Đại sứ Iran (đứng sau, bìa phải) cùng gia đình các nhân viên Đại sứ quán Iran - Ảnh nhân vật cung cấp |
Được xây dựng từ năm 1890, thánh đường này có kiến trúc đặc trưng của nhà thờ Islam, đặt ở hướng tây để quay mặt về thánh địa Mecca linh thiêng của người Hồi giáo.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, chiến tranh khốc liệt, nhưng Al-Noor vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc thuở ban đầu. Đây là nơi các đại sứ theo Hồi giáo đến cầu nguyện hằng tuần.
Thánh đường Soi Sáng
Ông Đoàn Hồng Cương, phó ban quản trị thánh đường, cho chúng tôi biết Al-Noor hiểu theo nghĩa tiếng Việt là “thánh đường Soi Sáng”.
Theo ông Cương, hiện nay có 600-700 tín đồ Hồi giáo ở Hà Nội, bao gồm các quan chức ngoại giao và các doanh nhân đến từ khoảng 20 quốc gia.
Al-Noor có sức chứa khoảng 200 người đến cầu nguyện, nếu tính cả sân bên ngoài là 300 người. Các vị đại sứ đến đây cũng bình đẳng như bao tín đồ đạo Hồi khác. Ai đến sớm sẽ được vào sảnh bên trong cầu nguyện, ai đến muộn phải chấp nhận hành lễ ngoài sân.
Khi hành lễ, thông thường các nhà ngoại giao đọc kinh Coran bằng tiếng Ả Rập, tuy nhiên cũng có nhiều người không biết tiếng Ả Rập thì đọc theo tiếng bản ngữ của họ như tiếng Indo, tiếng Malay hoặc tiếng Anh.
“Tín đồ Hồi giáo tại Hà Nội thường tập trung nhiều nhất ở thánh đường Al-Noor vào tháng Ramadan, rơi vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 âm lịch (tính theo tuần trăng). Ngoài ra thánh đường còn là nơi giao lưu của cộng đồng đạo Hồi” - ông Cương nói.
Ông Đoàn Hồng Cương (có mẹ người Việt và cha người Pakistan) khoe với chúng tôi rằng cựu đại sứ Iran Hussein Alvandi Behineh, người vừa kết thúc nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam vào tháng 9 năm nay, từng tham dự đám cưới cháu ông theo nghi lễ đạo Hồi ngay tại thánh đường Al-Noor.
Chúng tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện với đại sứ Hussein Alvandi Behineh khi ông công tác tại Hà Nội.
Còn nhớ lần gặp đầu tiên, khác với hình dung ban đầu của chúng tôi về một vị đại sứ nghiêm trang, kín đáo đến từ xứ sở Ba Tư, ngài Hussein Alvandi Behineh lại là người có phong cách gần gũi và cởi mở.
Ông không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi một số vấn đề nhỏ mà ông và gia đình gặp phải khi mới đến Hà Nội.
Ví dụ như sinh hoạt đạo Hồi ở Hà Nội cũng như TP.HCM không có nhiều cơ sở vật chất như đền thờ, khu cầu nguyện cho người Hồi giáo, hay là việc không có nhiều món ăn dành cho người Hồi giáo.
Theo ông Đoàn Hồng Cương, ăn thịt heo là điều cấm kỵ với người Hồi giáo và tín đồ đạo Hồi thường ăn những động vật do chính tay họ giết mổ.
“Cháu dâu tôi có nấu ăn cho đại sứ Hussein nên tôi khá rành về các món ăn của các đại sứ theo đạo Hồi. Họ thường ăn các món truyền thống như cà ri, bánh mì, cá, gà, dê, cừu,... Món ăn Việt Nam yêu thích của họ là nem cua bể” - ông Cương kể.
Nhiệm kỳ đại sứ đã giúp ông Hussein Alvandi Behineh chứng kiến sự thay đổi. Ông nói khi mới đến Việt Nam vào năm 2012 chỉ có vài nhà hàng Hồi giáo ở Hà Nội nhưng bây giờ thì đã nhiều hơn.
Ngày càng nhiều người Hồi giáo đến Hà Nội, vì vậy thánh đường Al-Noor có thể sẽ không đủ chỗ cho cộng đồng người Hồi giáo đang tăng lên.
“Cho đến nay chúng tôi không có khó khăn thật sự nào trong việc cầu nguyện và sinh hoạt Hồi giáo ở Hà Nội. Dù sao tôi nghĩ thánh đường Hồi giáo Al-Noor nên được xây dựng lại, đồng thời xây dựng thêm một số cơ sở mới” - ngài đại sứ vui vẻ tâm sự.
Phu nhân đại sứ Hussein là người thích nấu các món ăn Việt Nam từ hải sản và rau quả. Trong suốt nhiệm kỳ, có nhiều người bạn Việt Nam ghé thăm gia đình đại sứ và phu nhân có thể nấu món Việt thết đãi họ.
Đại sứ Hussein và phu nhân có hai người con gái, một cháu năm nay 6 tuổi và cháu còn lại 13 tuổi. Bọn trẻ học văn hóa và ngôn ngữ Iran tại lớp học nhỏ trong sứ quán với cô giáo do đại sứ thuê riêng.
“Hai con gái của tôi cũng tranh thủ học tiếng Việt từ các nhân viên Việt Nam trong sứ quán. Thỉnh thoảng đứa con gái nhỏ của tôi đến một trường mẫu giáo địa phương ở Hà Nội học một số từ vựng tiếng Việt và con bé tỏ ra thích thú” - đại sứ Hussein kể.
Trước khi rời Việt Nam, đại sứ Hussen nói với chúng tôi rằng ông có rất nhiều kỷ niệm với đất nước và con người Việt Nam, trong đó có một câu chuyện nhỏ mà ông sẽ nhớ mãi. Một lần ông cùng phu nhân đi nghỉ cuối tuần ở Ninh Bình.
Họ có dịp ngồi trên con đò xuôi giữa những đỉnh núi và ruộng lúa vàng ươm, rồi nói chuyện với cô lái đò. Cuộc sống mưu sinh của cô lái đò rất nhọc nhằn mỗi ngày, nhưng điều khiến cho ngài đại sứ vô cùng ấn tượng là cô lái đò nói với ông rằng cô cảm thấy hạnh phúc.
“Nhìn cách cô ấy cười với ánh mắt sáng lên khi nhắc đến gia đình, những đứa con, tôi tin là cô ấy hạnh phúc thật sự và rất ngưỡng mộ cô ấy.
Tôi cảm thấy như được cô ấy truyền cho mình một niềm lạc quan sống, được hạnh phúc lây. Có nhiều người giàu mà họ có cảm thấy hạnh phúc đâu?” - đại sứ Hussein Alvandi Behineh chia sẻ.
Đại sứ Mayerfas và phu nhân đạp xe trên đường phố Hà Nội - Ảnh: nhân vật cung cấp |
“Tôi không thể sống thiếu phở”
Cũng là một tín đồ Hồi giáo, đại sứ Indonesia tại Việt Nam Mayerfas bên cạnh các dịp đến hành lễ ở thánh đường Soi Sáng còn có thể tự mình cầu nguyện mỗi ngày năm lần ở bất cứ nơi nào phù hợp.
Ngược lại với đại sứ Hussein, ngay khi mới sang Việt Nam thì đại sứ Mayerfas nhanh chóng mê món phở bò nên hầu như ông không gặp bất cứ khó khăn gì về chuyện ăn uống ở Hà Nội.
Dường như đã thành thói quen, mỗi buổi sáng sau khi chạy xe đạp một vòng để rèn luyện sức khỏe, ông dừng xe ở một quán phở bên đường để thưởng thức món ăn yêu thích.
“Sau khi thức dậy khoảng 5g30 sáng, tôi đọc báo rồi đạp xe, sau đó tìm một quán phở nào đó mới để khám phá. Ở Việt Nam cũng có nhiều trái cây ngon. Thường thì tôi ăn phở và trái cây. Sau khi ăn, tôi cảm giác mình là một người Việt thật sự”.
Đại sứ Mayerfas cho biết thêm ông ăn phở hầu như mỗi ngày. “I cannot live without phở”, đại sứ Mayerfas nói với chúng tôi bằng tiếng Anh với nghĩa “tôi không thể sống thiếu phở”.
Quả thật không chỉ ở Hà Nội thì đại sứ Mayerfas mới ăn phở, ông kể có lần đi công tác ngắn ngày ở Rotterdam (Hà Lan) ông ăn phở ba lần.
Khi đến Rotterdam công tác, ông tìm thấy một nhà hàng Việt ở đó. Câu đầu tiên mà ông hỏi nhân viên nhà hàng là có phở không, họ nói có và ông liền gọi một tô phở bò để ăn.
Ngài đại sứ nói với vẻ tự hào rằng đã ăn phở bò ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Cả trong vai trò đại sứ đi công tác cũng như khi du lịch với gia đình, đại sứ Mayerfas đã đặt chân đến các tỉnh, thành từ miền Bắc đến miền Trung và miền Nam.
Ông kể rành rọt từng địa danh như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Sa Pa, Lào Cai, Cà Mau, Ninh Bình, Thái Bình... Sau khi nhẩm tính, đại sứ nói ông đã đi được khoảng 53 tỉnh, thành ở Việt Nam.
Dưới mái che thánh đường Soi Sáng, khi nghe chúng tôi kể lại một số câu chuyện về các vị đại sứ theo đạo Hồi, ông Đoàn Hồng Cương cười và nói: “Bạn thấy đó, cho dù chúng ta có tôn giáo khác nhau hoặc không theo tôn giáo nào, chúng ta đều có thể chia sẻ với nhau những giá trị chung, đó có thể là một món ăn ngon, một niềm lạc quan vui sống. Chúng ta không có nhiều khác biệt”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận