Mở đầu Lễ hội Lam Kinh 2023 là nghi thức rước kiệu đức vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung Túc vương Lê Lai từ đền thờ vua Lê Thái Tổ và đền thờ Trung Túc vương Lê Lai về sân rồng chính điện Lam Kinh.
Sau đó là nghi thức đọc chúc văn tấu cáo, tưởng nhớ công lao của đức thái tổ Cao Hoàng Đế, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê, công thần và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn diễn ra trang trọng tại sân rồng trước chính điện Lam Kinh.
Theo diễn văn khai mạc Lễ hội Lam Kinh năm 2023, năm 1407, sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh.
Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài tâm phúc đã mở hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân.
Ngày mùng 2 Tết năm Mậu Tuất 1418, tại vùng rừng núi Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược bùng nổ.
Sau khi đất nước thái bình, tháng 4 năm Mậu Thìn 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và lập nên vương triều hậu Lê kéo dài hơn 360 năm.
Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV.
Trong sáu năm ở ngôi hoàng đế, Lê Thái Tổ cho xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, ban hành nhiều chính sách tiến bộ về ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, cho lưu hành tiền tệ, đẩy mạnh giáo dục và lựa chọn hiền tài, mở rộng bang giao, giữ yên bờ cõi.
Phần hội của Lễ hội Lam Kinh năm 2023 là chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt với chủ đề "Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rực rỡ", với sự tham gia của hơn 250 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân, học sinh, sinh viên của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
Chương trình nghệ thuật đã tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi, cùng các tướng sĩ và nhân dân trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.
Bên cạnh đó, phần hội còn có sự kết hợp của các trò diễn đặc sắc như trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường, tạo nên không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận