) để tái hiện lại các sự kiện quan trọng và không gian liên quan đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Việc số hóa sẽ lan tỏa và giúp các thế hệ trẻ kết nối, hiểu nhiều hơn về di sản lịch sử Biệt động Sài Gòn - Gia Định", ông Nghĩa nói.
Sau lễ công bố quyết định, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định chính thức đi vào hoạt động. Thời gian mở cửa từ 7h30 đến 17h hằng ngày. Tuy nhiên, ban quản lý bảo tàng sẽ sắp xếp thời gian linh hoạt khi có yêu cầu tham quan từ trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận