Nhiều nhà dân ở thôn Bùi 2, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bị nứt tường sau khi nhà máy nước tại xã đi vào hoạt động - Ảnh: Hà Đồng |
Theo báo cáo của UBND xã Tiến Lộc, tại thôn Bùi 2 giáp với nhà máy nước đang xảy ra hiện tượng nứt nhà ở, công trình phụ của 32 hộ dân. Trong đó bị nặng nhất là ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Hoàng Ngọc Cạy đang bị nứt đôi, vết nứt rộng 2,5cm.
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại thôn Bùi 2 cho thấy nhiều nhà ở, công trình phụ của người dân đã, đang bị nứt, sụt lún nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn của công trình.
Nhà máy cấp nước sạch xã Tiến Lộc đi vào hoạt động còn làm cho các giếng đào, giếng khoan của người dân khô cạn, gây khó khăn trong sinh hoạt.
Đại diện Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa (chủ đầu tư dự án) cho biết công trình nước sạch xã Tiến Lộc được đầu tư từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á, đưa vào sử dụng tháng 9-2014. Theo thiết kế, giếng nước nhà máy có độ sâu 109m, phục vụ cho 2.071 hộ dân xã Tiến Lộc, dung lượng 400-500m3/ngày đêm.
Nhận được phản ảnh của người dân về hiện tượng nứt nhà, sụt lún, cạn kiệt nguồn nước giếng, chủ đầu tư, Sở NN&PTNT tỉnh đã về xã Tiến Lộc kiểm tra, đi đến kết luận: sau khi vận hành, khai thác Nhà máy cấp nước sạch xã Tiến Lộc được tám tháng bắt đầu xuất hiện tình trạng nhà ở, công trình phụ của hàng chục hộ dân nằm trong khu vực dự án, từ tường rào phía tây nhà máy đến chân núi Bần, cách giếng khoan của nhà máy từ 70-100m bị nứt tường, sụt lún nền…
Ông Đồng Minh Quang - trưởng Phòng TN&MT huyện Hậu Lộc - cho biết Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ TN&MT cùng Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra tại xã Tiến Lộc và nhận định ban đầu: giếng khoan Nhà máy cấp nước sạch xã Tiến Lộc hoạt động gây hạ thấp mực nước, kéo theo sự tháo khô nước của các lớp đất nằm phía trên, dẫn đến các giếng đào, giếng khoan của nhà dân nằm trong vùng ảnh hưởng của giếng LK1 đều bị cạn, không có nước.
Nhiều nhà ở, công trình phụ ở thôn Bùi 2 (Tiến Lộc) bị nứt toác, gây hoang mang, lo lắng cho người dân địa phương - Ảnh: Hà Đồng |
Riêng nguyên nhân gây nứt, sụt lún nhà dân, Cục Quản lý tài nguyên nước nhận định ban đầu là do vận hành giếng khoan LK1 gây hạ thấp mực nước, dẫn đến tháo khô nước của các lớp đất nằm trên, hệ quả là gây ra co ngót trong các lớp đất sét vốn có khả năng co ngót lớn khi mất nước. Đối với vùng sát chân núi, nơi có sự tiếp xúc giữa các lớp đất sét phong hóa và đá cứng thì khi lớp đất sét bị co ngót vì mất nước sẽ tạo thành mặt trượt, gây hiện tượng nứt đất dọc theo tuyến song song với chân núi và làm rạn nứt nhà dân.
Được biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã có ý kiến chỉ đạo Sở NN&PTNT, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh nghiên cứu, tìm kiếm nguồn nước bổ sung, thay thế đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt ổn định cho nhân dân địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận