Nhà văn hóa mới của thôn Thành Đức vừa được khánh thành cuối năm 2015, rộng 630m2. Người dân đóng góp 900.000 đồng/khẩu - Ảnh: Mai Hoa |
“Quan điểm của tỉnh là phải kiểm tra, rà soát thật kỹ và xử lý cương quyết, chấm dứt thu đối với những khoản thu không đúng quy định của pháp luật |
|
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn |
Trước những bức xúc của người dân về các khoản thu, ngày 14-9 Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn đã có buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Hà Vinh (huyện Hà Trung).
Sau đó, bà Thìn giao chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo rà soát, kiểm tra các khoản thu ở tất cả các xã, thị trấn thuộc huyện, dừng thu các khoản không đúng quy định; báo cáo chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) trước ngày 30-10, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 12-11-2016.
Trẻ em cũng phải đóng phí xây dựng... nghĩa trang
Bà Nguyễn Thị H. - thôn 11, xã Hà Vinh - cho biết gia đình bà có bảy nhân khẩu, mỗi năm hai vụ đóng góp (vụ chiêm vào tháng 5 và vụ mùa vào tháng 10), vợ chồng bà phải lo được 2-3 triệu đồng để đóng các khoản phí cho mỗi vụ. Có năm bà phải đi vay tiền trả lãi để đóng cho thôn, xã vì không muốn bị mang tiếng chây ỳ.
Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị H. thuộc hộ nghèo thôn 11. Chồng mất đã lâu, con gái lớn đi lấy chồng, nhà chỉ còn lại bà và ba con nhỏ, làm hai sào ruộng. Vụ chiêm năm 2016 bà phải đóng góp gần 1,6 triệu đồng.
Còn trước đó vụ mùa năm 2014, dù thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ theo đầu sào và tiền điện, nhưng hộ của bà vẫn phải đóng 20.000 đồng ủng hộ quỹ người nghèo, đóng 30.000 đồng/khẩu cho quỹ thiếu niên; đóng tiền xây dựng chùa và lăng 70.000 đồng... Vụ ấy gia đình bà phải đóng gần 2,5 triệu đồng.
Trong thông báo kế hoạch chỉ tiêu thu năm 2016 của UBND xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, bất kỳ ai có tên trong sổ hộ khẩu, kể cả trẻ em, đều phải đóng góp phí xây dựng... nghĩa trang với mức 100.000 đồng/người.
Mới đây, UBND huyện này đã phải yêu cầu dừng tất cả các khoản thu đối với trẻ em dưới 6 tuổi vì vi phạm Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Tương tự, tại huyện Nông Cống, chủ tịch UBND xã Trường Sơn cũng vừa bị kỷ luật hình thức cảnh cáo, mà một trong những nguyên nhân chính là do không quản lý tốt thông báo thu, phê duyệt phương án thu của thôn Yên Minh, Phúc Thọ sai đối tượng theo quy định của pháp luật.
Trưởng thôn của hai thôn này phải tổ chức họp dân, công khai xin lỗi và hoàn trả tiền cho các đối tượng là trẻ em và người cao tuổi.
Ở xã Hà Vinh, vụ chiêm 2016, một trẻ em có tên trong hộ khẩu phải đóng góp 286.400 đồng cho các khoản của UBND xã. Trong đó bao gồm các khoản: cải tạo nâng tầng lớp học mầm non 35.000 đồng/khẩu, nhà học âm nhạc trường mầm non 16.650 đồng/khẩu, tu sửa trường mầm non 34.463 đồng/khẩu, tu sửa trường tiểu học 38.527 đồng/khẩu, tu sửa trường THCS 24.161 đồng/khẩu.
Điều đáng nói là đến khi đi học, các em lại phải tiếp tục đóng thêm khoản tiền xây dựng trường, như ở Trường THCS Hà Vinh năm 2016 thu 200.000 đồng/em.
Bà Lê Thị Thìn, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, gặp gỡ người dân xã Hà Vinh, huyện Hà Trung để trao đổi về các khoản thu ở địa phương - Ảnh: AN BÌNH |
Đóng lãi nếu trả chậm
Ở thôn 11, xã Hà Vinh, khoản đóng góp bị kêu ca nhiều nhất là số tiền 1,5 triệu đồng/nhân khẩu để làm 1,5km đường bêtông trong thôn. Số tiền này được chia ra thu trong năm vụ liên tiếp. Nếu vụ nào người dân chưa hoàn thành thì sau đó sẽ phải nộp cả gốc lẫn lãi mức 1,2%/tháng.
Ông Phạm Khắc Bẩy, trưởng thôn 11, cho biết thôn lên kế hoạch làm đường từ năm 2013. Trừ những người 60 tuổi trở lên, những người là thương bệnh binh và được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, còn lại khoảng 600 khẩu phải đóng.
Cuối năm đó, đường bắt đầu làm khi mới chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng từ dân. Thôn phải đi vay của dân thêm 100 triệu đồng, lãi 1,5%/tháng, thời hạn 1 năm. Sau thời hạn đó sẽ bị tính lãi chậm nộp. Ngoài ra còn nhờ người đứng tên vay của ngân hàng 60 triệu đồng, lãi hơn 1%/tháng.
Ông Bẩy cho biết thôn không làm dự toán, chỉ dự trù số tiền. Đến khi làm xong, tổng chi phí hết khoảng 780 triệu đồng. Giả sử nếu thu hết của 600 khẩu sẽ được 900 triệu đồng, dư ra thì để dành làm những đoạn đường sau, nhưng đến nay vẫn còn... 92 khẩu đang nợ.
Còn tại thôn Thành Đức (xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa) có tới hai nhà văn hóa nằm gần nhau. Một người dân trong thôn than thở: “Đóng góp triền miên. Vừa đóng tiền nhà văn hóa xong trong vụ tháng 5 lại nghe nói đến vụ tháng 10 này sẽ thu tiền làm đường bêtông nữa, mỗi người phải đóng cả triệu đồng”.
Ông Lê Ngọc Chất, bí thư chi bộ thôn Thành Đức, cho biết cả hai nhà văn hóa đều do dân góp tiền xây dựng. Nhà cũ xây xong năm 2008 để đón danh hiệu làng văn hóa. Nhưng theo chuẩn nông thôn mới, nhà văn hóa này lại không đạt. Nó chỉ rộng 260m2 cả khuôn viên, trong khi quy định mới phải có 100 chỗ ngồi với khuôn viên trên 300m2.
Năm 2015, để làm nhà văn hóa mới rộng 630m2, người dân trong thôn lại góp thêm 900.000 đồng/khẩu, thu trong ba vụ, đến vụ tháng 5-2016 mới xong. Ngày khánh thành, người dân trong thôn không kể già trẻ phải đóng thêm 20.000 đồng/khẩu gọi là “tiền trà nước” làm lễ.
Đến vụ tháng 10 này, ông Chất cho biết thôn sẽ thu 1 triệu đồng/người lao động để làm tiếp đường bêtông (tuổi lao động được thôn tính từ 17 đến hết 60, không kể nam, nữ). Trước đây vì kinh phí hạn chế, mới chỉ đổ bêtông rộng 1-1,5m ở giữa đường. Nay theo tiêu chí nông thôn mới phải rộng 2,5m, dày 15cm, đồng thời làm thêm 130m rãnh thoát nước để phục vụ tiêu chí môi trường.
Ông Chất cho biết hiện thôn có 446 khẩu thì hơn 100 người đi làm ăn xa. “Mức 1 triệu đồng này nếu làm nông thì cũng hơi nhiều. Nhưng với người có làm thêm bên ngoài thì cố gắng được” - ông khẳng định.
Ở thôn Oanh Kiều 1 (xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa), nhà văn hóa thôn đã xây xong từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn tới 114 hộ đang nợ số tiền gần 170 triệu đồng. Người dân khá vất vả với khoản thu 900.000 đồng/nhân khẩu để xây dựng nhà văn hóa và khoản thu 25kg thóc/sào để làm đường bêtông vào nhà văn hóa (giá thóc áp dụng năm 2016 là 6.500 đồng/kg).
Bị làm khó vì không đóng đủ Cuối tháng 8, trên một số trang mạng xuất hiện thông tin chính quyền ở xã Hà Vinh và xã Trường Sơn cưỡng chế, dắt bò, xiết tivi và các tài sản khác để buộc người dân hoàn thành nghĩa vụ đóng góp. Sau khi xác minh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Thủ tướng khẳng định những sự việc này đã xảy ra vào những năm 2006-2007 và được xử lý ngay tại thời điểm đó. Thực tế hiện nay đã không còn tình trạng trên nhưng theo phản ảnh của người dân thôn 11, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, nếu không hoàn thành các khoản đóng góp sẽ bị từ chối thực hiện thủ tục giấy tờ khi liên hệ với xã. Bà Hoàng Thị H. cho biết vụ vừa rồi đến UBND xã làm giấy xác nhận cho con đi làm, cán bộ tư pháp buộc bà phải trình giấy thanh toán phí mới làm giấy. Vì đóng chưa đủ, bà phải lật đật đi vay tiền về đóng, rồi xin chữ ký của trưởng thôn mới ngược ra UBND xã làm giấy được. Chủ tịch UBND xã Hà Vinh Lê Xuân Thảo thừa nhận chuyện cán bộ từ chối thực hiện thủ tục hành chính cho dân là có. “Các biện pháp này thực hiện theo kiến nghị của bà con cử tri trong xã, dù pháp luật không có quy định. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đạo chỉ áp dụng với những trường hợp cố tình không đóng góp. Nhưng thực tế bà con phản ảnh là có gây khó khăn cho một số hộ nghèo” - ông Thảo nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận