07/07/2024 21:45 GMT+7

Thanh khoản chứng khoán bình quân thấp nhất 6 tháng qua

Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên tuần trước ở mức hơn 14.900 tỉ đồng, giảm gần 34% so với trung bình 5 tuần. Đây cũng là tuần có thanh khoản chứng khoán bình quân thấp nhất 6 tháng qua.

Nhà đầu tư vẫn dè dặt giải ngân vào chứng khoán - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà đầu tư vẫn dè dặt giải ngân vào chứng khoán - Ảnh: QUANG ĐỊNH

VN-Index đóng cửa giao dịch tuần trước tại mốc 1.283,04 điểm, tăng gần 38 điểm nhưng thanh khoản tiếp tục giảm mạnh.

Lý do dòng tiền vào chứng khoán dần cạn kiệt

* Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối phân tích chứng khoán MB (MBS):

Thanh khoản thấp từ giữa tháng 6 đến nay, đây cũng là thời điểm chốt báo cáo tài chính quý 2 của doanh nghiệp niêm yết cũng như công ty chứng khoán.

Một phần dòng tiền rút ra chốt báo cáo tài chính có thể chưa quay trở lại. Ngoài ra, một số công ty chứng khoán cho vay ngoài cũng phải điều chỉnh margin lại ở thời điểm này để xử lý báo cáo.

Về tâm lý thị trường, dù số liệu vĩ mô vừa được công bố khá tích cực, GDP tăng cao bất ngờ, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chờ đợi thị trường giảm sâu hơn nữa để vào.

Giai đoạn này có thể nói đang tăng trong nghi ngờ khi một số yếu tố rủi ro về tỉ giá, khối ngoại bán ròng hay lãi suất dần cao lên đang chi phối tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, khiến họ dè dặt.

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu tiền có đang rút ra khỏi thị trường. Qua trao đổi, quan sát nhiều công ty chứng khoán, tiền chưa rút ra khỏi thị trường mà đang chế độ "chờ". Tuần sau sẽ có nhiều hơn các công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 2.

Thường tin tốt sẽ ra trước, những nơi lợi nhuận tích cực, thông tin thuận lợi sẽ công bố sớm và ngược lại.

Đợt tăng mạnh trước đó cũng đã khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu thị trường đã đạt đỉnh hay chưa. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nó chưa đạt đến giới hạn.

Chỉ lưu ý sự tăng giá gần đây của các cổ phiếu vốn hóa trung bình (mid-cap) đã đưa định giá nhóm này lên 17,1 lần P/E (định giá), cao hơn khoảng 17% so với VN-Index. Thậm chí các cổ phiếu mid-cap hiện đang được giao dịch ở mức P/B (chỉ số để so sánh giá) tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn (large-cap).

Tiềm năng cổ phiếu công nghệ đã phản ánh vào giá, nhà đầu tư lưu ý

* Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia tài chính, cố vấn quản lý gia sản FIDT:

Dòng tiền vừa qua tập trung tại nhóm công nghệ, viễn thông, trong khi chỉ vào tương đối ở nhóm tài chính.

Tuy nhiên, tham gia vào nhóm ngành công nghệ lúc này cho kỳ vọng sắp tới hay không, tôi sẽ không ưu tiên. Như FPT, cổ phiếu gần như đang phản ánh tất cả câu chuyện của họ. 6 tháng tới nhóm này không còn thực sự hấp dẫn về mặt cơ bản.

Một số ngành được quan tâm, như ngân hàng. Tuy nhiên cần xem báo cáo quý 2 sắp công bố như thế nào. Chất lượng tài sản sẽ là yếu tố quan trọng để đánh giá tiềm năng tăng trưởng của nhóm này.

Tiếp đến, ngành bán lẻ, tiêu dùng, dữ liệu cho thấy có vẻ chưa thực sự phục hồi so với tiềm năng. Nhưng nửa cuối năm, kỳ vọng khởi sắc tốt hơn. Việc tăng lương từ 1-7 vừa qua là yếu tố hỗ trợ nhóm ngành này.

Cuối cùng ngành bất động sản, các chính sách mới mang lại kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt cho các doanh nghiệp ngành này, thúc đẩy sự hồi phục.

Góc nhìn kỹ thuật: áp lực bán hiện diện tại vùng cung 1.270-1.288

* Ông Phạm Quang Chương, chuyên gia phân tích chứng khoán Phú Hưng (PHS):

VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, độ rộng thị trường cho thấy số mã giảm điểm hoàn toàn áp đảo. Lực cầu cũng tìm đến một số cổ phiếu mid-cap thuộc các nhóm như cảng biển, hàng không, bán lẻ, bất động sản.

Thanh khoản vẫn nằm quanh mức trung bình cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng. Về mặt kỹ thuật, VN-Index tiếp tục có phiên tăng yếu.

Khả năng áp lực bán hiện diện tại vùng cung 1.270 - 1.288. Chỉ số có thể sẽ tiếp tục rung lắc ở vùng này, kỳ vọng sẽ chỉ giảm yếu kèm khối lượng duy trì thấp để cho tín hiệu áp lực bán yếu.

Chiến lược chung có thể để tỉ trọng ở mức trung bình và chờ thêm phiên dòng tiền tham gia mạnh mẽ để gia tăng thêm, ưu tiên chú ý các nhóm như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, dầu khí, xuất nhập khẩu, thép, vận tải biển, khu công nghiệp.

Khối ngoại rút gần 54.000 tỉ đồng khỏi chứng khoán Việt Nam

Thanh khoản giảm có thể do nhà đầu tư nội vẫn chờ giải ngân thích hợp. Nhưng lượng tiền khối ngoại rút khỏi thị trường thấy rõ nét.

Thống kê từ MBS, khối ngoại đã bán ròng liên tục trong nửa năm vừa qua với tổng trị giá 53.600 tỉ đồng. Chuyên gia MBS cho rằng hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán Việt Nam có thể là nguyên nhân khiến đồng Việt Nam yếu đi.

Có Có 'liều thuốc tinh thần', chứng khoán tuần mới sẽ ra sao?

Những thông tin vĩ mô mới được công bố có thể là 'liều thuốc tinh thần' với thị trường chứng khoán sau nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên